Anh Ngõnh, bố bé, năm nay 41 tuổi, chưa bao giờ rời khỏi làng Git quá bán kính 50 km, cho đến khi con gái út mắc ung thư. Hơn một năm qua, hai bố con anh đã đi - về TP HCM gần 20 lượt, tổng quãng đường hơn 10.000 km; mỗi lượt gần hết một ngày, với ba lần đổi xe.
Mùa hè năm ngoái bé Chễnh thường xuyên sốt cao, đau nhức người, mỏi tay chân rồi không thể đi lại. Bác sĩ Bệnh viện Nhi Gia Lai nghi ngờ Chễnh mắc bạch cầu cấp - một loại ung thư máu, chuyển viện về Bệnh viện Nhi đồng 2 ở TP HCM. Anh Ngõnh về nhà bán thóc, mì và vay thêm hàng xóm, người thân. Cuối tháng 7/2020 mang theo 4 triệu đồng và một ba lô quần áo, hai bố con nhờ người chở bằng xe máy qua con đường rừng ngập bùn đất ra quốc lộ đón xe khách về TP HCM. Gần nửa đêm họ mới đặt chân tới cổng Bệnh viện Nhi đồng 2.
Bác sĩ Lê Thị Hạnh Hoa (khoa Ung bướu - Huyết học), trực tiếp điều trị cho Chễnh, chia sẻ đây là trường hợp khá đặc biệt khi các bác sĩ mất vài tuần, gấp đôi thời gian bình thường, mới chẩn đoán chính xác được dòng ung thư. Kết quả chọc hút tủy xương ban đầu nghiêng về hướng bạch cầu cấp dòng tủy - loại ung thư máu ít gặp và ác tính hơn, tiên lượng khỏi bệnh thấp hơn dòng lympho; bệnh có thể tiến triển nhanh dẫn đến tử vong trong vài tháng, nếu không được điều trị. Các bác sĩ làm lại hàng loạt xét nghiệm chuyên sâu, kết quả cuối cùng là em bị bạch cầu cấp dòng lympho, có 50-60% cơ hội sống.
Theo bác sĩ Hoa, đến nay các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra bệnh ung thư máu. Tiếp xúc với chất độc hại, môi trường ô nhiễm trong thời gian dài hoặc đột biến gene được cho là nguy cơ chính tạo ra cơ hội làm bệnh phát triển và bùng phát. Tuy nhiên, đột biến gene xảy ra khi nào thì rất khó để xác định vì chúng diễn ra âm thầm. Đặc biệt, diễn tiến của ung thư máu cấp tính rất nhanh, do đó phải điều trị ngay khi xác định bệnh để đạt được hiệu quả cao nhất.
Các bác sĩ lên phác đồ điều trị hóa chất dài 3 năm cho Chễnh. Trong 6 tháng đầu em nằm viện liên tục, truyền các toa hóa chất liều cao để tiêu diệt tế bào ác tính trong máu và tủy xương. Thời gian còn lại, em được theo dõi ngoại trú, hàng tháng nhập viện khoảng 3-7 ngày, tùy tình trạng để truyền hóa chất liều thấp, duy trì để tế bào ác tính không phát triển trở lại.
Anh Ngõnh vốn không biết chữ, lại không quá thạo tiếng Kinh, chỉ lờ mờ đoán con mắc bệnh nặng, phải chữa lâu dài. Khi bác sĩ Hoa giải thích con gái có nguy cơ tử vong, người đàn ông khóc xin bác sĩ chữa bệnh cho con bằng mọi cách.
Hành trình chiến đấu với ung thư của bé Chễnh không mấy suôn sẻ, có lần tim cô bé đã gần như ngừng đập, phải nằm phòng cấp cứu hơn một tuần. Rồi em phản ứng thuốc, bị nóng trong người, lở miệng ăn uống kém, thường xuyên nôn ói, sụt cân, mất ngủ, mệt đến nỗi chỉ nằm bệt trên giường. Tháng 8/2021, TP HCM ghi nhận nhiều ca Covid-19, phòng bệnh không được bật điều hòa để tránh lây nhiễm, mỗi đêm con trằn trọc trở mình, anh Ngõnh thức suốt để quạt tay, lau mát cho con ngủ.
Vốn rụt rè ngại giao tiếp, ban đầu Chễnh không dám nói chuyện trước với các bạn cùng phòng. Những lúc bất lực quá, Chễnh khóc gọi mẹ. Song mẹ của em chỉ có thể xuống bệnh viện thăm con vài ngày, vì không biết tiếng Kinh, không thể xoay xở chăm con. Trong khi đó, ở nhà còn bà nội hơn 80 tuổi, già yếu cũng cần người cơm nước, chăm sóc. Đồng thời, mẹ và chị gái đi làm nương rẫy thuê kiếm tiền "tiếp tế" cho hai bố con.
Ngoài khó khăn về bất đồng ngôn ngữ, chi phí điều trị là áp lực lớn nhất, vượt quá khả năng của gia đình. Anh Ngõnh cho biết các bác sĩ nói bệnh phải chữa lâu dài, cần nhiều loại thuốc đắt tiền, ước tính cần cả trăm triệu đồng. Số tiền này nằm ngoài chi phí đã được bảo hiểm y tế chi trả, chưa kể đến tiền ăn uống hàng ngày. Tất cả những gì có thể bán được, vợ chồng anh đã bán hết, giờ chỉ còn ngôi nhà sàn cũ để cả nhà 5 người tránh mưa nắng.
Thời gian trông con ở viện, có lúc trong túi anh Ngõnh không có nổi 100.000 đồng, dù anh đã cố gắng chi tiêu dè sẻn hết mức. Bình thường anh chỉ mua cơm cho con, còn mình thì xin cơm từ thiện. Thậm chí có ngày cạn tiền, chỉ xin được một suất cháo từ thiện, anh nhường cho con, còn mình uống no nước trừ bữa.
Nắm bắt được hoàn cảnh khó khăn của bệnh nhi, Bệnh viện Nhi đồng 2 kết nối với chương trình Mặt trời Hy vọng, thuộc Quỹ Hy vọng - Báo VnExpress hỗ trợ chi phí điều trị, san sẻ gánh nặng kinh tế cho hai bố con. Các bác sĩ, điều dưỡng trong khoa thường xuyên trò chuyện, động viên tinh thần bé Chễnh, giúp em giải tỏa tâm lý lo lắng và lạc quan hơn.
Chễnh đáp ứng điều trị tốt. Hiện kết quả tái khám sau 18 tháng chiến đấu, tế bào ung thư trong cơ thể em tiếp tục âm tính. Mặc dù vậy, cô bé cần kiên trì tuân thủ phác đồ điều trị cho đến giữa năm 2023. Trong thời gian này, nếu tế bào ung thư được kiểm soát âm tính liên tục, tỷ lệ bệnh tái phát sau đó giảm còn khoảng 20%, bác sĩ Hoa cho hay. "Em muốn trở thành bác sĩ để chữa khỏi cho chính mình, cho những em nhỏ mắc bệnh giống em", Chễnh chia sẻ ước mơ của mình.
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Mời xem thông tin về chương trình tại đây.
Thư Anh