Một lần, tôi đến công ty của một anh bạn chơi và tư vấn cho anh việc bố trí sắp xếp lại văn phòng làm việc. Đến nơi, thấy anh mặc dù là giám đốc nhưng vẫn xúm vào dọn dẹp, rồi hò hét nhân viên làm việc, kê chỗ này, quét chỗ kia.
Tôi bảo, sao anh cứ phải hò hét thế. Anh cười, nói phải thế thì nhân viên mới làm việc.
Nay, ngồi nghĩ lại, thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng nói về thái độ lao động của người Việt Nam cũng như người nước ngoài, có nhiều ý kiến trái chiều, người khen dân mình cần cù chịu khó, người chê dân mình lười làm việc, người khen bên nước ngoài họ lao động rất chăm chỉ ….
Nhưng chung quy lại thì có lẽ kết luận chính xác nhất, như lời anh bạn của tôi nói “Bản chất con người là lười biếng”.
Nhớ ngày còn đi học, buổi tối nào tôi cũng phải làm bài tập, chuẩn bị cho các bài kiểm tra, kỳ thi … Lúc đó nhìn những bậc phụ huynh hay những người đi làm rồi thấy sao mà sung sướng thế, chỉ mong nhanh chóng ra trường có việc làm để tối có thể chơi thỏa thích.
Nay đi làm rồi, công việc nhiều áp lực, suốt ngày lo cơm áo gạo tiền, đi chơi, đi nghỉ mà điện thoại réo rắt cả ngày, đôi khi tôi cũng thấy nản, lại thèm được như thuở học sinh, sinh viên.
Công việc của tôi cũng hay phải tiếp xúc với nhiều người làm trong các cơ quan Nhà nước. Thỉnh thoảng ngồi nói chuyện, hỏi anh hay chị rằng nếu có dăm bảy tỷ đồng thì sẽ làm gì. Đa phần đều trả lời là gửi tiết kiệm, lấy số tiền lãi đó ăn và chơi, làm gì nhiều cho mệt.
Lại nhớ câu chuyện cách đây gần trăm năm của nhà văn Vũ Trọng Phụng viết về chuyến đi săn khỉ ở Bắc Cạn. Đoàn người đi xe ô tô, chuẩn bị súng săn, chó săn, rượu, bánh …, và được mô tả như lời nhà văn nói là "một cuộc đi săn vĩ đại". Nhưng khi đến rừng thì ai cũng lăn ra ăn, uống rồi say, rồi ngủ, rồi về, chẳng ai buồn nghĩ đến việc đi săn nữa.
Có thể kể ra rất nhiều những hành vi, thái độ thể hiện tính lười biếng của con người trong xã hội Việt Nam. Như việc nhiều người lao động có thể bỏ việc cả tuần để về mừng đám cưới một người bạn. Như những ngày xuân thì chơi hết tháng Giêng, ra đường thì đi ngược chiều để được nhanh hơn…
Theo tôi, chỉ có một cách duy nhất là nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng tự trọng của mỗi cá nhân trong cuộc sống của họ. Mỗi người phải bị ràng buộc vào những tiêu chuẩn, những quy định của xã hội, những quy tắc, chuẩn mực đạo đức.
Cách đây khá lâu, tôi có tham gia một khóa đào tạo kinh doanh của một công ty của Mỹ. Ông thầy giáo có nói rằng, trong cuộc sống cũng như trong công việc, các bạn nên tìm kiếm cộng sự, đối tác, nhân viên là những người làm việc có trách nhiệm chứ không cần những người làm việc chăm chỉ hay là quá giỏi giang.
Câu nói đó đã được tôi áp dụng trong suốt thời gian qua tuy đó không phải là việc dễ dàng làm ngay được mà cần có thời gian và công sức.
Khi bạn là người có trách nhiệm thì dù bạn không chăm chỉ lắm đâu, nhưng để hoàn thành công việc bạn phải làm hết mình trong một quỹ thời gian nhất định.
Khi bạn có trách nhiệm thì người lãnh đạo bạn hay công sự của bạn cũng không cần phải nhắc nhở bạn, thúc giục bạn làm việc vì tự thân bạn cộng với lòng tự trọng của bạn đã bắt bạn làm việc đó rồi.
Khi bạn có trách nhiệm thì vợ bạn không phải lo bạn chểnh mảng việc nhà, sa đà quán xá, bia bọt mỗi buổi chiều tan việc.
Và khi bạn đã là người sống có trách nhiệm thì mọi người sẽ tìm đến bạn, công việc sẽ tìm đến bạn và tiền bạc cũng sẽ tìm đến bạn.
Hạnh phúc là làm tròn trách nhiệm, làm tròn bổn phận. Cuộc sống dù khó khăn đến mấy, nhưng khi bạn đã làm tròn bổn phận và trách nhiệm thì bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc và thanh thản vô cùng.
Nguyễn Song Toàn
Chia sẻ bài viết của bạn về đời sống xã hội tại đây.