Hẳn nhiều người trong số chúng ta đã đọc cuốn "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Tác phẩm kể về quãng thời gian tuổi thơ của bốn nhân vật chính, với những tình huống hết sức ngô nghê và hài hước.
Đọc xong tác phẩm, người lớn chúng ta lại có mơ ước được trở lại tuổi thơ, thời đá bóng, đánh bi, nhảy dây hay chơi chuyền. Trong lúc bản thân đang ước ao được trở lại thời tuổi thơ đầy mộng mơ và đẹp đẽ ấy, thì chúng ta lại "cướp" đi tuổi thơ của chính con em mình
Tôi vẫn nhớ ngày xưa, cứ mỗi buổi chiều sau giờ tan trường, tôi và đám bạn lại cùng nhau đá bóng ở cánh đồng sau nhà đến tối mịt mới về. Bài tập lúc ấy cũng đơn giản, việc học hành không đến nỗi áp lực như bây giờ.
Mùa hè luôn là mùa vui chơi đúng nghĩa của đám con nít chúng tôi khi ấy, cả bọn như những con chim sổ lồng được tự do bay nhảy mà không phải lo nghĩ, bận tâm việc gì, ngoài chuyện ngày mai nên chơi trò gì cho mới.
Thế nhưng, giờ đây con em chúng ta liệu có thể có được một tuổi thơ như thế? Mùa hè đến, cứ mỗi sáng, các em phải thức dậy từ lúc 6h để vệ sinh, ăn uống cho kịp đến lớp lúc 6h30. 11h30 mới được về nhà, tranh thủ ăn cơm và nghỉ một lúc, rồi lại đi học thêm đến tận 7, 8h tối mới về.
Cơm tối xong, các em phải làm "một đống" bài tập mà thầy cô ra, để rồi gần khuya mới đi ngủ. Ngày nào cũng thế, ngày nào cũng vậy, lịch được lập trình sẵn và các em như những con rô bốt thực hiện theo chương trình đã cài sẵn đó.
Sau 9 tháng học mà tôi gọi là vất vả ở trường, ba tháng hè, các em cũng phải học thêm, dù thời gian học có bớt đi đôi chút. Mùa hè, đáng lẽ là mùa để các em nghỉ ngơi sau nhiều tháng học hành vất vả, thế nhưng cuối cùng, nó cũng bị đánh mất bởi yêu cầu của những bậc làm cha mẹ.
Người lớn, vì mong muốn các em giỏi hơn đã vô tình đánh cắp đi tuổi thơ của chúng. Tuổi thơ của các em bây giờ chỉ còn là học, học và học.
Liệu có bao giờ chúng ta đứng nhìn đứa con bé bỏng của mình, hằng đêm phải thức đến tận khuya để giải bài tập, mỗi sáng sớm phải gồng gánh trên lưng một chiếc ba lô nặng trĩu để đến trường?
Có bao giờ ta tự nghĩ, nếu chúng ta là các em, chúng ta có chịu nổi áp lực học như trên, hay chính người lớn chúng ta cũng phải than lên rằng “mệt mỏi”?
Dẫu biết rằng cha mẹ nào cũng thương con, đều muốn con mình trở nên giỏi giang. Tuy nhiên, cách làm ấy không những không tạo ra hiệu ứng tích cực, mà nó còn khiến các em ngày càng chán nản với việc học.
Hãy để các em có khung trời riêng của mình, tuổi thơ đùa vui bên chúng bạn, và những nụ cười xuất hiện trên môi, chứ không phải là suốt ngày vùi đầu trong con chữ, con mắt sau cặp kính cận lúc nào cũng nặng trĩu vì quá mệt mỏi và áp lực.
Tôi tự hỏi, với những đứa trẻ hiện tại, sau này khi lớn lên, chúng sẽ hồi tưởng về tuổi thơ của mình như thế nào, và liệu có bao nhiêu trong số ấy có thể nói lên câu: "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ"?
>> Xem thêm: Những đứa trẻ trên cao nguyên đá Hà Giang
'Hết giờ học thêm là cô đuổi chúng con ra khỏi nhà' |
Chia sẻ bài viết của bạn về đời sống, xã hội tại đây.