Sau thời gian tạm lắng, "cò đặc sản" Đà Lạt tiếp tục lộng hành khiến nhiều người bức xúc. Ghi nhận của VnExpress, "cò đặc sản" hoạt động chủ yếu trước vườn hoa thành phố, khu vực vòng xoay Hồ Xuân Hương và trên đường Phù Đổng Thiên Vương (đoạn đối diện công an phường 8, TP Đà Lạt).
Đường dây của "cò đặc sản"
Các "cò" hoạt động theo địa bàn đã được phân chia. Công việc của họ bắt đầu từ khoảng 6 giờ sáng và kết thúc vào cuối giờ chiều. Đối tượng nhắm tới là những người lần đầu đến Đà Lạt.
Chiêu thức chung của "cò đặc sản" là đi xe máy theo nhóm 2-3 người, tập trung ở các điểm đông du khách. Khi phát hiện “con mồi", họ sẽ bám theo mời gọi đi tham quan vườn dâu miễn phí, hái dâu vườn với giá 20.000 đồng một ký. Nếu du khách còn lưỡng lự, "cò" sẽ đưa thêm bưu thiếp của vườn dâu để thêm phần uy tín.
Sau khi mời chào du khách đi tham quan vườn dâu thành công. "Cò" sẽ dẫn khách đến cửa hàng đặc sản thay vì đến thẳng vườn dâu. Đây là mắt xích quan trọng nhất trong đường dây "cò đặc sản" Đà Lạt. Trong lúc chờ được dẫn đi vườn dâu, du khách sẽ được nhân viên ở đây giới thiệu về các loại đặc sản Đà Lạt.
Giá các mặt hàng trong quầy đặc sản thường đắt gấp 2-3 lần so với giá thị trường. Nếu khách thắc mắc về giá chênh lệch, người bán sẽ trấn an rằng hàng ở đây đều cao cấp, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và so sánh với hàng ngoài chợ. Họ luôn tìm cách ép khách mua đặc sản bằng cách từ chối dẫn đi tham quan hoặc đánh vào tâm lý "mua ủng hộ".
Tuy nhiên, thực tế khi khách được dẫn đi tham quan, dâu bán tại vườn không có giá 20.000 đồng. "Dâu rẻ nhất cũng 150.000 đồng một ký. Khách vào tham quan thoải mái, không mất phí", chủ vườn dâu trên đường Phù Đổng Thiên Vương cho biết.
Nghề cò kiếm tiền triệu mỗi ngày
Vào vai sinh viên tìm việc làm thêm, người viết tiếp cận được Văn Tuấn, một cò hoạt động trên đường Phù Đổng Thiên Vương. Sau một hồi hoài nghi, người này nói: “Mày không làm được, làm nghề này phải có máu mặt. Nếu cần thì phải động tay chân với khách".
Theo Tuấn, "cò" đa số là người quen của các quán đặc sản. Làm ăn chia theo đầu khách hoặc doanh thu. Nếu làm lâu, dắt được nhiều khách có thể được chia 50/50. Trung bình cò được chia 30-40% thu nhập của quán, ngày nào thanh toán ngày đấy. Mùa cao điểm như sau Tết hay 30/4 mỗi ngày kiếm được tiền triệu là bình thường.
Về nguồn gốc các đặc sản, Tuấn cho biết: “Nó như ngoài chợ thôi, không phải hàng xịn đâu. Giá cao gấp 2-3 lần bên ngoài là do phải ăn chia nhiều”, Tuấn giải thích.
Dù sợ bị bắt, Tuấn nói là việc nên cứ phải làm. “Có bị bắt thì cũng đóng phạt rồi được thả. Bây giờ tìm đâu ra việc nhẹ lương cao như nghề này".
Theo Tuấn, Đà Lạt lúc nào cũng có khách, khi đông thì thu nhập tốt, vắng khách thì lai rai đủ sống. Làm cò quanh năm được, khi nào chính quyền làm gắt quá thì mình tạm nghỉ một thời gian. “Còn quán bán đặc sản thì mình còn việc làm, không phải lo", Tuấn khẳng định.
Ông Đinh Vĩnh Thế, ngụ đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn, phường 10, một người Đà Lạt gốc tâm sự: “Người Đà Lạt không ai làm những chuyện vậy. Toàn là dân làm ăn ở nơi khác về, họ chèo kéo, lừa lọc khiến nhiều người một đi không trở lại".
Theo ông Thế, chính quyền đã nhiều lần ra quân, kiểm tra rồi xử phạt các cò, quán bán đặc sản nhưng không giải quyết được triệt để. Được một thời gian chúng lại lộng hành. Đóng cửa quán này lại có quán khác mọc lên. Du khách chỉ có cách tự bảo vệ mình, đừng ham rẻ, nghe theo lời mời chào ngoài đường.
"Xử lý dứt điểm cò đặc sản là nhiệm vụ lâu dài"
“Cò du lịch” nở rộ ở Đà Lạt cách đây vài năm. Trước tình trạng "cò" ngày càng lộng hành, tháng 6/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ra văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng xử lý dứt điểm trên địa bàn.
Trả lời báo chí khi đó, ông Võ Ngọc Trình, Phó chủ tịch UBND TP Đà Lạt, xác định việc xử lý dứt điểm “cò đặc sản" là nhiệm vụ lâu dài, liên tục, không buông lỏng.
Sau nhiều đợt thanh tra, xử lý vi phạm của UBND TP Đà Lạt, “cò đặc sản" tạm lắng xuống. Gần đây nhiều du khách tiếp tục phản ánh về nạn "cò" hoành hành trên thành phố. Sau Tết nguyên đán, các đối tượng này hoạt động trở lại với phương thức cũ.