Sau phiên họp thường niên căng thẳng năm 2019, năm nay, cuộc họp của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam ngày 29/6 đưa ra quy chế chặt chẽ. Hai lần kiểm tra tư cách cổ đông, phòng họp được đánh số vị trí ngồi theo thứ tự đăng ký, quy chế được ban điều hành đưa ra từ đầu là chỉ nhận câu hỏi bằng hình thức văn bản và giới hạn trong 30 phút.

Trụ sở Vinaconex trên đường Láng Hạ (Hà Nội).
Xử lý dự án Splendora Bắc An Khánh trong năm 2020
Như năm trước, dự án Splendora Bắc An Khánh và quyền lợi các cổ đông, gồm cả cổ đông lớn vẫn là những vấn đề được quan tâm nhất.
Ông Đào Ngọc Thanh - Chủ tịch HĐQT Vinaconex cho biết sẽ cố gắng xử lý dứt điểm ngay trong năm nay dự án Splendora Bắc An Khánh (Hà Nội). Dự án này là liên doanh được thành lập từ năm 2006 do Vinaconex và Công ty Địa ốc Phú Long, mỗi bên giữ 50% vốn. Hội đồng quản trị Vinaconex đề xuất với ĐHCĐ hai phương án, Vinaconex sẽ chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp hoặc đàm phán mua lại tại dự án này.
Theo đại diện Vinaconex, cơ cấu vốn hiện nay của dự án Splendora Bắc An Khánh gây ra bất lợi trong quá trình triển khai do đòi hỏi mỗi quyết định đều phải đạt được sự đồng thuận của cả hai cổ đông. Việc các cổ đông có những ý kiến trái chiều là bình thường, nhưng tranh cãi kéo dài, không tìm được tiếng nói chung gây ra nhiều thiệt hại.
"Một đống tiền nằm ở đó không thu được gì, trong khi lãi vay ngày một tăng. Tất cả chi phí đó, có thể lên tới vài trăm tỷ đồng mỗi năm, là các cổ đông của liên doanh phải chịu và đương nhiên Vinaconex cũng phải chịu một nửa", ông Thanh nói.
Tuy nhiên, tái cấu trúc dự án Bắc An Khánh cũng không tìm được sự thống nhất giữa các cổ đông tại phiên họp năm 2019 sau khi cổ đông Nhà nước thoái vốn. Ông Thanh từng khẳng định sẽ chuyển nhượng cổ phần nếu cổ đông còn lại là Phú Long muốn mua. Nhưng sau hơn một năm, việc cơ cấu lại dự án này vẫn chưa có nhiều tiến triển.
Một số cổ đông nghiêng về phương án Vinaconex nên thoái vốn khỏi dự án này khi tiềm lực công ty đang phân tán. Trong văn bản gửi cho HĐQT Vinaconex sau cuộc họp, các cổ đông cho rằng phương án Tổng công ty đàm phán để mua toàn bộ vốn của Phú Long tại An Khánh JVC không khả thi, "bởi Phú Long không có nhu cầu bán phần vốn của họ trong An Khánh JVC".
Đến cuối quý I, Vinaconex có tổng tài sản hơn 17.500 tỷ đồng, giảm gần 2.000 tỷ so với đầu năm. Trong đó, tổng nợ phải trả của công ty này đạt gần 10.000 tỷ đồng.
Dòng tiền hoạt động kinh doanh âm
Báo cáo hợp nhất năm 2019 cho biết dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Vinaconex âm gần 1.500 tỷ, tăng đột biến so với con số âm 50 tỷ đồng cùng kỳ năm 2018. Nguyên nhân chủ yếu là các khoản phải thu, ứng trước tăng cao. Đến cuối quý I/2020, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tiếp tục âm hơn 1.000 tỷ đồng.
Theo ông Thanh, dòng tiền âm do Vinaconex đẩy mạnh đầu tư vào các dự án, ví dụ đấu thầu dự án tại Phú Yên quy mô 600 tỷ đồng, mua khu đất tại Quảng Nam hay đầu tư nhiều dự án bất động sản tại Quảng Ninh. Người đứng đầu Vinaconex cho biết những dự án này khi đấu thầu hoặc mua lại phải trả tiền ngay nhưng hiện "vẫn nằm trên giấy".
Về lĩnh vực giao thông, Vinaconex tham gia nộp hồ sơ dự tuyển nhiều dự án, trong đó có 5 dự án BOT thành phần trong tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông với quy mô tổng mức đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng.
"Chúng ta có tiền nhưng số này không thấm tháp so với những gì muốn làm", ông Thanh nói. Chủ tịch Vinaconex cũng cho biết không tự quyết định đầu tư, tất cả đều thể hiện ở báo cáo tài chính đã được kiểm toán. "Nếu ai thấy có vấn đề gì mà công ty kiểm toán làm chưa chính xác thì hoàn toàn có thể khiếu nại. Nếu cổ đông thấy HĐQT không minh bạch, có thể chỉ rõ không minh bạch ở điểm nào chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm", Chủ tịch Vinaconex nói.
Xem thêm: Chủ tịch Vinaconex: 'Không có chuyện tẩu tán tiền về An Quý Hưng'
Tranh cãi về quyền lợi cổ đông
Do thời lượng thảo luận chỉ trong 30 phút và không được trực tiếp phát biểu nên nhiều cổ đông cho biết các câu hỏi gửi lên đã bị "bỏ qua".
"Mọi ý kiến góp ý, kiến nghị hay phản đối của chúng tôi đều bị HĐQT và Ban kiểm soát bác bỏ. Các thành viên HĐQT và thành viên BKS đại diện các cổ đông lớn cũng không được cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin về tình hình hoạt động của Tổng công ty, đặc biệt là báo cáo về dòng tiền hàng tháng như trước đây", kiến nghị của một cổ đông lớn nêu ra.
Trong kiến nghị, nhóm này cho biết đã có văn bản yêu cầu BKS kiểm tra từng vấn đề liên quan đến quản trị và điều hành của Vinaconex trong năm 2019. Năm nay, cổ đông này tiếp tục gửi kiến nghị tới HĐQT Vinaconex làm rõ nội dung này.Vấn đề về dự án Hòa Phú, Vinaconex ITC hay việc đề cử người đại diện vốn tại các công ty thành viên cũng chưa nhận được câu trả lời trực tiếp.
Trước những ý kiến này, Chủ tịch Vinaconex khẳng định luôn đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông theo quy định pháp luật.
"Chuyện không đồng ý về quan điểm cũng là bình thường. Tuy nhiên có những vấn đề không thể muốn là được và cần tuân thủ pháp luật", ông Thanh nói và cho biết nếu cổ đông có ý kiến liên quan đến quyền lợi có thể gửi phản hồi bằng văn bản. Trong trường hợp hai bên tiếp tục không tìm được sự đồng thuận, cần sự can thiệp của cơ quan pháp luật, đại diện Vinaconex cho biết sẵn sàng "theo đến cùng".
Kết thúc đại hội, các tờ trình đều được thông qua, nhưng chỉ có phương án tái cấu trúc dự án Splendora Bắc An Khánh và niêm yết cổ phiếu VCG trên sàn HoSE đạt tỷ lệ gần 100%. Các tờ trình còn lại về báo cáo hoạt động kinh doanh, phương án tăng vốn, chia cổ tức... chỉ nhận được sự tán thành của khoảng 70% số cổ phần có quyền biểu quyết tại đại hội.
Sau phiên họp, các nhóm cổ đông lớn tiếp tục gửi kiến nghị tới ban lãnh đạo Vinaconex để làm rõ nhưng câu hỏi "bị bỏ qua" trong phần thảo luận. Các nội dung chính vẫn xoay quanh việc tập trung quyền lực của nhóm cổ đông lớn An Quý Hưng, vấn đề về bổ nhiệm người đại diện vốn tại các doanh nghiệp, việc đầu tư theo quy chế tài chính mới.
Minh Sơn