Ngoại trưởng Bangladesh Abdul Momen hôm 3/5 tuyên bố Shamima Begum "không liên quan" đến Bangladesh. Begum đã trốn từ Anh sang Syria và gia nhập phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) năm 2015.
Cô gái 19 tuổi sinh ra tại Anh, có bố mẹ là người Anh gốc Bangladesh, bị London tước quyền công dân hồi tháng hai. Theo luật quốc tế, việc tước quyền công dân là bất hợp pháp nếu nó khiến người đó rơi vào tình trạng không quốc tịch. Begum đang kháng cáo quyết định của Bộ Nội vụ Anh.
Ông Momen nói rằng họ sẽ không trao quyền công dân Bangladesh cho Begum hay cho phép cô nhập cảnh vào quốc gia này, đồng thời gây áp lực lên Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javid giải quyết tình trạng của Begum.
"Cô ấy chưa bao giờ xin quốc tịch Bangladesh, bố mẹ cô ấy cũng là công dân Anh", ông nói. "Chính phủ Anh chịu trách nhiệm với cô ấy. Họ sẽ phải thỏa thuận với Begum".
Ông Momen nói thêm nếu Begum vẫn tới Bangladesh, cô sẽ vi phạm "chính sách không khoan nhượng" của nước này với khủng bố. "Luật pháp Bangladesh rất rõ ràng. Những kẻ khủng bố sẽ đối mặt với án tử hình", ông nói.
Dù tới Syria gia nhập IS, Begum phủ nhận thực hiện hành vi khủng bố. Tasnime Akunjee, luật sư của Begum cho rằng Bộ Nội vụ Anh có thể thay đổi quyết định "bất kỳ lúc nào" và làm như vậy sẽ "tiết kiệm rất nhiều tiền cho người nộp thuế ở Anh" trong vấn đề án phí và trợ giúp pháp lý.
"Những gì Sajid Javid đã làm trong việc tước quyền công dân của Shamima là đẩy vấn đề của chúng ta sang một đất nước khác", ông chỉ trích.
Bộ Nội vụ Anh tuyên bố sẽ không trả lời những bình luận của ông Momen và sẽ không thay đổi quyết định đã ra.
Begum rời Anh cùng hai bạn học năm 15 tuổi, trước khi được một nhà báo của Times tìm thấy trong trại tị nạn ở Syria hồi tháng hai. Khi đó, cô đang mang thai tháng cuối đứa con thứ ba, cầu xin trở về Anh, cho hay đã bị "tẩy não" và "rất hối hận". Begum không hối tiếc vì đã tới Syria nhưng cũng không đồng tình với những việc IS đã làm.
Bộ trưởng Javid không chấp nhận lời cầu xin của Begum, cho hay "không ngần ngại" tước quốc tịch của cô vì lợi ích an ninh quốc gia. "Nếu cô ủng hộ khủng bố thì phải chấp nhận hậu quả", ông nói.
Begum sinh một bé trai tên là Jarrah, qua đời vì viêm phổi hồi tháng ba khi chưa đầy ba tuần tuổi. Hai đứa con khác của Begum cũng đã chết. Sau khi bé Jarrah qua đời, ông Javid bị chỉ trích về quyết định tước quyền công dân của Begum. Ba tuần trước khi bé qua đời, chị của Begum đã viết thư đề nghị Javid hỗ trợ đưa đứa trẻ tới Anh.
Theo Luật Quốc tịch Anh năm 1981, một người có thể bị tước quyền công dân nếu Bộ Nội vụ cho rằng điều đó có lợi cho công chúng và không khiến họ trở thành người không quốc tịch.
Hồng Hạnh (Theo BBC)