Sáng nay, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, EIB) đã tổ chức thành công phiên họp cổ đông thường niên năm 2021 lần thứ hai. Phiên họp được diễn ra sau hơn hai năm Đại hội đồng cổ đông của nhà băng này không thể tổ chức.
Liên tiếp từ 2019 đến nay, Eximbank nhiều lần lên kế hoạch tổ chức họp nhưng đều bất thành. Khi thì nguyên nhân không thoả mãn yêu cầu tỷ lệ cổ đông, khi phải tạm hoãn do dịch bệnh. Mâu thuẫn không giải quyết được giữa các nhóm cổ đông khiến nhà băng này không thể kiện toàn bộ máy lãnh đạo, hoạt động kinh doanh cũng bị "ghìm chân". Trong phiên họp sáng 15/2, những nút thắt này được giải quyết.
Theo danh sách nhân sự được Ngân hàng Nhà nước thông qua, Eximbank đề xuất 7 thành viên cho Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới. Các đề cử này đều được cổ đông thông qua vào đầu giờ chiều nay.
Trong đó, bà Lương Thị Cẩm Tú là thành viên duy nhất của Hội đồng quản trị nhiệm kỳ trước được đề cử tiếp tục tham gia. Bà được đề cử bởi nhóm gồm 6 cổ đông cá nhân và Công ty chứng khoán Bảo Minh.
Những thành viên còn lại trong Hội đồng quản trị đều là gương mặt mới, và danh sách đề cử cũng tiết lộ phần nào cục diện về cơ cấu sở hữu tại Eximbank.
Theo đó, nhóm cổ đông liên quan tới Tập đoàn Thành Công đề cử và được thông qua hai thành viên trong Hội đồng quản trị mới, gồm ông Đào Phong Trúc Đại và bà Lê Hồng Anh.
Ông Đại giữ chức Tổng giám đốc PV-Inconess và Công ty Phát triển Khu công nghiệp Việt Hưng. Ông được ba cổ đông đề cử, gồm Tập đoàn Thành Công, MR Exim Investments và bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc. Trong khi đó, bà Hồng Anh giữ chức Phó tổng giám đốc tài chính của Tập đoàn Thành Công, Chủ tịch TCG Land, được nhóm bốn cổ đông liên quan đề cử.
Cổ đông Sumitomo Mitsui Banking vừa đề nghị chấm dứt liên minh chiến lược với Eximbank đề cử một đại diện là ông Võ Quang Hiển. Ngân hàng của Nhật Bản hiện vẫn là cổ đông lớn tại Eximbank với tỷ lệ sở hữu 15% vốn.
Nhóm cổ đông gồm 7 cá nhân và 4 pháp nhân, liên quan đến Ngân hàng Nam Á, đã đề cử bà Đỗ Hà Phương tham gia. Nhóm cổ đông liên quan đến Công ty Âu Lạc, gồm bà Ngô Thu Thúy, Lafelle Limited, Education Management Holdings.., đề cử ông Nguyễn Hiếu.
Cái tên gây bất ngờ nhất là ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch của Bamboo Capital và BCG Land. Ông được đề cử bởi nhóm cổ đông gồm Công ty Đầu tư và Dịch vụ Helios, Chủ tịch Bamboo Capital Nguyễn Hồ Nam và hai cổ đông khác. Trong hai năm xảy ra xung đột giữa các nhóm cổ đông tại Eximbank, Bamboo Capital chưa từng được nhắc đến.
Phát biểu đầu giờ sáng, ông Yasuhiro Saitoh, Chủ tịch Hội đồng quản trị nhiệm kỳ trước của Eximbank cho biết lý do chính mà ba năm qua ngân hàng không tổ chức được đại hội cổ đông là vì các nhóm cổ đông lớn thiếu giao tiếp và không có sự thấu hiểu lẫn nhau.
Ông Saitoh từng là đại diện của cổ đông chiến lược Nhật Bản SMBC cho tới khi xung đột tại Eximbank bước vào giai đoạn căng thẳng. Theo ông, cổ đông chiến lược Nhật Bản đã giảm bớt nhân viên biệt phái tại ngân hàng từ đầu năm nay, cũng như không còn là đối tác chiến lược, dù vẫn là cổ đông. Eximbank trong thời gian qua cũng đã có sự thay đổi nhân sự, sau đó hoạt động kinh doanh đã khởi sắc trở lại.
Lãnh đạo Hội đồng quản trị nhiệm kỳ trước của Eximbank cũng cho biết ngân hàng này có thể chia cổ tức lên đến hai con số vì đã xử lý nợ xấu xong, tùy vào Hội đồng quản trị mới và sự đồng ý của cơ quan quản lý. Lần gần nhất Eximbank chia cổ tức là năm 2013 với tỷ lệ 4%.
Phát biểu đầu giờ chiều nay, đại diện Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới, ông Võ Quang Hiển, cho biết Eximbank sẽ đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trong thời gian tới, với mục tiêu quay lại top 10 ngân hàng về tài sản và lợi nhuận.
Lục đục nội bộ khiến kết quả kinh doanh của Eximbank sa sút trong những năm gần đây. Trong khi những ngân hàng khác đua nhau báo lãi kỷ lục thì năm ngoái Eximbank lãi trước thuế 1.205 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ. Kết quả này không hoàn thành mục tiêu lãi trước thuế công bố hồi đầu năm là 2.150 tỷ đồng và điều chỉnh còn 1.300 tỷ đồng trong ngày cuối năm.
Eximbank năm nay lên kế hoạch tham vọng với mức lãi trước thuế 2.500 tỷ đồng, hơn gấp đôi năm trước. Kế hoạch tổng tài sản và dư nợ tín dụng lần lượt tăng 7,8% và 6,5%, lên 166.000 tỷ đồng và 138.600 tỷ đồng.
Do hai năm không tổ chức thành công phiên họp thường niên, Đại hội đồng cổ đông hôm nay phải thông qua lượng lớn tờ trình tồn đọng, bao gồm các báo cáo hoạt động, báo cáo của ban điều hành, tờ trình phân phối lợi nhuận,... trong giai đoạn 2018-2021. Đến 16h chiều nay, phiên họp vẫn chưa thể kết thúc. Nhiều tờ trình về kết quả hoạt động không được cổ đông thông qua.
Minh Sơn