Ngày 25/9, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn khoa học "Trí thức Việt Nam trong sự nghiệp phát triển đất nước". Hơn 200 nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia của nhiều ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức đã tham dự.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Bùi Nhật Quang - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, nhận định đội ngũ trí thức Việt Nam đã và đang tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng với tính năng động, sáng tạo ngày càng thể hiện rõ trong mỗi bước đi lên của đất nước.
Tuy nhiên, ông thẳng thắn chỉ rõ, Việt Nam đang thiếu các nhà lãnh đạo quản lý tầm cỡ, chuyên gia giỏi, nhà khoa học thực sự tâm huyết với nghề... Cơ chế, chính sách đãi ngộ dành cho đội ngũ trí thức còn dàn trải, chưa đúng trọng tâm, trọng điểm, mức lương và phụ cấp thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống hiện đại.

PGS.TS Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Ảnh: Viết Tuân
"Cơ chế tuyển dụng, đãi ngộ và thu hút nhân tài của Việt Nam còn nhiều hạn chế và bất cập. Chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước đối với đội ngũ trí thức còn thiếu, chưa đồng bộ, hoặc đáp ứng yêu cầu của thực tiễn", ông Quang nói.
Những hạn chế nêu trên khiến cho những đóng góp của đội ngũ trí thức đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của con người, giá trị Việt Nam.
"Chúng ta đang rất cần các nhà trí thức lớn, các chuyên gia đầu ngành có thể đảm đương được các công trình, dự án có giá trị để đời. Công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các viện nghiên cứu, các trường đại học còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Một bộ phận trí thức Việt Nam còn bị bó hẹp về môi trường tự do sáng tạo, thụ động đối với các vấn đề phát triển mà đất nước yêu cầu phải giải quyết", ông Bùi Nhật Quang nói.
Theo GS Vũ Dương Ninh, khi chủ trì nghiệm thu nhiều đề tài khoa học, đặc biệt là các luận án tiến sĩ hầu hết là những công trình nghiêm túc, công phu. Tuy nhiên, trong các công trình nghiên cứu ấy thường có chất lượng không tốt ở phần khuyến nghị, nêu ý kiến cá nhân.
"Nhiều người chỉ dẫn lại ý kiến của người khác hoặc nhắc lại những vấn đề đã cũ. Tôi hỏi nhiều tác giả, nếu chỉ đưa ra khuyến nghị chung chung như vậy, thì sao phải tốn tiền của, công sức để nghiên cứu đề tài làm gì? Hầu hết, họ đều nói rằng, làm thế "cho lành", bởi e ngại nêu quan điểm thì sẽ ảnh hưởng đến mình", ông Ninh kể.

GS Vũ Dương Ninh. Ảnh: Gia Chính
Từ dẫn chứng trên, GS Ninh cho rằng, hiện nay trí thức Việt Nam đang có mong muốn lớn là được cống hiến, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, đặc biệt là quá trình hội nhập quốc tế. Vậy nên họ có nhu cầu nói thẳng, có trách nhiệm về các vấn đề được nghiên cứu. Sau đó, họ mong muốn được nhà chức trách hồi đáp, gặp gỡ, trao đổi, tôn trọng.
"Đây là những mong muốn chính đáng của các nhà khoa học. Nhưng hiện nay, không khí học thuật chưa đảm bảo để người nghiên cứu dám nói ra điều muốn nói. Vì vậy, nhà chức trách một mặt cần động viên bản lĩnh, nỗ lực của người nghiên cứu, nhưng đồng thời phải tạo không gian học thuật để trí thức yên tâm trình bày quan điểm", GS Vũ Dương Ninh đề nghị.
Ông cho rằng, cần có nhiều hơn những buổi sinh hoạt khoa học hẹp, có sự tham gia của người có trách nhiệm để trí thức được nói tiếng nói thực tâm, đem lại kết quả thực tế. "Cần tôn trọng ý kiến các nhà khoa học, bởi họ nói tiếng nói thực tâm. Không phải ý kiến trái chiều nào cũng là xấu", ông Ninh nói.
PGS.TSKH Võ Đại Lược (Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương), nhận định, đội ngũ trí thức Việt Nam là lực lượng quan trọng nhất để tiếp cận và thực hiện cuộc cách mạng lần thứ tư. "Tuy nhiên, cơ chế tự do tư tưởng hiện còn bất cập, không đủ không gian cho tự do sáng tạo của tầng lớp tinh hoa. Chế độ đãi ngộ họ còn bất cập, lương khu vực công thấp hơn khu vực tư", ông Võ Đại Lược nói.
Vì vậy, ông đề xuất cần nghiên cứu, đánh giá cơ chế, chính sách của các quốc gia tiên tiến trong việc xây dựng và phát triển tầng lớp tinh hoa để rút kinh nghiệm, đề xuất chính sách phù hợp với Việt Nam.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung trao đổi, làm rõ khái niệm nội hàm, vai trò và thực trạng phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam, đóng góp của trí thức vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đề xuất các kiến nghị, giải pháp liên quan... Theo ban tổ chức, những ý kiến đóng góp sẽ phục vụ trực tiếp cho việc tư vấn chính sách, soạn thảo đề án phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam giai đoạn 2021-2030 để trình Chính phủ.