Trong cuộc thi Young Scientist Challenge kết thúc hôm 18/10, cô bé Maanasa Mendu 13 tuổi, đến từ bang Ohio, Mỹ, giành chiến thắng chung cuộc và nhận danh hiệu nhà khoa học trẻ giỏi nhất nước Mỹ, cùng số tiền thưởng 25.000 USD, theo Science Alert.
Thiết bị do Mendu sáng tạo gồm ba tấm pin Mặt Trời. Ngoài khai thác quang năng, nó còn có khả năng chuyển hóa năng lượng gió và cả năng lượng nước mưa rơi xuống thành điện, nhờ sử dụng vật liệu áp điện cho các tấm pin.
Vật liệu áp điện là loại vật liệu có khả năng sản sinh điện tích khi có lực cơ học tác động (rung, nén, vặn, xoắn…) lên bề mặt. Nói cách khác, thiết bị của Mendu có khả năng biến năng lượng dao động gây ra bởi gió và mưa rơi lên các tấm pin thành điện.
Mendu nảy ra ý tưởng chế tạo thiết bị này sau khi tới Ấn Độ và thấy rất nhiều người dân ở đây phải chịu cảnh sinh hoạt thiếu điện và nước sạch. Ban đầu, Mendu chỉ nghĩ cách thiết kế thiết bị khai thác năng lượng gió.
Sau khi vào chung kết cuộc thi Young Scientist Challenge, với sự trợ giúp của một cố vấn giàu kinh nghiệm, Mendu đã hoàn thành thiết kế cuối cùng có thể cùng lúc khai thác nhiều nguồn năng lượng với giá chỉ 5 USD.
Mendu cho biết em muốn nghiên cứu phát triển nguyên mẫu này sâu hơn, thử nghiệm nhiều hơn để có thể thương mại hóa sản phẩm một ngày không xa.
Xem thêm: Phòng nghiên cứu dành cho thiên tài tại MIT
Nguyễn Thành Minh