Sau tập một The Voice Kids lên cuối tuần qua, cô bé khiếm thị Huỳnh Thị Ngọc Anh trở thành một trong những thí sinh thu hút nhất. Tiết mục của cô bé lấy đi rất nhiều nước mắt của khán giả. Ngoài việc sở hữu giọng hát ngọt ngào, Ngọc Anh còn mang đến một câu chuyện đời sống tội nghiệp. Bị bố mẹ bỏ rơi, từ khi lọt lòng, em chưa bao giờ nhìn thấy ánh sáng mặt trời do bong võng mạc.
Bà Chín - em ruột bà ngoại cô bé - người nhận cưu mang cô từ nhỏ kể, mẹ Ngọc Anh mang song thai, bé sinh non nên chỉ nặng 1,3 kg. Khi biết em bị mù bẩm sinh, gia đình chỉ giữ lại đứa con trai, mang Ngọc Anh cho người khác. "Đến khi nó được 6 tháng tuổi, người ta phát hiện bị khiếm thị nên trả về. Thấy thương cháu quá, tôi và chị Bảy nhận nuôi cho đến nay", bà kể. Chính hai người bà đã dẫn cô bé đi thi The Voice Kids.
Thời điểm cháu gái mới chào đời, gia đình của hai bà đều không mấy khá giả. Nhưng họ đều tự thu xếp chứ chưa bao giờ chủ động đề nghị ba mẹ ruột của Ngọc Anh hỗ trợ. Bà Bảy dành hết tiền khám chữa bệnh viêm gan B của mình để lo cho cháu gái đau ốm triền miên. Rồi như một sự bù đắp của ông trời, bà bỗng dưng khỏi bệnh sau đó một năm mà không cần thuốc thang gì.
Cuộc đời của Ngọc Anh vơi bớt nỗi bất hạnh nhờ hai người bà và ông cậu mà cô bé vẫn ví von là "bố và mẹ trời cho". Ba chị em thay phiên nhau chăm cháu, từ thời còn quấy khóc mỗi đêm, đến khi cô bé cứng cáp hơn một chút nhưng mắc chứng bệnh đau bụng thường xuyên. Khi cháu đến tuổi đi học, nước mắt hai người bà lại lăn dài vì con trẻ kể: "Các bạn cùng lớp đều ngại ngồi kế con vì phải đọc bài, dọn cặp sách cho con sau giờ học".
Hiện tại, mọi thứ đã ổn định hơn, hai người bà chỉ còn trăn trở vì chưa có điều kiện mua một cái máy tính, một cây đàn organ để hỗ trợ việc học hành và đam mê ca hát của cháu. "Mỗi lần rảnh rỗi, Ngọc Anh lại xin tôi chở sang nhà bạn mân mê cây đàn của bạn. Chỉ sờ thôi chứ không dám chơi vì phụ huynh sợ cháu không thấy đường làm hỏng đàn. Những lúc đó, mình phải nén lòng để động viên cháu", bà Bảy nói.
Đáp lại những khó nhọc trên, cô bé khiếm thị trở thành niềm tự hào của cả nhà vì học giỏi, ngoan ngoãn và có thái độ sống lạc quan. Thiếu thốn tình cảm cha mẹ ruột, nên dù được hai người bà và cả gia đình yêu thương chăm sóc, Ngọc Anh vẫn không giấu được nỗi khao khát hơi ấm của mẹ. Cô bé chủ động gọi bà Chín là mẹ dù bị ông cậu chỉnh bảo nhiều lần. Ca khúc Ơn nghĩa sinh thành mà em chọn để thi vòng Giấu mặt cũng là quà tặng em dành cho hai "người mẹ nuôi" mà mình thương mến.
Từng bị bạn bè trong xóm trêu chọc nhưng nhờ sự động viên của hai bà, Ngọc Anh luôn tràn đầy niềm tin vào cuộc sống. Cô bé hồn nhiên kể: "Hồi tiểu học, các bạn hay chọc em là con anh mù. Nhưng em không buồn hay cãi nhau, em chỉ méc cô để cô la các bạn". Cô bé sớm nhận ra hoàn cảnh của gia đình mình nên chưa bao giờ đòi hỏi phải được mua cái này, cái nọ, trừ khi là những dụng cụ bắt buộc cho việc học. Được bà cưng chiều, nhưng Ngọc Anh vẫn luôn giành làm những công việc nhà lặt vặt. Đến nay, cô bé biết lặt rau, vo gạo, giặt đồ và làm được cả món sữa chua theo công thức bà chỉ, được cả nhà khen là "rất khéo và vừa miệng". Những khi mệt mỏi, chỉ cần nghe cô cháu cưng hát là cả hai bà ngoại đều mát lòng mát dạ.
Nhờ thông minh, học giỏi, đến năm lớp 6, Ngọc Anh được trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu giới thiệu học ở trường Hoàng Văn Thụ cùng các bạn bình thường. Đến nay, Ngọc Anh gần như không gặp khó khăn nhiều trong việc học và theo kịp các bạn. Năm vừa qua, cô bé vừa là học sinh giỏi, vừa đạt danh hiệu "Cháu ngoan Bác Hồ" và còn được tuyên dương trước trường vì những nỗ lực vượt qua số phận.
Mất đi đôi mắt, Ngọc Anh được bù đắp bằng một năng khiếu âm nhạc từ lúc mới sinh. Vừa được ba tuổi, em đã có thể hát theo những câu hát ru của bà hằng ngày. Đến bốn tuổi, cô bé trở thành "fan cuồng" của bé Xuân Mai. Trong vòng sơ tuyển Giọng hát Việt nhí, Ngọc Anh cũng chỉ mất 5 lần để học thuộc trọn vẹn ca khúc Ơn nghĩa sinh thành. Không có người hướng dẫn các kỹ năng thanh nhạc cơ bản, bạn thân của Ngọc Anh là một chiếc radio để nghe nhạc và rút ra cách xử lý cho từng ca khúc.
Ngoài bộ áo bà ba gợi nhớ hình ảnh Phương Mỹ Chi năm rồi, Ngọc Anh có thêm một điểm giống Á quân của mùa thi trước là rất thích dân ca Nam Bộ. Tuy nhiên, cô bé khẳng định mình không "bắt chước" Mỹ Chi. Sau khi được chọn về đội của Cẩm Ly, Ngọc Anh quyết tâm dấn sâu vào vòng trong để vừa thỏa mãn niềm đam mê âm nhạc, vừa làm vui lòng gia đình.
Nhắc đến đam mê ca hát, cô bé chợt chạnh lòng. Ngọc Anh kể, có lần khi đang đợi bà đến đón ở trường, một phụ huynh đến hỏi: "Sau này con thích làm gì?" Khi biết cô bé thích đi hát, người này khuyên Ngọc Anh nên từ bỏ ước mơ với lý do "cô chưa thấy ca sĩ nào mà bị mù cả". Vì câu nói vô tình của người lớn, Ngọc Anh vẫn luôn mang trong mình một nỗi mặc cảm, lo sợ khán giả không chấp nhận.
Nhưng từ khi tham gia Giọng hát Việt nhí, niềm khao khát được hát trên những sân khấu lớn lại trỗi dậy trong lòng cô bé khiếm thị, nhất là khi khán giả và các huấn luyện viên đều ủng hộ rất nhiệt tình. Trước khi tập một của vòng Giấu mặt lên sóng, Ngọc Anh đã mong đợi từng giờ và liên tục gọi điện cho thầy cô, bạn bè để nhắc mọi người mở tivi xem. Tối hôm đó và đến tận vài hôm sau, cô bé vẫn không ngủ được vì hạnh phúc, nhất là khi được ông cậu đọc lại những bài báo, những bình luận tích cực của khán giả dành cho mình.
"Chúng tôi không mong cháu nổi tiếng, đi hát nhiều để kiếm được nhiều tiền. Chỉ cần cháu sống vui, sống lạc quan là đủ rồi", bà Chín nói. Niềm lạc quan sau câu nói chưa hết là nỗi lo lắng ập đến: "Chúng tôi mong cháu sống vui bởi đâu biết, tuổi tác và sức khỏe của hai chị có cho phép che chở và đi theo cháu suốt cả cuộc đời không".
* Video: Ngọc Anh hát ca khúc "Kiên Giang mình đẹp lắm" |
Vân An