- Pháp luật hiện hành quy định thế nào về việc xét xử kín, thưa luật sư?
- Theo quy định tại Điều 18 Bộ luật Tố tụng hình sự, việc xét xử của toà án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự… Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật của Nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc để giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì toà án xét xử kín, nhưng phải tuyên án công khai.
Với quy định trên, việc xét xử kín hay công khai sẽ do toà án quyết định. Trừ những người tham gia tố tụng như bị cáo, người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại, người bào chữa, người làm chứng… thì chỉ có một số đối tượng hạn chế được tham dự phiên toà. Toà án sẽ quyết định những người nào được phép tham dự phiên xử kín.
Tuy nhiên, việc xét xử kín chỉ áp dụng trong giai đoạn xét hỏi và tranh luận tại phiên toà (vì giai đoạn này có thể những người tiến hành tố tụng hoặc những người tham gia tố tụng sẽ công bố những chứng cứ, những lời khai hoặc những tài liệu liên quan đến bí mật của Nhà nước, đến thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc bí mật của đương sự). Đến giai đoạn tuyên án thì bản án sẽ được tuyên công khai, những chứng cứ, những tình tiết “nhạy cảm” sẽ được Toà án phân tích dưới giác độ pháp lý và không nhất thiết phải viện dẫn cụ thể như trong giai đoạn xét hỏi và tranh luận.
- Vậy việc gia đình người bị hại trong vụ án Lương Quốc Dũng xin được xét xử kín có thể được toà án chấp nhận không?
- Tôi cho rằng vụ án này có đủ yếu tố để xét xử kín vì gia đình cháu Y. đã có đơn yêu cầu. Nếu công khai diễn biến tại phiên toà có thể sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai của Y. nên nhiều khả năng yêu cầu của gia đình người bị hại sẽ được toà án chấp nhận.
Thanh Hà thực hiện