Trailer của Cô bé bán diêm - bộ phim hoạt hình 3D "made in Vietnam" - được tung lên mạng từ hôm 22/11 nhận được sự quan tâm của cư dân mạng với hàng trăm đóng góp, ý kiến. Phần đồ họa và câu chuyện có thêm nhiều yếu tố mới so với nguyên tác của nhà văn Đan Mạch Hans Christian Andersen đã gây tò mò dư luận. Tối 24/12, phim chiếu ra mắt trên VTV4 và tiếp tục trở thành tiêu điểm trên mạng trong mùa Giáng sinh năm nay.
Hình ảnh mở đầu phim "Cô bé bán diêm". Ảnh: True-D. |
Cô bé bán diêm được xuất bản lần đầu năm 1848 trong phần 5 của cuốn Nye Eventyr (Những truyện cổ tích mới). Câu chuyện về cô bé nghèo khổ đi bán diêm trong đêm Giáng sinh và từ giã cõi đời trong giá rét mùa đông đã lấy đi nước mắt của hàng triệu người trong hơn 150 năm qua. Một kết cục không giống như cổ tích truyền thống, nhưng lại đậm chất nhân văn đã biến Cô bé bán diêm thành tác phẩm bất hủ của nhà văn Andersen được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Bản thân câu chuyện của Cô bé bán diêm đã đủ gây xúc động cho bất kỳ ai đọc nó. Chính vì vậy, khi những hình ảnh đầu tiên trong phim - một thành phố cổ ở châu Âu ngập tràn tuyết trắng với những ánh đèn vàng trong đêm Giáng sinh - hiện lên, nhiều khán giả đã cảm thấy bùi ngùi. Một cô bé đầu trần, cùng những que diêm, lang thang dọc phố mời mọi người mua nhưng tất cả đều nhanh chân rảo bước về nhà, không ai quan tâm tới cô bé.
Câu chuyện của nhà văn Andersen thì gần như ai cũng đã thuộc lòng. Nhưng trong phiên bản hoạt hình 3D của Việt Nam, đạo diễn kiêm biên kịch Đoàn Trọng Hải của True-D Animation đã thêm yếu tố mới là chú chó hoang - người bạn đồng hành của Cô bé bán diêm trong đêm Giáng sinh. Chính nhân vật mới này khiến cái không khí cô đơn, u ám của nguyên tác được xua bớt đi và góp phần làm tăng sự ấm áp, tô đậm thêm tính nhân văn cho câu chuyện này.
Poster phim "Cô bé bán diêm" của Việt Nam. |
Nếu nhìn nhận Cô bé bán diêm là tác phẩm do những người Việt trẻ tâm huyết thực hiện thì đây quả thực là một bất ngờ. Rất nhiều khán giả xem xong phim đã khóc, không chỉ bởi câu chuyện bi thương và những hiệu quả do hình ảnh - âm thanh đem lại, mà còn vì vui mừng bởi Việt Nam giờ đã có thể thực hiện được những bộ phim hoạt hình 3D công phu, hấp dẫn và quan trọng là tạo được cảm xúc cho người xem.
Phần hoạt cảnh, tạo hình nhân vật và ánh sáng được làm rất đẹp. Âm nhạc của nhạc sĩ Dương Khắc Linh với những giai điệu lúc khắc khoải, da diết, lúc lại tươi sáng, tràn ngập niềm vui (đoạn kết bạn với chú chó hoang, đoạn quẹt diêm) phối hợp rất nhịp nhàng với hình ảnh và mang lại cảm xúc trọn vẹn cho người xem. Có thể nói chính âm nhạc đã góp tới 70% hiệu quả cảm xúc cho bộ phim và lấp đi phần nào những mặt hạn chế của đồ họa.
Nếu so với mặt bằng chung hoạt hình 3D của thế giới thì Cô bé bán diêm vẫn còn là một tác phẩm trung bình với nhiều mặt hạn chế về đồ họa. Chuyển động của các nhân vật chưa được mượt. Phần tuyết và gió trong phim được làm khá đẹp mắt, nhưng phần lửa từ những que diêm và chiếc lò sưởi thì lại bị "giả". Nhiều đoạn hiệu ứng 3D khá thô sơ. Chính vì vậy, sau khi ra mắt, Cô bé bán diêm đã gây khá nhiều tranh cãi trên cộng đồng mạng, giữa hai làn sóng - một là ủng hộ phim Việt, hai là những người nhìn nhận với tư cách là khán giả muốn thưởng thức nghệ thuật.
Cô bé bán diêm co ro trong giá rét đêm Giáng sinh. Ảnh: True-D. |
Xét cho cùng, việc so sánh Cô bé bán diêm với những sản phẩm 3D chất lượng cao như Up, Tangled là khập khiễng. Một bên là những người trẻ có đam mê dù chưa được học hành bài bản, còn một bên là những êkíp chuyên nghiệp, hoàn hảo. Cái đáng ghi nhận ở đây là những nỗ lực của các nhà làm phim trẻ trong công cuộc góp phần thay đổi diện mạo của phim hoạt hình Việt Nam. Nếu ai cũng chờ đợi một tác phẩm hoàn hảo ngay từ đầu mà bỏ qua những bước đi nhỏ thì không biết hoạt hình Việt Nam phải chờ bao nhiêu năm mới có một Finding Nemo, Shrek hay Kungfu Panda?
Trong một năm qua, hoạt hình Việt Nam có nhiều bước chuyển mình đáng kể với nhiều bộ phim ngắn gây chú ý như Chú bé đánh giầy, Năm điều phạt, Gia tài của cha... Đặc biệt, các nhà làm phim trẻ đã bắt đầu thực hiện những dự án hoạt hình 3D, điển hình là hai phim Trên ngọn cây (Bùi Quốc Thắng) và Dưới bóng cây (nhóm Colory) nhận được nhiều lời bàn tán sôi nổi trên mạng. Dưới bóng cây còn là phim chiến thắng giải thưởng cao nhất - Trái tim vàng - tại YxineFF 2011.
Với thành công ban đầu của những nhóm làm phim hoạt hình 3D như True-D Animation hay Colory, khán giả hoàn toàn có thể mong đợi vào một tương lai hứa hẹn của hoạt hình 3D Việt Nam.
* Xem phim hoạt hình 3D "Cô bé bán diêm" của Việt Nam
|
Nguyên Minh