Vừa tốt nghiệp đại học, Yến dốc toàn bộ tiền tiết kiệm để mở cửa hàng thời trang ngay trung tâm thành phố. Trải qua hơn 10 năm thăng trầm trong nghề, khi thương hiệu có chỗ đứng vững vàng thì cô gái sinh năm 1985 đột ngột giao quyền quản lý cho một người bạn và chuyển hướng kinh doanh.
Đứng giữa cơ ngơi mới là quán phở gia truyền tấp nập khách ra vào trên đường Cao Thắng (quận 3), Yến không khỏi bồi hồi khi nhớ lại quyết định táo bạo để nối nghiệp gia đình cách đây nửa năm.
“Ông cố mình từng có hàng phở ngon nức tiếng đất Hà thành hồi những năm 40 của thế kỷ trước. Đến đời ông bà và bố mẹ dù tha hương nhưng cũng lập nghiệp bằng quán phở theo công thức bí truyền. Hương vị này gắn chặt với tuổi thơ nên dù thành công ít nhiều với những nghề từng trải qua, nhưng ước mơ trở thành thế hệ thứ tư nối nghiệp gia đình chưa bao giờ mất đi trong mình”, Yến chia sẻ.
Dù thuần thục kỹ thuật nấu phở từ lúc mới học lớp 9, nhưng hiện Yến vẫn nhờ bố mẹ giám sát và hướng dẫn áp dụng công thức gia truyền. “Nghề nấu phở của gia đình mình nhìn vậy mà gian nan lắm. Cho đến bây giờ, mình vẫn phải thức từ 4-5h sáng để tra nếm nước dùng dù có quy trình chặt chẽ. Để làm ra món phở đuôi thơm ngon phải qua hàng chục công đoạn, mọi thứ phải thật tỉ mỉ và kéo dài nhiều giờ để thành phẩm tròn vị”, Yến bộc bạch.
Kinh nghiệm hơn chục năm va vấp trên thương trường cũng giúp Yến đỡ chật vật hơn nhiều khi mới tiếp quản và phát triển thương hiệu Phở Ông Cả. Phần lớn vốn đầu tư ban đầu dùng để thuê mặt bằng nên cô phải cân nhắc kỹ lưỡng, tự tay xây dựng chiến lược kinh doanh, kế hoạch khuyến mại, quảng cáo… để cắt giảm tối đa chi phí.
Chia sẻ về thách thức lớn nhất trong những ngày đầu lập nghiệp, Yến cho rằng đó chính là bản thân cô quá lý tưởng công việc kinh doanh khi muốn bán những tô phở sạch và chất lượng khiến khách hàng cảm thấy hài lòng hơn cả người thân hoặc chính họ nấu, nhưng giá phải ở mức người lao động bình dân cũng tiếp cận được.
Vì triết lý này mà có những ngày Yến phải xuống tận lò mổ thịt lúc nửa đêm để kiểm tra quy trình hoặc luôn lấy mẫu thử phóc-môn, hoá chất trước khi nhập hàng. Cô đưa ra thoả thuận với đơn vị cung cấp, nếu sản phẩm không đạt chuẩn sẽ trả hàng và ngừng hợp tác ngay lập tức. Một số nguyên liệu khác như rau, giá đỗ… đều được cô chủ này tự trồng để vừa bảo đảm an toàn, vừa tiết kiệm khoảng 30% so với mua bên ngoài.
“Mình mất khá lâu để nhận ra rằng không phải ai cũng kỹ lưỡng và quan tâm những thứ họ ăn ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ. Hơn nữa, hương vị phở Bắc cũng không hợp khẩu vị để phục vụ mọi đối tượng như mình muốn, nhất là khi đặt giữa lòng Sài Gòn”, Yến nói và cho biết thêm đã điều chỉnh để thu hẹp phân khúc khách hàng, tăng chất lượng phục vụ.
Hiện khách đến quán chủ yếu là người quen, số lượng cũng tăng gấp đôi so với trước đây. Doanh thu tăng trưởng “thần tốc” qua từng tháng, dao động khoảng 500-550 triệu đồng một tháng.
Dù diện tích không lớn và sang trọng như nhiều nơi khác, cộng thêm giá tương đối cao (khoảng 35.000 đến 65.000 đồng một tô) nhưng mỗi buổi sáng quán đều chật kín khách. Từ những lần trò chuyện để hiểu tâm lý khách hàng, Yến nhận thấy lượng khách luôn thưa dần vào giờ trưa nên quyết định đóng cửa 2 tiếng để nhân viên thêm thời gian dọn dẹp, nghỉ ngơi.
Hỏi về dự định phát triển trong thời gian tới, Yến cho biết bản thân nhìn được “vết xe đổ” về những thương hiệu ẩm thực gia truyền thất bại khi phát triển rầm rộ thành chuỗi nhà hàng và nhượng quyền nên trước mắt chỉ mở rộng mặt bằng cửa hàng hiện tại hoặc khu vực lân cận, không đặt tham vọng tăng số lượng chi nhánh.
“Mình có thể còn lý tưởng nhưng không ảo tưởng trong kinh doanh, đặc biệt là giai đoạn mới phát triển thương hiệu. Mình đánh giá được doanh thu, chi phí mỗi ngày bao nhiêu là hợp lý để tồn tại và phát triển”, Yến chia sẻ.
Phương Đông