Theo truyền thông Trung Quốc, trong đám cưới tổ chức hồi đầu tháng 5 của cô gái tên Uông Thiến, ở tỉnh Chiết Giang người mẹ chồng đã đưa ra bốn quy tắc: Thứ nhất, con dâu phải làm tất cả việc nhà; Thứ hai, phải chăm sóc bố mẹ chồng thật tốt và nghe lời bố mẹ chồng; Thứ ba mọi việc trong nhà đều do chồng làm chủ, vợ không được xen vào; Thứ tư, tiền lương giao hết cho mẹ chồng, vợ chồng sẽ được cấp tiền sinh hoạt hàng tháng.
Uông Thiến tỏ rõ thái độ thất vọng. Trong khi quan khách đang bàn tán, cô lấy mic từ phía người dẫn chương trình và nói những quy tắc này khiến cô mất tự do trong sinh hoạt cũng như tài chính. "Tôi không hiểu kết hôn như này có ý nghĩa gì nên không kết hôn nữa cũng được", cô dâu nói rồi cùng mẹ đẻ rời khỏi hôn lễ.
Cô Uông Thiến ở với mẹ bởi bố mẹ cô ly hôn. Từ nhỏ cô luôn cảm thấy tự ti, ít giao tiếp. Lớn lên, Uông cũng vài lần đổ vỡ chuyện yêu đương.
Một năm trước, ở tuổi 28 Uông Thiến gặp một người đàn ông tên Từ Phong. Cả hai thấy hòa hợp trong cách nói chuyện nên giữ số liên lạc và yêu nhau sau đó. Khi tính chuyện kết hôn, họ mới ra mắt nhà trai.
Mẹ Từ Phong tỏ ra rất nghiêm khắc và truyền thống. Bà nói với Uông Thiến rằng gia đình mua một ngôi nhà mới cho vợ chồng con trai ở đó nhưng vẫn đứng tên ông bà. Tuy nhiên, nhà gái phải trả tiền làm nội thất, nếu không nhà gái sẽ không nhận được sính lễ.
Theo truyền thống Trung Quốc, sính lễ là một phần trong lễ kết hôn, bao gồm tiền mặt và những món quà khác như vàng, đồ trang sức để trao cho nhà gái.
Không đủ tiền sửa sang nhà mới như yêu cầu của mẹ Từ Phong, cô đành chấp nhận đám cưới không có sính lễ. Mâu thuẫn giữa cô và mẹ chồng tương lai bắt đầu nảy sinh, nhưng đám cưới vẫn được tiến hành.
Hôm tổ chức cưới, sau khi cô dâu cùng mẹ bỏ về, chú rể Từ Phong đứng như trời trồng. Anh không lên tiếng bênh vực cô, cũng không có hành động nào để kéo cô dâu trở lại buổi lễ. Đám cưới sau đó được thông báo hủy bỏ.
Những vị khách có mặt tại đám cưới cũng nhất trí về hành động của cô dâu. Một vị khách cho rằng mẹ chú rể có hành vi quá đáng khi đưa ra gia quy ngay trong đám cưới vì nghĩ rằng mọi việc đã rồi, cô dâu không dám phản kháng. "Tôi ủng hộ hành động của cô dâu. Thà đau một lần còn hơn đau khổ mãi về sau", người này nói.
Một người khác nói: "Thời đại nào rồi mà vẫn đưa ra những quy tắc nghiêm ngặt như vậy. Làm dâu kiểu này thà độc thân còn hơn".
Trang Vy (Theo 163.com)