Phó giáo sư, tiến sĩ Vũ Văn Tâm - Giám đốc bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, ngày 16/9, cho biết đây là ca vô sinh 30 năm, lần đầu tiên làm thụ tinh ống nghiệm (IVF), thành công ở ngay lần chuyển phổi thứ nhất. Các bác sĩ đánh giá đây là trường hợp đặc biệt khi hai vợ chồng anh Tỉnh đều tuổi cao.
Anh chị kết hôn cách đây 30 năm. Sau nhiều năm không có thai tự nhiên, vợ chồng điều trị ở một số bệnh viện tại TP HCM vào năm 2006, 2007, không làm thụ tinh ống nghiệm (IVF). Phần vì bận công việc, phần do kinh tế chưa thể tiếp tục làm, anh chị quyết định nhận con nuôi.
Tháng 6/2020, hai vợ chồng đến Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng làm thụ tinh ống nghiệm. Chức năng buồng trứng của chị Chung suy giảm nhiều. Anh Tỉnh nguyên là sĩ quan quân đội, công tác gần ba năm tại tỉnh Phongsaly, Lào, tiền sử nhiều năm bị sốt rét ác tính. Vì vậy, chất lượng tinh trùng của anh thấp, sức khỏe sinh sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Để có được đủ số lượng tinh trùng chất lượng làm IVF, các bác sĩ phải phẫu thuật mào tinh nhiều lần để lọc rửa, lấy đủ lượng tinh trùng. Người vợ được điều trị nội tiết, kích thích buồng trứng. May mắn, ngay lần chuyển phôi đầu tiên thành công, chị Chung mang thai con trai.
Trong quá trình mang thai, chị Chung bị tiểu đường thai kỳ. Các bác sĩ phải theo dõi sát sức khỏe cả mẹ và bé. Sáng 14/9, bé trai nặng 3,4 kg chào đời khỏe mạnh trong niềm hạnh phúc của cả gia đình.
Các bác sĩ nhận định trường hợp này rất đặc biệt vì phụ nữ ngoài 50 tuổi, khả năng có con tự nhiên là rất khó. Rất ít trường hợp còn trứng, nên thụ tinh ống nghiệm cũng khó khăn. Hiện sức khỏe sản phụ ổn định.
Các sản phụ lớn tuổi nhất Việt Nam, sinh con ở tuổi 60, gồm một người ở Bắc Giang sinh con thứ ba, một người ở Hà Nội sinh con đầu lòng nhờ trứng của người khác.