Ngày 7/8, thương vụ sáp nhập Habubank và SHB chính thức hoàn tất với quyết định chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, đánh dấu sự thành công của thương vụ sáp nhập tự nguyện đầu tiên. Tuy nhiên, với những người gắn bó lâu cùng Habubank, họ đau buồn khi hiểu rằng thương hiệu được gây dựng hơn hai thập kỷ của người Hà Nội sẽ mất hẳn.
Chủ tịch Habubank Nguyễn Văn Bảng và Tổng giám đốc Bùi Thị Mai (ngồi ngoài cùng bên phải) tại buổi công bố sáp nhập vào SHB. Ảnh: Thanh Lan |
Chia sẻ về những cảm nhận khi sáp nhập vào SHB, Chủ tịch HĐQT Habubank Nguyễn Văn Bảng đánh giá đây là thương vụ thành công dù ông và những người Habubank tiếc nuối khôn nguôi. Ông Nguyễn Văn Bảng lý giải việc dũng cảm để Habubank sáp nhập vào SHB là vì quyền lợi của cổ đông.
"Dù tôi rất hối tiếc về lịch sử và thương hiệu của Habubank trong hơn 20 năm qua nhưng nếu chỉ vì luyến tiếc mà không dám nhìn thẳng vào thất bại thì không tiến lên được. Cá nhân tôi phải đặt lợi ích của cổ đông lên trên hết. Một khi Habubank đã ở vào vị trí và mức độ cần phải biến đổi thì phải dũng cảm làm vậy", người đứng đầu Habubank chia sẻ.
Với những người Hà Nội, Habubank là một cái tên đọng lại nhiều ký ức bởi đây chính là ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên, ra đời trong quá trình đổi mới. Tâm sự với VnExrpess.net, Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, người cũng từng có thâm niên trong lĩnh vực ngân hàng và chứng kiến sự trưởng thành của Habubank – cho biết, Habubank trong tiềm thức của người dân Hà Nội trước đây rất đẹp. Bởi đây là ngân hàng cổ phần đầu tiên và cũng là ngân hàng sát cánh, đồng lòng với người lao động, thu nhập thấp thủ đô rất nhiều trong việc giúp họ có nhà ở.
“Bản thân tôi cũng xót xa lắm vì xây dựng được một thương hiệu ngân hàng không phải đơn giản. Thương hiệu đó giờ bị xóa đi nhưng đó cũng là công lao của bao nhiêu thế hệ, cổ đông”, ông Cao Sỹ Kiêm nói.
Trong kỷ yếu ngân hàng, ông Nguyễn Văn Bảng từng nhớ lại những ngày đầu của thuở hàn vi: “Mới thành lập, Habubank chỉ có 16 cán bộ với số vốn ban đầu 5 tỷ đồng, hoạt động theo hướng chuyên doanh, nay vốn điều lệ đã lên hơn 4.000 tỷ đồng, tổng tài sản tăng từ 7 tỷ đồng lên gần 50.000 tỷ”.
Lơi nhuận Habubank qua các năm tồn tại. Năm 2011, ngân hàng này bắt đầu lỗ. Đơn vị: triệu đồng. |
Bà Bùi Thị Mai, Tổng giám đốc Habubank nói về những tháng ngày vàng son một thời của cái tên Habubank: “Những năm 91-92 thế kỷ trước, thời kỳ thị trường tài chính tiền tệ trong nước có thể coi là chao đảo thì Habubank vẫn giữ được thế ổn định để phát triển. Rồi đến thời kỳ khủng hoảng tài chính châu Á năm 97-98, ít nhiều ảnh hưởng đến thị trường tài chính tiền tệ trong nước, Habubank vẫn vượt qua được thử thách, thu được thành công”.
Tuy nhiên, những ngày trước mặt đối với cán bộ - công nhân viên của Habubank thật khó khăn bởi cái tên Habubank cùng logo hình ngôi nhà gắn bó với họ suốt hơn 20 năm qua sắp biến mất. Bản thân các nhân viên cũng không ngờ phải chia tay cái tên Habubank trong hoàn cảnh này. Mặc dù đã chuẩn bị sẵn tâm trạng cho một cuộc đổi chủ nhưng nhiều người không thể giấu nổi sự buồn bã. Một nhân viên của Habubank tâm sự: "Giờ chúng tôi đã không còn là Habubank nữa rồi. Cũng buồn lắm chứ nhưng giờ không phải lúc nên nói nhiều về cái cũ mà nên nhìn vào tương lai thôi”.
Gần đây, khi cái “bọc” mất thanh khoản, nợ xấu của Habubank bục ra, nhiều người cho rằng Vinashin chính là nguyên nhân khiến ngân hàng này phải sáp nhập. Habubank đã cho Vinashin vay 2.745 tỷ đồng, thêm 600 tỷ đồng trái phiếu do tập đoàn phát hành mà ngân hàng mua, tổng cộng 3.345 tỷ đồng, bằng 83% vốn điều lệ. 5-6 năm trước, Vinashin là một doanh nghiệp có bề ngoài đang lên, không ít ngân hàng đã cho tập đoàn vay những khoản tiền lớn, vượt 15% vốn tự có dù theo quy định, tổ chức tín dụng không được cho vay như vậy.
Một nhân viên tín dụng tại Habubank cũng thừa nhận: “Việc cấp tín dụng cho Vinashin từng một thời được xem là niềm tự hào của ngân hàng chúng tôi so với các nhà băng khác. Không ngờ, chính Vinashin lại là một trong những nguyên nhân chính khiến chúng tôi mất thanh khoản ‘không phanh’ nhanh như thế”.
Nhiều người buồn cho cái kết sau 2 thập kỷ tồn tại của Habubank. Ảnh: Công Tâm |
Habubank ra đời vào những ngày cuối mùa đông năm Mậu Thìn. Trong ký ức của những người sáng lập và đóng góp đầu tiên, hình ảnh của Habubank là một con rồng dũng mãnh, trường tồn qua hai thế kỷ. Như ông Nguyễn Trọng Trị, nguyên Tổng giám đốc Habubank đã từng ví von: “Habubank cầm tinh con rồng/ Bay trong nắng hạ mưa đông/ Vắt mình qua hai thiên niên kỷ!”. Chỉ tiếc rằng, điều tréo ngoe mà nhiều người Habubank không ngờ tới là, ngày họ mãi mãi chia tay thương hiệu này cũng rơi vào một ngày nắng hạ năm Rồng sau đúng 24 mùa xuân.
- 2/1/1989: Ngân hàng thương mại cổ phần Nhà ở Hà Nội (Habubank) được thành lập, tiền thân là Ngân hàng phát triển nhà Hà Nội. - 4/1989, Habubank khai trương hoạt động tại số nhà 125 Bà Triệu, Hà Nội. - 6/1992, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra Quyết định số 104/QĐ-NH5 cho Phép Ngân hàng phát triển Nhà Thành phố Hà Nội trở thành một ngân hàng thương mại đa năng, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đa dạng cho khách hàng và chính thức đổi tên thành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nhà Hà Nội với số vốn điều lệ là 5 tỷ đồng, thời gian hoạt động 99 năm. |
Thanh Thanh Lan