Hai năm nay, các học sinh và thầy cô tại điểm trường Huổi Thanh 2, trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Kè 2, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé đã quen cảnh cô học sinh lớp hai, nặng chưa đầy 20 kg cong mình địu em trai hai tuổi cùng đến lớp, mỗi sáng.
Điểm trường cũ cách nhà Giang hơn một cây số, con đường đất nhỏ hẹp, mỗi lần mưa sình lầy bắn lên quá đầu. Mỗi khi leo dốc, cô bé vòng tay ôm chặt em trai sau lưng, người đổ về phía trước giống như những người phụ nữ Nậm Kè mỗi lần lên nương. Lúc xuống dốc, Giang lại chuyển tư thế giống chiếc xe đạp cần hãm phanh, thận trọng bước từng bước để không lộn nhào. Cuối năm 2021, điểm trường Huổi Thanh 2 được chuyển về địa điểm mới, cách nhà em chừng 300 m nên việc địu em đến lớp cũng đỡ vất vả hơn.
Đến lớp, Giang cởi mảnh vải quấn chặt em trai sau lưng, tay kéo ghế cho em ngồi cạnh, rồi lấy sách vở ôn bài. Suốt buổi học, cậu bé hai tuổi ngồi im, chăm chú nhìn chị. Thi thoảng em quấy, tiếng khóc át lời thầy buộc Giang phải bế ra ngoài dỗ, đợi nín hẳn mới vào lớp học tiếp.
Các năm trước, chuyện học sinh địu em đến lớp không xa lạ với các thầy cô ở Nậm Kè, nhất là vào vụ thu hoạch lúa tháng 10, 11 bởi cả gia đình phải lên nương. Nhưng nay cả điểm trường còn mỗi Giang phải địu em đến lớp. "Cũng chẳng còn cách nào khác vì bố mẹ Giang đều khuyết tật mà cậu bé em chưa đủ tuổi đi học mầm non", thầy giáo Phạm Văn Thạnh, 35 tuổi, giáo viên chủ nhiệm lớp 2 nói.
Giang là con thứ hai trong gia đình có bốn anh chị em. Trước em là anh trai, 12 tuổi, đang học bán trú dưới xã Nậm Kè, sau còn hai em trai 3 tuổi và 2 tuổi. Bố Giang là anh Hảng A Tính, 54 tuổi, bị mù bẩm sinh. Mẹ là Lý Thị Gia, 43 tuổi, liệt nửa người, cả hai đều mất sức lao động, cuộc sống phụ thuộc vào họ hàng hai bên và trợ cấp xã hội.
Trước đây, cả gia đình Giang sống trong căn chòi siêu vẹo, dựng tạm bằng tre nứa, quấn bạt xung quanh để tránh mưa nắng. Năm 2019, chính quyền địa phương cùng họ hàng hai bên giúp đỡ dựng cho căn nhà gỗ rộng chừng 70 m2.
"Cả bản có 60 hộ, thì gia đình chị Lý Thị Gia là nghèo nhất. Vợ chồng đều khuyết tật không thể làm việc, lại nuôi bốn con nhỏ", ông Dằng A Dinh, 49 tuổi, trưởng bản Huổi Thanh 2, cho biết.
Mỗi tháng vợ chồng chị Gia hưởng trợ cấp người khuyết tật được gần 1,3 triệu đồng. Riêng hai sào ruộng, cùng cặp trâu và đàn gà đang nuôi trên nương do bố mẹ hai bên bỏ tiền mua, sau lại cày cấy, nuôi trồng giúp.
"Cái Gia tàn tật từ bé không làm ruộng được, hàng ngày chỉ đi chăn trâu, sau đi nhặt củi, hái rau trên rừng. Chồng mù loà, chỉ ngồi một chỗ nên việc nhà, chăm sóc hai đứa nhỏ đều do con gái lớn mới học lớp 2 phụ giúp", ông Lý A Giàng, 63 tuổi, ông ngoại Giang, nói.
Vì địu em đến lớp nên cứ 10h30 sáng, khi trống tan trường vừa điểm, Giang lại xin thầy về nhà để lấy cơm cho bố ăn rồi mới quay về trường ăn trưa cùng em. "Chỉ đến trường các con mới được ăn cơm với thịt còn vợ chồng tôi ăn gì cũng được", anh Hảng A Tính nói.
Ở lớp, Giang thích học Toán và Tiếng Việt vì biết tính toán có thể giúp bố nhẩm tính tiền bán con gà, bán thóc và dạy chữ cho mẹ, để mẹ biết đọc, viết như mọi người.
"Giang là học sinh ngoan, lực học khá dù hơi nghịch nhưng tôi rất ngưỡng mộ quyết tâm đi học của em. Trong khi nhiều học sinh chỉ muốn nghỉ học đi nương thì em luôn đều đặn đến lớp bất kể nắng mưa, thầy cô không bao giờ phải đến nhà vận động", thầy Thạnh bộc bạch.
Nhà nghèo, ruộng nương vẫn nhờ họ hàng làm giúp nhưng vợ chồng chị Gia nói sẽ cho cả bốn con đến trường, chứ không cho nghỉ đi làm. "Dù có phải bán thóc, bán trâu hay đi vay mượn để con đi học tôi cũng làm. Tôi không muốn các con cả đời chỉ quanh quẩn ở bản, không biết bên kia ngọn núi có gì như bố mẹ", chị tâm sự.
Những ngày cuối năm, đường về nhà của chị em Giang thơ mộng hơn khi hoa mận ở bản Huổi Thanh bắt đầu khoe sắc. Giang nói dù phải địu em đến lớp, chăm sóc bố thay mẹ, nhưng sẽ không bỏ học. "Mơ ước của em là được làm giáo viên giống các thầy cô. Để có thể vận động được nhiều học sinh cùng đến trường, biết chữ, để cả bản thoát nghèo", cô bé cười.
Chương trình Ánh sáng học đường của Quỹ Hy vọng - báo VnExpress tiếp tục xây dựng thêm 2 ngôi trường mới ở huyện Mường Nhé, Điện Biên. Sự đóng góp của độc giả sẽ tiếp thêm động lực và tạo điều kiện cho nhiều em nhỏ vùng cao được đến trường, học tập trong điều kiện tốt hơn. Độc giả có thể đồng hành cùng chương trình tại đây.
Quỳnh Nguyễn