Vân Anh
Trả lời
Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: “Nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng”. Dù bạn không cho biết cụ thể đã sống chung như vợ chồng từ thời điểm nào nhưng mới hơn 10 năm thì không được pháp luật công nhận là hôn nhân thực tế (không công nhận là vợ chồng).
Tại mục 3 Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 ngày 9/6/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: Kể từ ngày 1/1/2001 trở đi, nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng trừ trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 3/1/1987 và trường hợp nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 3/1/1987 đến ngày 1/1/2001 mà có đủ điều kiện kết hôn thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày 1/1/2001 đến 1/1/2003. Từ sau ngày 1/1/2003 mà không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận là vợ chồng.
Như vậy, do hai bạn không phải là vợ chồng về mặt pháp luật nên về nguyên tắc tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người đó. Nếu anh ấy không liên quan đến việc kinh doanh chung với bạn thì bạn không phải trả nợ cùng bằng tài sản của bạn.
Trong trường hợp phải dùng tài sản chung (đứng tên chung) để trả nợ riêng của “chồng” bạn thì tài sản chung được chia theo thỏa thuận của hai người. Nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết, có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên (theo quy định tại điểm c mục 3 Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10).
Trường hợp nợ nần do làm ăn thua lỗ xuất phát từ việc kinh doanh chung của hai bạn thì bạn vẫn phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ cùng “chồng” bạn theo tỷ lệ vốn góp. Trong trường hợp hai bạn cùng đứng tên trong hợp đồng vay tài sản, giấy vay tiền... mà có phân định rõ khoản vay của mỗi người thì người nào phải trả khoản vay của người đó. Nếu hai người cùng đứng tên vay chung mà không phân định rõ khoản vay của mỗi người thì bạn phải liên đới chịu trách nhiệm trả nợ cùng “chồng” các khoản vay này.
Thạc sĩ, luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội