Việc đi lại của Trà My phải dùng vật đỡ. Ảnh: SGGP. |
Cô bé có cái tên rất đẹp Trần Trà My (156/1 Nguyễn Trãi, Đông Hà, Quảng Trị). Từ khi sinh ra, My đã gặp bất hạnh khi chân tay co quắp, bệnh tật giày vò, phải nằm viện mất 4 tháng, trải qua hơn một lần chết lâm sàng.
Anh Trần Văn Hải, bố My, cùng vợ Nguyễn Thị Lan đã ôm con chạy chữa khắp nơi, nhưng cuối cùng đứa con đầu lòng vẫn không lành bệnh. Thương con, đôi vợ chồng trẻ chỉ biết trói chặt nỗi đau bằng nước mắt.
Thời gian trôi đi, bé Trà My lớn dần. Trong khi những bạn đồng lứa tíu tít gọi nhau đến trường thì My phải ngồi nhà. Những lúc như thế, em âm thầm nhìn mấy đứa em học bài rồi ghi vào trí nhớ.
Thời gian đầu, cô bé nắm bắt từng chữ cái. Sau đó, nhân lúc các em đến trường, Trà My lục đống sách vở của chúng để tập nhận mặt chữ, rồi tập đọc, tập viết. Đôi tay khó khăn cứ vẽ ra từng con chữ, rồi miệng ngọng líu phát âm. Mỗi ngày, My tập mỗi ít, dần dần đã biết được chữ, biết viết, biết đọc.
Trà My biết chữ nhưng cả nhà không ai biết. Mãi đến 9 tuổi, một việc diễn ra làm ngạc nhiên cả khu phố Nguyễn Trãi, thị xã Đông Hà. Lúc đó cô em gái Khánh Ly làm bài tập toán ở nhà, Trà My ngồi cạnh thấy giải sai đã phản ứng rồi tranh luận, diễn ra một cuộc cãi cọ nho nhỏ không ai nhường ai.
Cô em khăng khăng đúng. Cô chị bảo sai. Đứa em gái không tin vì chị chưa một ngày đến trường thì không thể biết toán lớp 3. Lúc đó người bố xuất hiện. Anh kiểm lại bài toán và ôm chầm đứa con vào lòng thổn thức: “Mảnh đất quê mình đất đai cằn khô sỏi đá. Cây gì cũng khó sống. Cây xương rồng cũng hiếm khi có hoa, nhưng giờ bố có cây xương rồng nở hoa rồi!”. Trà My lúc đó chỉ biết cười.
Khi biết được chữ, My đã mượn bằng được nhiều sách văn học để đọc. Lần đầu tiên, anh Hải đưa về cho con 5 cuốn tiểu thuyết lừng danh của văn học Nga, cuốn nào cũng dày cộm, nhưng cô bé chỉ đọc trong một tuần rồi xin mượn tiếp. Rồi cô chợt nảy ra ý nghĩ sao mình không viết văn, làm thơ.
Ý nghĩa lóe lên, Trà My bắt đầu tập viết truyện ngắn, tạp bút gửi Báo Quảng Trị, Đài Phát thanh Quảng Trị, Tạp chí Cửa Việt... Từ năm 2005, những tác phẩm của “cô bé da cam” bắt đầu xuất hiện trên báo, đài địa phương.
Cùng thời điểm đó, Trà My cho ra đời truyện ngắn Bông hồng trắng. Truyện mượt mà, đằm thắm được tuần báo Giác Ngộ khởi đăng vào năm 2006. Sau đó là lần lượt các tùy bút như Thương nhớ miền Trung.
Tác phẩm của cô bé viết ra được bạn đọc Quảng Trị đón nhận nhiệt thành. Bằng chứng là giải ba cuộc thi “Sáng tác văn học - nghệ thuật” do Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị tổ chức năm 2006 đã được trao cho Trà My.
Những bài viết được đăng, những giải thưởng đã khích lệ cô bé viết nhiều hơn. Rồi lần lượt hàng loạt truyện ngắn ra đời như: Bản lĩnh, Định mệnh từ quá khứ, Như giấc mơ dài, Sống để mà yêu, Trò đùa có thật, Cuộc gặp gỡ bất ngờ…
Tất cả cô bé đã viết được 14 truyện ngắn đầu tay. Vào quý 3 năm nay, tập truyện ngắn đầu tiên của cô sẽ được xuất bản dưới tựa đề: Ước mơ xa xưa.
Trò chuyện với Trà My trong căn nhà nhỏ, cô bé lúc nào cũng ngọng nghịu nói không tròn tiếng. Phương tiện duy nhất để mọi người hiểu rõ là cô mượn điện thoại, bấm chữ vào đó để nói lên nỗi lòng.
Trước kia, mỗi khi cô ra tiệm Internet gửi truyện ngắn cho các báo, người ta đã xua cô. Một chuyên gia Thụy Điển khi đến Quảng Trị công tác, bất ngờ gặp em tâm sự rồi cảm thông và ông đã sẻ chia sự thiệt thòi bằng món quà tặng đầy ý nghĩa là dàn máy tính nối mạng.
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)