Khi một cơn dông bão dữ dội xuất hiện trên bầu trời Malaysia hôm 11/12, biển người áo vàng đã có mặt đầy đủ trên sân vận động Bukit Jalil, nơi diễn ra trận chung kết lượt đi giữa đội tuyển quốc gia của họ và đội tuyển Việt Nam trong khuôn khổ giải AFF Cup 2018, CNA đưa tin.
Họ lấp đầy khán đài, ghế ngồi và gần như mọi chỗ trống của một trong 10 sân vận động lớn nhất thế giới. Và khi đó, trận đấu thậm chí còn nhiều giờ nữa mới bắt đầu.
Malaysia là đội bóng kết hợp giữa những cầu thủ gạo cội và những cầu thủ trẻ đầy triển vọng. Việc họ tiến đến trận chung kết giải bóng đá khu vực là câu chuyện cổ tích khiến nhiều chuyên gia ngạc nhiên. Được sự ủng hộ của người hâm mộ cuồng nhiệt, "Những chú hổ Malay" đã đánh bại Myanmar với tỷ số 3-0 ở vòng bảng, loại đương kim vô địch Thái Lan ở trận bán kết nhưng cũng chịu thất bại 0-2 trước Việt Nam tại vòng bảng trên sân Mỹ Đình.
Hôm nay, tại Hà Nội, người Malaysia hy vọng sẽ lần thứ hai trong lịch sử được nâng cao chiếc cúp. "Các cầu thủ có động lực rất lớn từ cổ động viên khi chơi trên sân nhà", huấn luyện viên trưởng của Malaysia Tan Cheng Hoe nói. "Tất nhiên khi thi đấu trên sân khách chúng tôi sẽ không có được đám đông ủng hộ như vậy nhưng tôi biết chắc rằng các cầu thủ sẽ xử lý tốt và chúng tôi vẫn có thể tạo kết quả bất ngờ ở Hà Nội".
Cầu thủ trẻ Johor Darul Ta'zim tin rằng người hâm mộ Malaysia đã cho anh sự tự tin mỗi khi ra sân. "Tôi thực sự cảm kích vì những gì họ đã làm cho chúng tôi, thậm chí cho đến những phút cuối cùng họ vẫn ủng hộ chúng tôi", Ta'zim nói. "Họ đã cho tôi động lực để tiếp tục chiến đấu. Họ đến chỉ để ủng hộ chúng tôi từng ngày, từng trận đấu, tôi phải thi đấu tốt và đền đáp họ."
Mức độ ủng hộ cuồng nhiệt dành cho đội bóng đã tạo thành cơn sốt vài ngày trước trận chung kết lượt đi giữa Malaysia và Việt Nam khi người hâm mộ xếp hàng qua đêm để mua vé. Một trong số đó là Azrin Ahmad Zahdi, 40 tuổi, đến sân vận động Bukit Jalil lúc 21h, 13 giờ trước khi quầy bán vé mở cửa.
Theo ước tính của Liên đoàn bóng đá Malaysia, khoảng 6.000 người đã tới xếp hàng vào đêm hôm đó. "Ở cấp độ Đông Nam Á, đây là trận đấu lớn của chúng tôi, là giải thưởng vẻ vang của chúng tôi", Azrin nói. "Những trận đấu của đội nhà rất quan trọng. Nếu trận đấu của đội nhà diễn ra mà không có người hâm mộ, họ sẽ chẳng có gì cả".
Đến sáng hôm sau, đám đông kéo tới xếp hàng mua vé ngày càng nhiều, có người còn bị ngất. "Mọi người bắt đầu xô đẩy và phá hàng. Tình hình hoàn toàn hỗn loạn, thậm chí những người xếp hàng tình nguyện kiểm soát đám đông cũng đành bất lực", Azrin nói. "Tôi quyết định để hai người bạn xếp hàng còn mình thử giúp những người bị ngất. Trong lúc tôi đang giúp họ, một chú xếp hàng phía trước gọi và bảo tôi đưa tiền. Ông thấy tôi ra khỏi hàng để giúp người khác nên ông mua vé hộ tôi".
Trong cộng đồng người hâm mộ bóng đá Malaysia, Ultras Malaya là cái tên nổi bật. Nhóm luôn tự hào về việc đi cổ vũ cho đội tuyển dù trời mưa hay nắng, trên sân khách hay sân nhà. Họ thường mặc áo phông đen, có nhóm đánh trống dẫn đầu và ca hát, giương cao các khẩu hiệu để ủng hộ đội bóng. Nhóm cũng tổ chức các chuyến đi khi đội tuyển Malaysia thi đấu ở nước ngoài.
"Khẩu hiệu của chúng tôi là Ekor, hay còn gọi là cái đuôi", một thành viên Ultras giấu tên cho biết. "Nếu một con hổ không có đuôi, nó sẽ không thể thăng bằng. Chúng tôi là đuôi của những con hổ và chúng tôi sẽ luôn luôn ủng hộ họ bằng mọi cách. Bất kể thắng hay thua, chúng tôi vẫn ủng hộ họ".
Nhà báo thể thao Malaysia Keeshaanan Sundaresan nhận định người hâm mộ bóng đá Malaysia luôn rất cuồng nhiệt nhưng ở Ultras có điểm gì đó rất khác. Theo thông tin của CNA, khoảng 500 thành viên Ultras sẽ tới Hà Nội để cổ vũ đội tuyển. Họ đi chuyển bằng máy bay giá rẻ hoặc đi xe buýt hai ngày tới Việt Nam.
Để có tiền cho các chuyến đi cổ vũ đội tuyển, một số người hâm mộ phải bán đồ dùng. Sid Razali, 30 tuổi, đã bán áo thi đấu của đội tuyển Arsenal mà anh yêu thích và một đôi giày Adidas để có chi phí tới Bangkok cổ vũ đội tuyển trong trận bán kết lượt về.
"Họ cần sự ủng hộ của chúng tôi với tư cách là cầu thủ thứ 12", Razali nói. "Tony Fernandes (giám đốc AirAsia) đã ưu đãi giá vé đặc biệt để chúng tôi tới đó và tôi thực sự phải cảm ơn ông ấy. Không khí của một trận đấu rất quan trọng. Những cổ động viên có thể tạo sức ép với đối thủ và tạo động lực cho đội nhà ghi bàn".
Sinh viên Muhammad Fakhrullah, 19 tuổi, đã rao bán xe máy trên Twitter tuần trước với hy vọng có tiền tới Hà Nội. "Chiếc xe máy này đã bên tôi hai năm và nó rất có ý nghĩa với tôi. Thật không dễ dàng khi bán nó đi nhưng tôi cần tiền để đến Hà Nội".
Cổ động viên Fakhrullah đã trải qua hành trình 50 giờ bằng xe buýt để đến Bangkok cổ vũ đội nhà. "Đi xe buýt rất mệt và cũng rất khó ngủ nhưng điều đó xứng đáng. Ai sẽ ủng hộ đội tuyển nếu chúng tôi không đến", anh nói.
Dù chưa bán được xe máy, Fakhrullah đã mua được vé khứ hồi với giá ưu đãi trên một trong hai chuyến bay giá rẻ đặc biệt tới Hà Nội. "Tôi rất vui vì họ cho tôi cơ hội tham gia. Bây giờ tôi rất phấn khích về trận đấu trước mắt", Fakhrullah hào hứng chia sẻ.