Loài chim này luôn thu hút sự chú ý của các nhà sinh vật học bởi chúng rất đặc biệt. Chúng lúc nào cũng hối hả. Đôi cánh đập rất nhanh và lưỡi thò ra thụt vào để hút mật hoa với tốc độ rất nhanh, từ 15 đến 20 lần một giây.
Các nhà khoa học nghiên cứu về chim ruồi từ rất lâu nhưng vẫn chưa hiểu hết về cách thức hút mật hoa của chúng, Tiến sĩ Alejandro Rico-Guevara, trường Đại học Connecticut, cho biết. Trước đây, các nhà khoa học cho rằng chim ruồi hút mật hoa nhờ vào hiện tượng mao dẫn (chất lỏng tự dâng lên cao trong các ống nhỏ mà không cần hút).
Tuy nhiên, nghiên cứu của Tiến sĩ Rico-Guevara và đồng nghiệp cho thấy mật hoa được hút nhanh đến mức hiện tượng mao dẫn chưa kịp diễn ra. Lưỡi bị nén lại cho đến khi chạm vào mật hoa. Khi đó, hai phần xẻ trên lưỡi lập tức bung ra với tốc độ rất nhanh, khiến mật hoa bị giữ lại và bị hút vào miệng chim ruồi qua đường xẻ trên lưỡi. Hiện tượng mao dẫn không đóng vai trò gì trong quá trình này.
Kết luận được công bố trên trang Proceedings of the Royal Society B hôm 19/8. Nó có thể ảnh hưởng đến những gì con người vẫn nghĩ về quá trình tiến hóa đồng thời của hoa và chim ruồi. Để cơ chế hút mật của chim ruồi có thể hoạt động được, hình dáng của hoa, thành phần cấu tạo của mật hoa, cũng như hình dáng và cách thức hoạt động của lưỡi phải hài hòa với nhau.
Ngọc Anh (theo New York Times)