"Có một anh chàng lo không mua được vé trận Peru đá, thế là cậu ấy bảo sẽ cố tăng 24 kg để mua được vé đặc biệt có ghế lớn hơn dành cho người nặng ký vì loại vé này dễ mua hơn", Guillermo Espinoza, một giáo viên dạy tiếng Anh đến từ Lima, thủ đô Peru, cho hay. "Ghế ngồi chỗ đó tầm nhìn tốt hơn".
Đây là một ví dụ cho thấy World Cup có ý nghĩa thế nào với người dân Peru. Rất đông người hâm mộ nước này đã tới Nga, tràn ngập các con phố từ Moskva tới Saransk, nơi đội tuyển Peru đối mặt với Đan Mạch trong trận đầu tiên vào thứ bảy tuần trước, theo Guardian.
"Một số người chỉ gom góp đủ 1.000 euro, họ ăn bánh quy sống qua ngày, ngủ trên sàn và bắt chuyến tàu miễn phí 32 tiếng đến Ekaterinburg để xem trận Peru đá với Pháp", Espinoza cho biết. "Họ thậm chí bỏ việc làm lâu năm để nhận tiền trợ cấp một lần, hay nấu nướng và giao bia tận nhà để kiếm thêm".
Thông thường, người Peru chỉ làm thế khi cần tiền khẩn cấp để chữa bệnh hay đi học, nhưng nhiều cổ động viên cho rằng việc được xem đội bóng lần đầu lọt vào chung kết World Cup từ năm 1982 đến nay cũng quan trọng không kém.
"Năm đó tôi mới hai tuổi. Tôi đến đây cùng bố, mẹ, vợ, thậm chí là con trai 4 tuổi, vì không biết bao giờ Peru mới lại lọt vào chung kết World Cup lần nữa", Rodrigo Verastegui, người chơi trống trên sân vận động, nói.
FIFA vừa tiết lộ đã bán được hơn 43.000 vé ở Peru, khiến quốc gia này trở thành nơi bán nhiều vé thứ 8 tại World Cup, nhưng Espinoza ước tính số lượng người hâm mộ tới Nga gần gấp đôi.
"Tôi cho rằng có đến 80.000 người Peru đang ở đây, bởi nhiều người Peru đến từ những quốc gia khác ở châu Âu. Nhiều người đã di cư trong thập niên 1980 bởi kinh tế khó khăn và nạn khủng bố trong nước", Espinoza nói.
Người Peru rất yêu bóng đá, nhiều người chấp nhận đứng để xem đội nhà trong trận đấu với Đan Mạch. Đã có 687.000 người nộp đơn mua vé trong trận so tài thứ hai của Peru với New Zealand, đội đã thắng 2-0 tại Lima hồi tháng 11 năm ngoái.
"Mỗi mùa World Cup mà chúng tôi không lọt vào chung kết, người hâm mộ đều rất đau khổ, vì người Peru ai cũng yêu bóng đá cuồng nhiệt", Angel Caranea, một cổ động viên đến từ Lima nói. "Đó là lý do sau 36 năm, chúng tôi đang phát điên. Tôi đã bán ôtô lấy tiền đến Nga. Đó là chiếc Mustang GT, nhưng tôi bán nó không chần chừ vì đây là cơ hội chỉ có một lần trong đời".
Thử thách lớn nhất với người hâm mộ Peru là kiểm soát được cảm xúc trên khán đài.
"Chắc chắn là các bạn sẽ thấy tại thời điểm quốc ca Peru vang lên, một nửa người hâm mộ chúng tôi sẽ khóc", Espinoza nói. "Tôi có một anh bạn bị bệnh tim. Vợ anh ấy bảo anh ấy đã chuẩn bị sẵn thuốc để hát quốc ca".