Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 3 có mức giảm 0,19% so với tháng 2. Kể từ đầu năm, đây là tháng đầu tiên CPI âm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế đều nhận định điều này không có gì là bất thường và đáng lo ngại, thậm chí còn là cơ hội tốt để hạ lãi suất cho vay.
Trong số 11 nhóm hàng tính CPI, có bốn nhóm hàng giảm so với tháng trước. Nhóm có mức giảm mạnh nhất là hàng ăn và dịch vụ ăn uống với 0,53%, giao thông giảm 0,25%, bưu chính viễn thông giảm 0,05%, nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,08%. Các nhóm hàng có CPI tăng nhẹ là văn hóa, giải trí, du lịch; may mặc, giày dép; nhà ở và vật liệu xây dựng… Riêng nhóm thuốc và dịch vụ y tế, vốn là lo ngại làm "thổi bùng" lạm phát thì tháng này chỉ tăng nhẹ 0,09%, trong đó chỉ số giá dịch vụ y tế chỉ tăng 0,02%.
![]() |
Chỉ số giá tiêu dùng vừa có tháng giảm lần đầu tiên sau 9 tháng. |
Như vậy, so với cuối năm 2012, CPI cả nước chỉ tăng 2,14%, trong khi đó mục tiêu cả năm là CPI dưới 6,8%.
TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc nghiên cứu Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital, nhận xét: "Thông thường, tháng 3 có mức lạm phát thấp. Bởi đây là tháng sau tết nên các mặt hàng từng bị đẩy giá lên cao trong dịp tết sẽ phải hạ xuống, kéo theo CPI giảm. Ngoài ra, một phần do nền kinh tế không được khỏe nên sức mua trên thị trường yếu. Tình hình này đã được nhìn thấy từ lâu rồi nên không có gì phải lo ngại".
CPI giảm, cơ hội để giảm lãi suất
CPI giảm có thể là dấu hiệu cho thấy mục tiêu kiềm chế lạm phát năm nay sẽ khả thi. Cũng từ đây, nhiều ý kiến cho rằng cơ hội để hạ lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn đã tới.
TS Lê Anh Tuấn cũng khẳng định muốn nền kinh tế hồi phục sức khỏe thì chắc chắn phải giảm lãi suất cho vay. Ông phân tích: "Giai đoạn từ năm 1995 đến 2005, mức lãi suất cho vay bình quân là 8%-11%. Nhưng kể từ năm 2008 đến nay mức lãi suất cho vay bình quân luôn rất cao, 15%-25%. Với việc lãi suất cho vay quá cao liên tục trong thời gian dài như thế thì tất nhiên nền kinh tế không thể chịu nổi. Vì vậy, lúc này bắt buộc phải kéo lãi suất cho vay xuống".
Cũng theo ông Tuấn, động thái giảm lãi suất huy động những ngày qua của các ngân hàng thương mại chỉ có thể góp một phần rất nhỏ để giảm lãi suất cho vay, không phải là yếu tố quyết định. "Các ngân hàng than ứ vốn, còn doanh nghiệp không mặn mà vay đều bắt nguồn từ mức lãi suất quá cao. Lãi suất đến 15%-16% mà cả nền kinh tế đang yếu thì ai mà vay? Để giải bài toán này chỉ có cách giảm lãi suất cho vay và dĩ nhiên trong đó phải tính toán lại vấn đề nợ xấu" - ông Tuấn nói.
Đồng tình với ý kiến này, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nhấn mạnh: "Dù CPI có tăng đi nữa thì cũng phải hạ lãi suất cho vay. Nay CPI giảm càng là cơ hội tốt để giải bài toán lãi suất".
Ông lý giải thêm: "Vấn đề của các ngân hàng là cho ai vay bây giờ? Hiện có tình trạng ngân hàng 'đốt đuốc' tìm doanh nghiệp làm ăn tốt để cho vay mà tìm không ra. Về phía doanh nghiệp, họ không vay là do vướng quy định nợ xấu, nợ khó đòi. Các cơ quan nhà nước, ngân hàng phải ngồi lại cùng tìm giải pháp đưa tín dụng đến được với doanh nghiệp đang cần. Vì đơn giản, chỉ khi nào doanh nghiệp hoạt động ổn định thì nền kinh tế mới phát triển".
Có thể lấy ví dụ của PGS-TS Trần Hoàng Ngân để thấy rõ hơn vấn đề. Doanh nghiệp vay được 100 đồng để sản xuất, kinh doanh và chỉ lãi 10 đồng. Nhưng trong 10 đồng đó, doanh nghiệp phải dành ra 25% để đóng thuế. Rõ ràng cứ giữ lãi suất cho vay cao 'chót vót' như thế rất khó khuyến khích nền kinh tế phát triển.
Theo Pháp luật TP