Công tác nhân sự Đại hội XIII đã được xem xét qua nhiều hội nghị Trung ương và hội nghị Trung ương 14 (khóa XII) đang diễn ra sẽ giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa mới. VnExpress phỏng vấn ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương.
- Theo ông, đâu là những điểm mới đáng chú ý trong quá trình triển khai công tác nhân sự khóa XIII?
- Đầu tiên là việc xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Đây là công việc từng tiến hành ở khóa trước, song điểm mới lần này là không quy hoạch cho nhiều nhiệm kỳ mà chỉ tập trung cho khóa tới (2021-2026); cũng không làm đồng thời các chức danh mà làm từng bước, quy hoạch xong Ban chấp hành Trung ương, sau đó đến Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cuối cùng mới là các chức danh chủ chốt của Ðảng, Nhà nước.
Như vậy hai trong số các đặc điểm của quy hoạch lần này là tập trung cho một khóa và được tiến hành một cách căn cơ, bài bản, chặt chẽ hơn.
Cùng với quy hoạch, Trung ương đã lập các Tiểu ban trong đó có Tiểu ban Nhân sự và xem xét, quyết định phương hướng công tác nhân sự Ban chấp hành Trung ương khoá XIII tại hội nghị hồi tháng 5/2020. Đây là cơ sở cho việc chuẩn bị nhân sự tham gia Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá mới và nhân sự lãnh đạo chủ chốt các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026.
Phương hướng nêu rõ tiêu chuẩn Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương khoá XIII về phẩm chất, đạo đức, trí tuệ, tầm nhìn, sức khỏe... Trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, Ban chấp hành Trung ương khoá XIII cần có số lượng và cơ cấu hợp lý; có 3 độ tuổi (dưới 50; 50 - 60 và từ 61 tuổi trở lên). Trường hợp đặc biệt nào cần phải cơ cấu vào Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngoài độ tuổi theo quy định thì Bộ Chính trị sẽ cân nhắc, trình Ban chấp hành Trung ương xem xét, quyết định việc đề cử với Đại hội Đảng.
Nội dung được nêu trong phương hướng trên, theo tôi, cũng là điểm đáng chú ý trong quá trình triển khai công tác nhân sự khóa XIII.
Điểm đáng chú ý tiếp theo là quy định 214 của Bộ Chính trị về "Khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý".
Quy định này đưa ra các tiêu chuẩn chung cũng như tiêu chuẩn chức danh cụ thể đối với cán bộ cấp cao, từ chức danh cấp cao nhất là Tổng bí thư cho đến các chức danh khối cơ quan Quốc hội, Chính phủ, các tỉnh, thành... Đây là văn bản pháp lý quan trọng của Đảng, làm cơ sở, căn cứ để nhận xét, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, giới thiệu cán bộ ứng cử một cách chính xác và khách quan. Càng có ý nghĩa hơn khi văn bản này được công khai rộng rãi, mọi người dân đều có thể nghiên cứu và đối chiếu vào đó để tham gia xây dựng Đảng.
- Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác tổ chức, theo ông, chủ trương bố trí 3 độ tuổi trong Trung ương xuất phát từ yêu cầu thực tiễn nào?
- Quy định 3 độ tuổi nhằm tạo ra sự liên tục, vững vàng và hài hòa các thế hệ trong đội ngũ lãnh đạo cấp cao. Người trẻ và người già dặn hơn đều có điểm mạnh, điểm yếu theo quy luật lứa tuổi, trong một tập thể họ sẽ bổ sung cho nhau để vừa bảo đảm tính kế thừa vừa cần phải có nhân tố mới, cho trước mắt và cho các khóa tiếp sau.
Nhiều nhiệm kỳ nay, chúng ta quy định không chỉ ở Trung ương mà ở các cấp khác nhau cũng cần 3 độ tuổi. Nhưng thực tế một số đại hội ở tỉnh, thành không thực hiện tốt yêu cầu này; có tỉnh đến đại hội thì một số vị lãnh đạo cao nhất đều đến tuổi nghỉ hưu, hay có tỉnh thường vụ nghỉ gần hết, dẫn đến sự hụt hẫng về nhân sự lãnh đạo.
Theo tôi được biết, Trung ương đương nhiệm đã thống nhất trình Đại hội XIII số lượng ủy viên Trung ương khóa mới khoảng 200 người, trong đó 180 ủy viên chính thức, 20 ủy viên dự khuyết (số lượng bằng khóa XII). Số lượng ủy viên Bộ Chính trị khóa mới cũng cố gắng giữ như khóa XII, từ 17 đến 19 người, Ban Bí thư từ 12 đến 13 người.
Với 3 độ tuổi trong Trung ương thì phấn đấu dưới 50 tuổi chiếm khoảng 15-20%; 50 - 60 tuổi khoảng 70% và từ 61 tuổi trở lên khoảng 10%.
Nguyên tắc lâu nay là Ủy viên Trung ương chính thức mới tham gia lần đầu phải đủ tuổi để công tác 2 nhiệm kỳ (không quá 50 tuổi) hoặc ít nhất đủ tuổi để công tác trọn một nhiệm kỳ (không quá 55 tuổi). Nghĩa là người lần đầu tham gia Trung ương khóa mới phải sinh từ năm 1966; nếu sinh năm 1965, đến Đại hội XIII vào đầu năm 2021 đã bước sang tuổi 56 là quá tuổi.
Ủy viên Trung ương tái cử không quá 60 tuổi. Ví dụ, nhân sự Trung ương đương nhiệm sinh từ năm 1961 là đủ tuổi tái cử, còn sinh năm 1960 sẽ quá một tuổi. Trong số hơn 170 ủy viên Trung ương chính thức hiện nay, nếu chỉ xét riêng về độ tuổi thì dự kiến trên 100 vị còn tuổi tái cử.
Cũng theo thông lệ, Ủy viên Trung ương lần đầu tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư không quá 60 tuổi. Còn Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tái cử thì không quá 65 tuổi, trừ trường hợp đặc biệt.
Căn cứ thông lệ và nhìn vào độ tuổi, chúng ta thấy Bộ Chính trị hiện nay gồm 17 ủy viên, một vị được thông báo nghỉ chữa bệnh từ hơn hai năm trước, 8 ủy viên còn tuổi tái cử, 8 uỷ viên đã quá 65 tuổi khi đến Đại hội XIII. Trong số 8 ủy viên Bộ Chính trị còn tuổi tái cử, gần đây các cấp có thẩm quyền đã kỷ luật cảnh cáo hai vị là ông Hoàng Trung Hải và Nguyễn Văn Bình.
Với các thành viên Ban Bí thư (không phải là ủy viên Bộ Chính trị) thì tất cả 7 vị đều còn tuổi tái cử.
- Như ông nói ở trên là ngoài những người trong độ tuổi theo quy định, cấp có thẩm quyền có thể xem xét "trường hợp đặc biệt" ngoài độ tuổi. Vậy quy trình giới thiệu và quyết định trường hợp đặc biệt vào Trung ương, Bộ Chính trị như thế nào, thưa ông?
- Sở dĩ chọn "trường hợp đặc biệt" vì người đó tuy lớn tuổi so với quy định nhưng còn sức khỏe và được tín nhiệm, có thể đảm đương nhiệm vụ ở vị trí cấp cao. Quy trình là Bộ Chính trị cân nhắc, trình Ban chấp hành Trung ương xem xét, quyết định việc đề cử với Đại hội Đảng; trước đó thì có thể các cơ quan tham mưu sẽ đề xuất nhân sự cụ thể cho Bộ Chính trị xem xét.
Ở Đại hội XII, trường hợp đặc biệt tái cử Bộ Chính trị là một người (Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng), Trung ương là 3 người (các ông Uông Chu Lưu, Đỗ Bá Tỵ, Bùi Văn Nam).
Đến nay chúng ta biết rằng Trung ương đã bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Ủy viên Trung ương chính thức, Ủy viên Trung ương dự khuyết và Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII.
Bộ Chính trị đã xem xét, thảo luận và bỏ phiếu quyết định phê duyệt Quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII hôm 20/11. Tại Hội nghị 14 đang diễn ra, Bộ Chính trị báo cáo Trung ương và Trung ương sẽ thảo luận, bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII. Như vậy việc xem xét "trường hợp đặc biệt" nếu có sẽ diễn ra trong thời gian tới.
Theo tôi nghĩ, đã gọi là "trường hợp đặc biệt" thì số lượng sẽ không nhiều.
- Phương hướng công tác nhân sự Trung ương khoá XIII nêu rõ không để lọt vào Trung ương những người có một trong các khuyết điểm, như: Bảo thủ, trì trệ, kê khai tài sản không trung thực... Theo ông, làm thế nào để phát hiện và không để lọt vào bộ máy lãnh đạo những trường hợp này?
- Trong công tác cán bộ, hai yếu tố quan trọng là dân chủ và công khai. Dân chủ để các thành viên trong tổ chức có quyền phát biểu và nói ra hết được ý kiến của mình; còn công khai để người dân được biết, được đánh giá về những cán bộ diện quy hoạch. Không gì có thể qua được mắt dân, vì vậy, những người làm công tác cán bộ cần hỏi ý kiến người dân nơi cán bộ đó sinh hoạt, công tác, cư trú.
Cần phải xem cán bộ đó xử lý công việc ở cơ sở như thế nào, đối xử với nhân dân ra sao, có hống hách với người dưới quyền không? Khi dựa vào nhân dân, nhờ nhân dân làm tai mắt cho Đảng, chúng ta sẽ có đầy đủ thông tin và thông tin đa chiều.
Hiệu quả thực tế trong công việc là tiêu chuẩn và căn cứ quan trọng nhất. Xem kỹ kết quả hoạt động của người cán bộ ấy ta sẽ tìm thấy trong đó tinh thần làm việc, sự tận tụy, năng lực thực tế và cả tầm nhìn chiến lược ra sao.
Còn kiểm soát kê khai tài sản, chúng ta thấy vừa qua có hiện tượng cán bộ vi phạm tẩu tán tài sản cho vợ, con. Đây là vấn đề các cơ quan chức năng cần quan tâm, rà soát.
- Trong số các tiêu chuẩn Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo quy định hiện hành, ông cho rằng tiêu chuẩn nào là quan trọng nhất?
- Ngoài tiêu chuẩn về độ tuổi, các nhân sự được giới thiệu quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư còn phải đáp ứng điều kiện theo quy định 214 về "khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý" như tôi nói ở trên.
Trong số các tiêu chuẩn mà quy định 214 đã nêu, tôi cho rằng quan trọng nhất là các ứng viên cần có năng lực lãnh đạo, tư duy nhạy bén và tinh thần hành động.
Xã hội cần những lãnh đạo hành động, những người làm việc chứ không cần những người nói giỏi. Tôi nghĩ, thà chọn những người hành động, theo dõi và uốn nắn những khiếm khuyết của họ còn hơn là những người chỉ biết giấu mình, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm.