Thầy giáo Nguyễn Đăng, công tác tại một trường THPT phía Nam, chia sẻ quan điểm về tác hại của việc chạy trường, chạy lớp cho con em.
Có một thực tế mà nhiều phụ huynh học sinh không để ý hoặc không muốn để ý là dù biết học lực của con em mình không tốt, họ vẫn quyết tìm mọi cách để xin, chạy vào các trường điểm, trường lớn ở các thành phố, thị xã, thị trấn...
Điều này cũng diễn ra ở kỳ thi THPT quốc gia, nhiều thí sinh Hà Giang, Sơn La, được can thiệp nâng điểm để vào trường tốt. Có lẽ những phụ huynh này cho rằng vào trường lớn, con mình sẽ gặp được thầy giỏi, bạn giỏi thì mới phát triển. Vậy vào những trường lớn, những lớp có nhiều học sinh giỏi có tốt không?
Chắc chắn là rất tốt nếu các em học tốt. Còn ngược lại, nếu con em học không tốt thì vào những ngôi trường lớn hay lớp chọn lại là bi kịch. Bởi quá trình học tập, các em không theo được bài học trên lớp và còn bị những ánh mắt coi thường của bè bạn mỗi khi bị thầy cô hỏi bài, mỗi khi trả bài kiểm tra.
Hiện tại, ngoài giảng dạy ở trường phổ thông công lập, tôi tham gia ôn thi ở một trung tâm gia sư của thành phố. Điều tôi và đồng nghiệp nhận thấy là có rất nhiều em đang học ở trường lớn, có thương hiệu lại không nắm được kiến thức cơ bản của môn học. Nhiều em hỏi cái gì cũng ngơ ngác rất tội nghiệp.
Rõ ràng việc lựa chọn cho con em vào ngôi trường lớn nhưng học lực yếu kém thì càng đẩy các em tụt xa so với bạn bè. Lớp học đông, thầy cô rất khó có thể sâu sát từng em được. Nhiều em đã không theo được bạn bè và ngày càng cảm thấy áp lực khi bị tụt lại phía sau.
Vì thế cha mẹ phải hiểu năng lực của con em một cách cặn kẽ rồi gửi gắm vào một ngôi trường, một lớp học phù hợp. Tốt nhất là để các em học đúng địa bàn, nơi có nhiều bạn bè, người quen. Đây sẽ là môi trường, là điểm tựa tốt để các em phát huy.
Trở lại với vụ tiêu cực của kỳ thi THPT quốc gia năm nay ở Hà Giang, Sơn La, dù chưa có kết luận phụ huynh chạy điểm cho con em hay không, những gì đang diễn ra cho thấy đã có sự tác động của phụ huynh thì mới xảy ra sự việc. Riêng ở Hà Giang đã có 114 thí sinh bị phát hiện tiêu cực cũng có nghĩa là chừng ấy gia đình vướng vào nghi vấn chạy (xin) điểm. Với học lực trung bình liệu các thí sinh này có thể theo được và hoàn thành khóa học đại học?
Mỗi năm, các trường đại học đều thống kê có hàng trăm sinh viên bị buộc thôi học vì học lực yếu kém, vì nợ môn hoặc không thể tốt nghiệp đại học trong thời gian cho phép. Có nhiều nguyên nhân, có thể môi trường mới nhiều cám dỗ khiến các em không theo được, hoặc khả năng học tập của các em có hạn…
Những trường tốp đầu của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam thường yêu cầu khắt khe. Và quan trọng hơn phần lớn sinh viên ở các trường này đều có học lực khá giỏi. Tiêu cực đầu vào có thể trót lọt, nhưng quá trình học đại học 4-6 năm sẽ là cực hình đối với những em có học lực kém.
Khi ra trường, nếu được xếp ở một vị trí tốt nhưng xung quanh mình là những người có chuyên môn vững vàng thì con em mình cũng vô cùng khó xử với đồng nghiệp. Nếu làm lãnh đạo quản lý thì cấp dưới cũng coi thường, nếu là nhân viên bình thường cũng bị đồng nghiệp xem khinh. Vì thế, việc lựa chọn con em vào một môi trường học tập, công tác phù hợp bao giờ cũng là điều kiện tiên quyết để các em học tập, phấn đấu và phát triển.
Từ những gì đã chứng kiến, trải qua, tôi nhận thấy một điều càng trường lớn càng có sự cạnh tranh lớn, áp lực cũng cao hơn rất nhiều. Nếu như, các em học sinh có đủ năng lực nên đua vào các trường lớn. Nếu không, hãy cứ để các em học đúng địa bàn của mình hay những trường đại học vừa sức.
Những trường học ở quê, những trường đại học, cao đẳng “thường thường bậc trung” vẫn không thiếu thầy cô giỏi, bạn bè giỏi. Nơi đó, không chỉ phù hợp với năng lực mà còn là nơi các em không phải lo đối phó với những bài mở rộng, nâng cao và áp lực. Nơi đó, có những bạn bè “ngang sức”, “vừa tầm” sẽ tạo ra môi trường học tập, vui chơi thoải mái nhất. Chỉ cần thế thôi sẽ giúp các em phát triển hoàn thiện bản thân.
Còn nếu như chỉ vì danh hão của cha mẹ mà phải nhờ cậy, xin xỏ, chạy chọt cho con em mình vào các trường điểm, lớp chọn, đại học danh tiếng để bằng với “con người ta” nhưng học lực yếu thì thật là cực hình đối với các em.
Nguyễn Đăng