Cuối tuần nhưng Nguyễn Thị Hồng (32, tuổi bếp phó của một chuỗi nhà hàng Pháp ở Hà Nội) vẫn tất bật đi từ sáng sớm đến tối muộn mới về. Bị chồng chê là người "nghiện" việc, cô chỉ cười, bảo mình là người cầu toàn. Việc gì cô cũng muốn hoàn hảo nhất nên phải đầu tư thời gian. Tuy nhiên, tính cách đó không phải bẩm sinh mà có, mà hình thành trong những năm tuổi thơ lang bạt của cô.
Hồng sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 5 con ở miền biển Thanh Hóa. Nhà nghèo, học kém nhất trong các anh chị em nên năm lớp 7, Hồng bỏ học đi làm.
Bốn năm liền, cô bé hết vào Sài Gòn lại ngược ra Hà Nội bán vé số, hàng rong. Ban ngày, Hồng lang thang khắp các con phố lớn nhỏ. Buổi tối, cô ngủ trong những phòng trọ tập thể chật chội, quánh mùi hôi người. "Thời niên thiếu cực nhọc nhưng giúp tôi nhận ra nhiều điều. Lúc sống với bố mẹ cứ nghĩ khổ sở, đến lúc ra đường bị bỏ đói, bị chửi bới mới biết mình từng sung sướng thế nào", Hồng tâm sự.
Chuyến đi đầu tiên trở về, khi cả nhà đang ăn cơm, cô bước qua nồi niêu để sà vào lòng mẹ khóc. Từ đó, khát khao có nghề để chấm dứt cảnh lang thang trở đi trở lại trong tâm trí cô gái trẻ.
May mắn đến với Hồng năm 16 tuổi. Một tổ chức phi chính phủ đã tài trợ cho cô đến học tại một trường nghề ở quận Hoàng Mai, Hà Nội. Thần tượng nhân vật Dae Jang Geum, Hồng chọn học nghề đầu bếp. "Cơ hội có thể may mắn đến với mình, nhưng nếu không nỗ lực nắm lấy, nó cũng sẽ bỏ mình mà đi. Nghĩ vậy nên suốt 2 năm học nghề, không ngày nào tôi ngừng cố gắng", cô chia sẻ.
Tháng ngày lang bạt lấy đi thời niên thiếu bình yên, nhưng đổi lại sự nhanh nhẹn, chịu khó và quyết liệt trong tính cách của Hồng. Ở trường nghề, khi nhiều bạn đang tán gẫu, đợi người điều hành phân việc thì Hồng kiểm tra số lượng suất ăn trong ngày. Sau đó, cô chủ động xuống bếp lấy gạo, thực phẩm, gia vị.
Buổi học thực hành bắt đầu từ 5 giờ sáng nhưng 4 giờ, nữ học viên đã ôm vở đứng trước cửa lớp. Cô vừa tranh thủ ôn bài, vừa muốn đến sớm để ghi điểm với ông thầy khó tính. Hồng thích học tiếng Anh nên tự rèn thói quen viết công thức chế biến món ăn bằng ngoại ngữ. Chỉ nửa tháng sau khi vào học, cô đã được chọn làm người điều hành của lớp.
"Hồng học lớp của tôi cũng phải chục năm rồi. Đó là một học viên nhanh nhẹn, nhiệt tình và có kỹ năng. Chỉ những học viên hết mình với công việc mới được chọn làm điều hành của lớp", thầy Nguyễn Kiên Cường, chủ nhiệm lớp Hồng nhớ về người học trò cũ.
Vừa tốt nghiệp, Hồng vào làm việc cho một nhà hàng do một người Bỉ làm chủ. Lần đó, nhà hàng đón một đoàn khách quan trọng. Non kinh nghiệm, lại run vì không khí trang trọng, Hồng ra nhầm phần sốt đi kèm với món chính, bị ông chủ chỉ trích trước mặt rất đông nhân viên. "Sau lần ấy, bao giờ tôi cũng cẩn trọng từng chút. Không chỉ phải tỉ mẩn trong nguyên liệu chế biến mà ngay cả khi ra đồ, tôi cũng phải rất lưu tâm", Hồng chia sẻ.
Năm 2009, Hồng chịu đau chân suốt 2 tháng để mở một quán ăn vặt ở Quảng Ninh. Cô ngã xe ngay trước hôm mở quán. Bị khâu 11 mũi nhưng khi bác sĩ yêu cầu nhập viện, cô năn nỉ xin về. Sáng hôm sau, bố cô từ quê ra trợ giúp, cõng con gái đến quán để kịp giờ khai trương. Đều đặn mỗi ngày, cô gái trẻ đi cà nhắc từ nhà ra quán. Miệng cười, tay thoăn thoắt làm đồ ăn cho khách. Nhưng dưới chân, vết thương tấy đỏ.
Khi chân không bước được nữa, Hồng mới chịu đóng cửa quán. Cô trở lại Hà Nội, đợi khỏe lại rồi mới đi làm. "Quãng thời gian tuy ngắn nhưng đã giúp tôi hiểu tình yêu của bố dành cho mình. Trước đây, khi đi bán vé số, hàng rong, tôi không thấy được điều đó. Những lúc khó khăn, không có gia đình và bạn bè, tôi sẽ không thể làm được gì", Hồng nói.
Về Hà Nội, việc gì liên quan đến nghề nấu ăn cô đều muốn thử sức. Để hiểu thêm về văn hóa ẩm thực của các quốc gia, ban ngày, Hồng đến nhà riêng nấu ăn cho người nước ngoài. Ban đêm, cô đi bán trà đá, ốc nóng vỉa hè. Trong 6 tháng, Hồng nấu ăn cho một phụ nữ Pháp, một người Brazil và một người Italy. Nhờ đó, cô hiểu thêm về sở thích ăn uống của người ở các quốc gia này.
"Làm nhà riêng, chỉ nấu cho một hai người ăn nên tôi không bị áp lực thời gian. Tuy nhiên, vốn là người ưa bận rộn, tôi lại thích không khí khẩn trương ở các nhà hàng hơn", Hồng nói. Cũng vì vậy, cô chấp nhận nghỉ việc để làm ca muộn cho một nhà hàng trên phố Tống Duy Tân. "Cứ mỗi lần chị ấy về, dù rón rén thế nào tôi cũng bị tỉnh giấc vì mùi bếp núc ám trên quần áo", Hoan, em gái Hồng, kể.
Năm 2012, Hồng trúng tuyển vai trò bếp phó của chuỗi nhà hàng Pháp trên phố Xuân Diệu, Hà Nội. Tâm niệm làm hết việc chứ không hết giờ, suốt 3 tháng liền, Hồng ở nhà hàng 13 tiếng thay vì 8 tiếng như hợp đồng. Trong bếp, lúc nào cũng thấy cô luôn tay, luôn chân. Các món chưa biết cách chế biến, cô quan sát những người khác làm rồi ghi chép công thức, tối về học thuộc, đợi có cơ hội để thực hành.
Chỉ làm việc 6 tháng ở nhà hàng nhưng năm đầu tiên, cô đã được bình chọn là nhân viên xuất sắc nhất.
Chị Nguyễn Thị Loan, tổng quản lý chuỗi nhà hàng Pháp nơi cô làm việc vẫn nhớ như in chuyến công tác cùng cô đến TPHCM năm 2016. Lần đó, đơn hàng phải giao từ 6 giờ sáng nên 3 giờ Hồng đã một mình xuống bếp chuẩn bị. Vì chung phòng với cô nên chị Loan cũng bị thức giấc. "Tôi rất ngạc nhiên về sự tự giác và tinh thần trách nhiệm của cô ấy", chị nói.
"Nhờ các ông chủ nên tôi đã được học hỏi rất nhiều về nghề. Nếu không có họ, sẽ không có tôi của ngày hôm nay. Vì vậy, lúc nào tôi cũng nghĩ mình phải đóng góp nhiều nhất có thể", Hồng nói.
Hiện tại, chuỗi bếp nấu của 8 nhà hàng Pháp tại Hà Nội với khoảng một 1.000 nghìn khách mỗi ngày không có bếp trưởng. Theo chị Loan, dù là bếp phó nhưng Hồng làm việc như một đầu tàu. "Hồng khá tinh tế trong món ăn. Mỗi lần làm menu với sếp người Pháp thì món bạn ấy chế biến làm hài lòng sếp hơn cả", chị Loan nhận xét.
Ở tuổi 32, Hồng có một công việc yêu thích, một gia đình nhỏ với hai đứa con đáng yêu. Sau 8 năm cố gắng, vợ chồng cô đã thay được căn nhà ngói cũ nát bằng ngôi nhà tầng khang trang. Cô mơ ước được ra nước ngoài để tiếp thu thêm tinh hoa ẩm thực ở các quốc gia khác.
Minh Nhật