Chị Nguyễn Thị Nhàn, mẹ em, ngày 4/7 kể lại giây phút sum họp gia đình khi Ánh xuất viện về nhà tại xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Hôm đó, thấy con gái vừa về đã sốt sắng bài vở, chị xoa đầu động viên: "Sách vở của con mẹ vẫn để nguyên ở đó, chờ khi nào con khỏe lại hẳn để đến trường đi học như các bạn".
Bà con hàng xóm cùng các bạn trong lớp biết tin em xuất viện nên đến thăm. Nhật Ánh nằm trên giường, sức khỏe yếu, song không khỏi vui mừng sau ba tháng chiến đấu với bệnh viêm màng não mủ.
Gia đình chị Nhàn có ba người con, Ánh là con thứ hai, đang học lớp ba, trường Tiểu học Nguyễn Trọng Nghĩa, là học sinh giỏi. Vì bệnh tật nên cô bé phải hoãn việc học tập để điều trị. Bố em là Lê Đông, thợ phụ hồ, thu nhập ba triệu đồng một tháng. Mẹ làm nông, không ổn định, trung bình chỉ một triệu một tháng.
Mẹ em kể, ban đầu khi biết tin bị bệnh, cô bé suy sụp và không muốn điều trị vì rất sợ bệnh viện. Tuy còn nhỏ nhưng em đã biết lo lắng cho kinh tế gia đình.
"Muốn được đi học là động lực để Ánh tập trung điều trị bệnh", người mẹ nói.
Nhật Ánh phát bệnh từ đầu năm nay. Chị Nhàn kể con bỗng dưng đau đầu dữ dội, sốt, nghĩ con bị cảm thông thường nên ra hiệu thuốc mua thuốc cho uống. Hai ngày sau bệnh không thuyên giảm, sốt tăng, cơn đau đầu cũng tăng. Bác sĩ khám chẩn đoán viêm ruột, điều trị vẫn không đỡ. Cùng lúc, cổ em ngày một cứng đơ, không nói được, mặt chỉ ngó lên trời, không nhìn được, mắt cũng mờ dần. Suốt mấy ngày, Ánh không ăn, chỉ uống được chút nước.
Kết quả chụp chiếu xác định Nhật Ánh bị viêm màng não mủ, hay còn gọi là viêm màng não vi trùng. Đây là tình trạng các màng bao bọc quanh hệ thần kinh trung ương bị vi khuẩn tấn công gây viêm và sinh mủ. Vi khuẩn gây bệnh xuất hiện trong khoang dịch não tủy, làm tổn thương hệ thần kinh, gây ra những ảnh hưởng nặng nề về vận động và nhận thức.
Bác sĩ cho biết bệnh nhân có thể gặp một số di chứng nếu điều trị muộn như gặp các vấn đề về thính lực và thị lực, chậm phát triển vận động và trí tuệ, liệt chân tay hoặc liệt nửa người, ảnh hưởng đến hệ thần kinh: trí nhớ giảm sút, rối loạn tâm thần... Nguy hiểm hơn, viêm màng não mủ gây tử vong do suy hô hấp nặng, phù não, các biến chứng nhiễm khuẩn nặng ở não, biến chứng viêm phổi, viêm thận nặng, trạng thái mất não, suy não... Kể cả khi phát hiện bệnh sớm và can thiệp ngay lập tức thì tỷ lệ tử vong do viêm màng não mủ vẫn rất cao.
Nhật Ánh phải nghỉ học, chuyển đến Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng điều trị. Khi nhập viện, em vẫn còn tỉnh táo song cổ vẫn đơ, mắt mờ và sốt cao. Cơ thể nhiều ngày không ăn uống được nên gầy yếu, da tái. Bác sĩ điều trị chỉ định phác đồ truyền kháng sinh 4 liều một ngày. Sau một tháng, em từ từ đỡ mệt, đỡ sốt.
Tuy nhiên, việc điều trị chưa chấm dứt. Bác sĩ cho biết em cần phải điều trị thuốc ngoài bảo hiểm trong vòng hai tháng nữa, mỗi ngày tiền thuốc lên tới hai triệu đồng, tổng cộng hai tháng gia đình phải chi trả 120 triệu đồng, chưa kể các chi phí khác. Gia đình đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Ba em làm phụ hồ, đang thất nghiệp. Chị Nhàn phải bỏ dở việc đồng áng để ở lại viện chăm con. Trong nhà còn hai đứa con nhỏ nữa, thu nhập không đủ chi phí chữa trị.
Nhật Ánh suy sụp, đòi về nhà, không điều trị vì không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình. Chị Nhàn vừa phải lo viện phí, vừa phải động viên con. Gia đình cố chạy vạy, vay khắp nơi.
Căn phòng điều trị tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng có hai mẹ con Ánh cùng các bệnh nhi khác. Thời gian đầu khi biết tin bị bệnh, với cô bé, "đó là khoảng thời gian khó khăn nhất, lúc nào em cũng suy nghĩ, lo sợ, sợ nhà không có tiền, ba mẹ khổ, sợ không đi học ở trường được". Từ bé đến giờ, cô bé luôn ao ước có thể học thật giỏi, lớn lên thành đạt, kiếm tiền, để cha mẹ bớt vất vả.
Những lần truyền kháng sinh đầu tiên, em khóc và đòi về nhà. Cái Tết đầu tiên hai mẹ con đón trong bệnh viện, cô bé càng thu mình và ít nói, trầm tính hơn. Ánh nhờ mẹ mang ít sách vở đến lớp để tự học bài.
Bạn bè thường xuyên gọi điện hỏi thăm và gửi thư. Đọc những lá thư các bạn viết, em nằm một mình đến rất khuya không ngủ. "Lúc ấy, em nhớ thầy cô, nhớ bạn bè, trường lớp lắm", Ánh kể. Song, cũng từ khi đọc những lá thư đó, cô bé quyết tâm điều trị thật tốt để mau khỏe bệnh, quay lại trường học.
Ánh không còn khóc và đòi về nữa. Sau ba tháng điều trị, bệnh tình của em cải thiện. Em chỉ còn hơi sốt, sức khỏe yếu song đã qua giai đoạn nguy kịch, xuất viện theo dõi tại nhà xem có biểu hiện co giật hay biến chứng gì không.
Bác sĩ điều trị Nhật Ánh, cho biết với căn bệnh viêm màng não mủ, hiện chưa tiên lượng được bao giờ khỏi bệnh. Bệnh nhi sau khi điều trị khỏe mạnh cần tiếp tục theo dõi các biến chứng có thể xảy ra, tái khám 2-3 tháng sau.
Hiện Nhật Ánh dần hồi phục, đi loanh quanh được trong nhà nhưng chưa thể đi học. Đôi mắt sáng dần lên, những lúc khỏe hơn, em lấy sách vở tự học bài.
"Em sẽ cố gắng học thật giỏi để đền đáp công ơn sinh thành nuôi dưỡng của ba mẹ", cô bé nói.
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng đang triển khai thực hiện chương trình Mặt trời Hy vọng (tiền thân là chương trình Ông Mặt trời). Thêm một sự chung tay của quý vị là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước.
Mời xem thông tin về chương trình tại đây.