Căn cứ khoản 2, Điều 32 quy định về cơ sở kinh doanh dược, thuốc là loại hàng hóa đặc biệt. Còn điểm đ, khoản 2, Điều 32 Luật Dược năm 2016 quy định về cơ sở bán lẻ thuốc chỉ bao gồm 4 hình thức: Nhà thuốc; Quầy thuốc; Tủ thuốc trạm y tế xã/phường/thị trấn; Cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.
Khoản 4, Điều 77 Luật Dược năm 2016 nêu rõ trách nhiệm của cơ sở bán lẻ thuốc là: "Tư vấn trong phạm vi chuyên môn cho người sử dụng thuốc về các biện pháp xử lý khi có dấu hiệu bất thường trong quá trình sử dụng thuốc; Thu thập, báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền các thông tin về dấu hiệu bất thường trong quá trình sử dụng thuốc".
Trên thực tế, khi quầy thuốc mở cửa thì dược sĩ cần có mặt để thực hiện công tác chuyên môn, tư vấn cho người bệnh. Các loại thuốc bán phải được Bộ Y tế cấp phép lưu hành là thuốc, được cấp giấy xác nhận nội dung thông tin thuốc/quảng cáo thuốc và hiện nay chưa có văn bản quy định các hình thức bán thuốc qua mạng.
Luật Dược hiện hành và Nghị định 54/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Dược thì chưa quy định các vấn đề liên quan đến kinh doanh thuốc online hay kinh doanh thuốc qua các sàn thương mại điện tử. Vì theo quy định tại Điều 33 Luật Dược 2016, muốn kinh doanh dược phải có Giấy chứng nhận đủ Điều kiện kinh doanh dược, mà để có được Giấy này thì cơ sở kinh doanh phải đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân sự theo quy định nhưng khi kinh doanh online, trên sàn thương mại thì rất khó thể kiểm soát được việc này.
Trong trường hợp bạn nêu ra, người kinh doanh cần phải liên hệ Sở Y tế tại địa phương để hỏi xem thực tế có cho phép hoạt động kinh doanh dược online hay không để được giải đáp chính xác.
Luật sư Nguyễn Đại Hải
Công ty Luật TNHH Fanci