Chiều 29/7, trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm Công nghệ cao (A05) sau khi xác minh đã có báo cáo ban đầu như trên.
Hệ thống đăng ký "luồng xanh" này do Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) thuê một đơn vị dịch vụ xây dựng. Do quá trình triển khai gấp rút để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch nên đơn vị chưa trang bị hệ thống an ninh, tồn tại nhiều lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng. "Hệ thống tính toán sai số lượng người truy cập, người đăng ký dẫn đến quá tải, nghẽn mạch", ông Xô nói.
Bộ Công an đã chỉ đạo A05 phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra làm rõ sự việc và khôi phục hoạt động của hệ thống để phục vụ công tác phòng chống dịch. Hiện nay hệ thống đã hoạt động trở lại bình thường.
Hệ thống cấp "luồng xanh" hoạt động từ ngày 19/7, giúp các xe vận tải được ưu tiên qua lại địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16. Phương tiện được đăng ký vào luồng xanh là xe chở hàng hóa thiết yếu phục vụ an sinh xã hội, sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, vận chuyển thiết bị, vật tư và sinh phẩm y tế phục vụ phòng chống Covid-19, gas, xăng dầu; chở hàng cứu trợ...
Các xe chở hàng hóa có dán thẻ nhận diện mã QR được di chuyển trên địa bàn giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, trong khi các phương tiện khác bị cấm.
Ngay sau khi vận hành, nhiều cuộc tấn công nhằm vào hệ thống đăng ký Giấy nhận diện phương tiện có mã QR để ưu tiên hoạt động trên "luồng xanh", tại địa chỉ luongxanh.drvn.gov.vn. Riêng ngày 26/7, hệ thống bị tấn công trung bình 500 lượt/giây, tương đương 720.000 lượt/giờ.
Các cuộc tấn công khiến hệ thống thường xuyên gián đoạn, cán bộ thụ lý không thể phê duyệt hồ sơ và đơn vị vận tải không thể truy cập, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay. Bộ Giao thông Vận tải đánh giá: "Các cuộc tấn công có mục đích phá hoại, làm tê liệt hệ thống".
Đến 4h sáng 27/7, hệ thống "luồng xanh" mới hoạt động bình thường trở lại. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chuyển máy chủ hệ thống sang Viettel và nhờ chuyên gia tại đây tăng cường đảm bảo an toàn.
Hoàng Thuỳ - Phạm Dự