Công ty cổ phần Nhựa Xanh An Phát (AAA) yêu cầu cổ đông tham dự phiên họp thường niên sắp tới phải viết cam kết không di chuyển từ vùng dịch về trong vòng 14 ngày và có tình trạng sức khoẻ tốt (không ho, sốt, khó thở và tiếp xúc gần với người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19). Công ty cũng đưa ra một só khuyến cáo cho cổ đông tới dự họp tại trụ sở doanh nghiệp, trong đó có việc rửa tay bằng nước diệt khuẩn, luôn đeo khẩu trang che kín mũi miệng...
Ban lãnh đạo AAA cho hay, công ty có quyền từ chối để cổ đông tham dự họp nếu có những triệu chứng bệnh hoặc không tuân thủ khuyến cáo y tế.
Tương tự, Công ty cổ phần Bia rượu Sài Gòn – Đồng Xuân (BSD) cũng đề nghị cổ đông khai báo thông tin. Nếu ai đến từ vùng dịch thì không dự họp. Công ty sẽ chuẩn bị đội ngũ y tế chuyên nghiệp, dung dịch rửa tay sát khuẩn, kiểm tra thân nhiệt, khẩu trang y tế... để phục vụ cổ đông.
Phiên họp của BSD dự kiến tổ chức ngày 21/3 tại huyện Mê Linh (Hà Nội), nhưng ban lãnh đạo doanh nghiệp này vẫn đang theo dõi tình hình dịch từ Bộ Y tế để thông báo tới cổ đông trong trường hợp phải trì hoãn.
Chọn phương án an toàn hơn, nhiều công ty niêm yết trên sàn chứng khoán huỷ kế hoạch ban đầu và dời sang thời điểm chưa được ấn định. Điển hình như Thế Giới Di Động (MWG) đã gửi công văn đến Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương để gia hạn. Trước khi quyết định, công ty khảo sát ý kiến cổ đông vì lo ngại diễn biến dịch có thể khiến nhà đầu tư nước ngoài khó khăn trong việc di chuyển đến và về từ Việt Nam.
Danh sách này đang dài thêm khi Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX), Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam, Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT), Công ty cổ phần Thế giới số (DGW)... đều chính thức huỷ kế hoạch tổ chức họp trước đó.
Trong công điện ngày 11/3, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng xin ý kiến UBND tỉnh, thành phố và các cơ quan có thẩm quyền về việc lùi thời điểm tổ chức đại hội đồng cổ đông trong điều kiện diễn biến Covid-19 ngày càng phức tạp.
Theo đại diện Uỷ ban Chứng khoán nhà nước (SSC), tháng 3 và tháng 4 là thời điểm mà các công ty đại chúng và quỹ đầu tư chứng khoán phải họp đại hội đồng cổ đông thường niên theo quy định tại Điều 136 Luật Doanh nghiệp. Trong bối cảnh này, cơ quan điều hành thị trường đã trình lãnh đạo Bộ Tài chính trình Chính phủ triển khai giải pháp họp đại hội đồng cổ đông trực tuyến, bỏ phiếu qua hệ thống bỏ phiếu điện tử.
Hệ thống bỏ phiếu điện tử (E-Voting) được Trung tâm lưu ký chứng khoán triển khai từ đầu năm 2017, mục đích ban đầu giúp các cổ đông đảm bảo quyền và lợi ích tại phiên họp thường niên. Vì các nguyên nhân khách quan, nhiều cổ đông không tham dự dẫn tới có trường hợp doanh nghiệp phải hủy họp vì số lượng tham gia không đạt tỷ lệ theo quy định.
Phương Đông