Luật sư tư vấn
Căn cứ quy định tại khoản 11, Điều 2, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, thì kit test nhanh Covid-19 là một trong những sinh phẩm y tế được dùng để chẩn đoán bệnh cho người. Theo các quy định tại Thông tư số 47 của Bộ Y tế (2010) thì các sinh phẩm này phải được Bộ thẩm định, cho phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam. Nói cách khác, mọi trường hợp sử dụng, mua bán... các kit test Covid-19 chưa được Bộ Y tế cấp phép đều là hành vi vi phạm pháp luật.
Mới đây, Bộ Y tế có văn bản công bố 16 loại kit test nhanh kháng nguyên được cấp phép, bao gồm: 1 xét nghiệm nhanh kháng nguyên sản xuất trong nước (Trueline COVID-19 Ag Rapid Test) và 15 loại nhập khẩu có xuất từ Trung Quốc (Flowflex SARSCoV-2 Antigen Rapid Test), Pháp (Biosynex COVID-19 Ag BSS); Đài Loan (V Trust COVID-19 Antigen Rapid Test); Mỹ (CareStart COVID-19 Antigen ); Nhật Bản (Espline SARS-CoV-2); Hàn Quốc (COVID-19 Ag; BioCredit COVID -19 Ag; GenBody COVID-19 Ag; Asan Easy Test COVID-19 Ag; SARS-CoV-2 Rapid Antigen Test; Panbio COVID-19 Ag Rapid Test Device; Standard Q COVID-19 Ag Test; Humasis COVID-19 Ag Test; SGTi-flex COVID-19 Ag; Panbio COVID-19 Ag Rapid Test Device -Nasal).
Như vậy, lô hàng bạn dự tính mua về bán có xuất xứ Hà Lan, không nằm trong danh mục các loại được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Do đó, việc bạn mua về bán lại các loại này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, thậm chí còn có thể bị xử lý vì vi phạm pháp luật.
Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả, vi phạm này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 17, Nghị định 98 của Chính phủ (2020) quy định, hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử phạt, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 50 triệu đồng. Tình tiết tăng nặng là lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh của xã hội để vi phạm hành chính (điểm g, khoản 1, Điều 10, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012).
Trường hợp bạn biết các kit xét nghiệm là không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được cơ quan có thẩm quyền cho phép kinh doanh nhưng vẫn lợi dụng dịch bệnh, cố tình chào bán thì có thể bị xử lý hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo Điều 174 BLHS 2015, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Tình tiết tăng nặng là lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh để phạm tội (điểm l, khoản 1, Điều 52, BLHS).
Do đó, luật sư khuyến cáo bạn không nên mua, bán những mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Bạn phải tìm hiểu, kiểm tra kỹ lưỡng các thông tin về người bán và hàng hóa trước khi mua để tránh vi phạm pháp luật.
Luật sư Võ Đan Mạch
Công ty Luật TNHH MTV Ta Pha