Mùa Valentine năm 2009, đạo diễn Victor Vũ từng chinh phục khán giả với lối kể chuyện có duyên và phong cách làm phim đậm chất Hollywood trong bộ phim Chuyện tình xa xứ. Chỉ với một câu chuyện rất đơn giản về cuộc sống du học của hai chàng trai có thân phận khác nhau, nhưng những tình tiết nhỏ lấy hương vị từ cuộc sống và lời thoại gần gũi đã khiến Chuyện tình xa xứ gây sốt vé khi vừa ra mắt. Dịp Tết nguyên đán năm nay, những cái tên đình đám của mùa phim Tết các năm trước như Vũ Ngọc Đãng hay Nguyễn Quang Dũng sẽ vắng bóng. Thay vào đó, đạo diễn Victor Vũ sẽ đem tới cho khán giả nhiều khoảnh khắc vui nhộn, hài hước nhưng không kém phần bay bổng, lãng mạn với Cô dâu đại chiến.
|
Thái (Huy Khánh) là một thiếu gia nổi tiếng ăn chơi và có sở thích chinh phục các cô gái "đẹp và thơm". Anh hẹn hò với 4 cô gái cùng một lúc là nữ tiếp viên hàng không tên Trang (Ngân Khánh), bác sĩ xinh đẹp Mai Châu (Vân Trang), Quyên (Lê Khánh) - cô đầu bếp hung dữ nhưng gợi tình, và Huỳnh Phương (Phi Thanh Vân) - nữ diễn viên bốc lửa nhưng chưa có tên tuổi. Chơi bời lêu lổng mãi cũng chán, Thái bắt đầu tính đến chuyện lập gia đình nhưng các cô kia chỉ có thể yêu chứ không thể làm vợ. Một ngày Thái trúng tiếng sét ái tình với cô họa sĩ xinh đẹp tên Linh (Đinh Ngọc Diệp). Linh hội tụ đủ tố chất một người vợ mà bất kỳ người đàn ông nào cũng cần. Tuy nhiên, khi Thái và Linh tưởng chừng đã đi đến hạnh phúc bằng một đám cưới thì bất ngờ 4 "cô dâu" đã bị Thái bỏ rơi xuất hiện với vũ khí trong tay và bắt đầu một cuộc "đại chiến" để "cướp rể".
Huy Khánh và các "cô dâu" trên trường quay. Ảnh: BHD. |
Không đi theo trình tự thông thường, Cô dâu đại chiến mở đầu bằng cảnh đám cưới của Linh và Thái. Đây cũng là trường đoạn gần cuối của bộ phim. Đến khi 4 cô dâu hiếu chiến xuất hiện và truy đuổi Thái thì lúc này, "chàng Don Juan" mới đưa khán giả bước vào từng tuyến truyện. Đây chính là điểm thú vị nhất trong kịch bản. Khán giả VN vốn quen với cách kể điện ảnh đơn giản từ đầu đến cuối. Chính vì vậy, việc lật từ đoạn gần cuối lên đến đoạn đầu của đạo diễn Victor Vũ tạo nên sự hấp dẫn, khiến khán giả tò mò và hồi hộp theo dõi những diễn biến tiếp theo trên màn ảnh rộng. Cách thức này cũng giúp cho việc định hình từng tuyến truyện, từng nhân vật khác nhau.
Câu chuyện của Cô dâu đại chiến không mới, vẫn là một chàng Sở Khanh trải qua bao cuộc tình cuối cùng mới tìm thấy tình yêu đích thực. Tuy nhiên, phim lôi kéo và gây bất ngờ cho khán giả ở những chi tiết rất nhỏ, theo đúng phong cách xây dựng của phim hài tình cảm Mỹ. Người xem bật cười vì những tình huống phi thực tế và cách xử lý táo bạo của các nhân vật nhưng sau khi ngẫm lại thì thấy hoàn toàn hợp lý. Hai năm trước trong Chuyện tình xa xứ, Victor Vũ đã tạo bước đột phá mới trong phim tình cảm Việt khi để nhân vật Khang của Bình Minh trò chuyện trực diện trước ống kính với khán giả. Nay với Cô dâu đại chiến, sự tương tác đó được tận dụng triệt để ở nhân vật Thái của Huy Khánh.
Đạo diễn Victor Vũ trên trường quay "Cô dâu đại chiến". Ảnh: BHD. |
"Các bạn đừng vội nghĩ xấu về tôi như vậy, bởi vì tôi cũng chỉ muốn đi tìm cho mình một người vợ hoàn hảo. Ai mà chẳng muốn như vậy chứ? Nhưng giữa một thành phố 16 triệu dân, để tìm một người hoàn hảo lấy về làm vợ thì khó hơn là mò kim đáy biển vậy. Nhưng cuối cùng thì tôi cũng đã tìm được. Chỉ có điều là... khủng khiếp quá", lời của Huy Khánh có lẽ cũng là tiếng nói chung của rất nhiều người đàn ông. Trước mỗi cách giải quyết tình huống trong phim, Huy Khánh đều nhìn thẳng về phía ống kính và tâm sự, làm cho khán giả và nhân vật có sự gần gũi hơn. Đây là nét đặc trưng riêng khi làm phim tình cảm hài của đạo diễn Victor Vũ.
Phần thoại của Cô dâu đại chiến rất "tây" nhưng vẫn gần gũi với khán giả. Những câu thoại hóm hỉnh, táo bạo của các nhân vật tạo sự ngạc nhiên và để lại nhiều ấn tượng. Đôi lúc chỉ có vài ba từ đơn giản nhưng thông qua cách thể hiện và giọng điệu của dàn diễn viên thì bỗng dưng trở nên nổi bật và hài hước hơn bao giờ hết. Phim cũng đưa vào một số chi tiết và sự kiện văn hóa có thực ở ngoài đời lên màn ảnh rộng và tạo nên tiếng cười châm biếm khá tinh tế. Nhân vật Thái (Huy Khánh) và Huỳnh Phương (Phi Thanh Vân) dường như được đo ni đóng giầy cho chính họ nên có thể nói cả hai diễn như không diễn, nửa đùa nửa thật và tạo nên cái "duyên" cho Cô dâu đại chiến.
Huy Khánh và Phi Thanh Vân trong phim. Ảnh: BHD. |
Các nhân vật trong phim cũng được xây dựng rất rõ rệt và ấn tượng cả về ngoại hình lẫn tính cách. Thái là một hình mẫu mà chàng trai nào cũng mong muốn có được - đẹp trai, giàu có và có nhiều mỹ nhân vây quanh. Linh của Đinh Ngọc Diệp thì hội tụ đủ công - dung - ngôn - hạnh, các yếu tố tạo nên một người vợ hoàn hảo. Trong khi đó, bốn cô còn lại thể hiện cho bốn kiểu phụ nữ hiện đại trong xã hội ngày nay. Huỳnh Phương (Phi Thanh Vân) là một bình hoa di động, nhưng lại còn là hoa... giả, dùng thủ đoạn để tiến thân. Trang (Ngân Khánh) thì chỉ có thể làm người tình. Cô đầu bếp Quyên (Lê Khánh) thì hoàn hảo trong vai trò người mẹ, nhưng bản tính quá nóng nảy biến cô trở thành "người chồng" trong gia đình. Cuối cùng, bác sĩ Mai Châu (Vân Trang) thì điển hình cho các cô gái trẻ phương Tây - ban ngày đi làm bình thường, buổi tối ăn chơi thác loạn.
Góc máy Cô dâu đại chiến rất đa dạng và tạo nhiều cảm xúc cho người xem ở mỗi phân đoạn. Khi nhân vật Trang đến nhà Thái để "trinh thám" người yêu, máy di chuyển từ sau lưng, đi theo nhân vật tạo cảm giác như đang trong một bộ phim trinh thám. Phần dàn cảnh của bộ phim cũng rất xuất sắc. Đạo diễn biết cách đưa vào và sử dụng hợp lý những chi tiết nhỏ như đàn violin, cuốn băng chiếu phim kinh dị hay thậm chí là hộp bao cao su để tạo hiệu quả cho từng cảnh quay. Bốn người tình của Thái khi vào nhà hàng cũng gắn với 4 loại đồ uống khác nhau, từ vang trắng, vang đỏ cho tới bia thể hiện cho tính cách của từng cô. Những giai điệu sôi động của Cô gái tự tin (Hồ Hoài Anh) hay Cô nàng tự tin (Tăng Nhật Tuệ) cũng đem tới sức sống trẻ trung, sôi động cho Cô dâu đại chiến.
Kỹ xảo là một điểm nhấn đột phá trong bộ phim lần này của đạo diễn Victor Vũ. Ít ai nghĩ rằng một phim tình cảm hài lại cần dùng tới kỹ xảo nhưng trong Cô dâu đại chiến, những hiệu ứng đứng hình các nhân vật, cảnh các cô dâu phi vũ khí sắc nhọn về chú rể Thái hay tiếng sét ái tình "nghĩa đen" khi Thái nhìn thấy Linh lại góp phần tạo nên tiếng cười hài hước cho phim. Tuy rằng phần kỹ xảo của Cô dâu đại chiến chỉ là yếu tố phụ nhưng lại khiến khán giả rất ngạc nhiên và thích thú vì nó chân thật, xuất hiện hợp lý chứ không giả tạo, lạm dụng như một số phim Việt thời gian gần đây.
Ngọc Diệp sánh đôi với Huy Khánh trong "Cô dâu đại chiến". Ảnh: BHD. |
Một điểm trừ nhỏ ở bộ phim là phần cuối hơi rườm rà và thiên về diễn giải. Trong khi đó, thực ra không cần giải thích quá nhiều nhưng khán giả vẫn có thể cảm nhận được những gì ẩn trong câu chuyện. Tuy nhiên, điều này cũng không làm ảnh hưởng mấy tới cảm xúc chung của khán giả khi xem. Phim vẫn đem tới những giây phút nhẹ nhàng, vui vẻ trong khoảng hơn 90 phút và khiến người xem có sự đồng cảm với nhân vật. Ý nghĩa về tình yêu được thể hiện xuyên suốt trong phim rất khéo léo, tinh tế và dù có một chút bay bổng nhưng vẫn giúp khán giả nhận ra rằng đôi khi những chuyện tình quá hoàn hảo, quá đẹp thì nó hoàn toàn không có thật. Những anh chàng "Don Juan" ngoài đời hẳn sẽ chột dạ khi xem bộ phim này.
Cô dâu đại chiến ngoài hương vị hài hước và tràn ngập màu sắc mỹ nhân thì còn muốn gửi gắm tới khán giả một thông điệp về tình yêu, như một câu thoại trong phim - "Những kẻ đùa giỡn với tình yêu thì chẳng bao giờ có được tình yêu thực sự". Đây là tác phẩm hài tình cảm đặc sắc phù hợp với không khí của những ngày đầu năm mới.
Cô dâu đại chiến khởi chiếu tại các rạp trên toàn quốc từ ngày 28/1.
* Nghe ca khúc nhạc phim 'Cô gái tự tin' - Lưu Hương Giang |
Nguyên Minh