Bà Hillary Clinton hôm qua phải đột ngột ra về khi đang dự lễ kỷ niệm nạn nhân vụ khủng bố 11/9. Bác sĩ sau đó cho biết bà đã được chẩn đoán mắc bệnh viêm phổi từ hai ngày trước đó.
Theo WSJ, các nhà phân tích cho rằng sự chậm trễ trong việc công bố tình trạng sức khỏe có thể tiếp tục gây tổn hại đến uy tín của bà Clinton, khi ứng viên đảng Dân chủ vốn bị nghi ngờ không trung thực do bê bối sử dụng email cá nhân khi làm ngoại trưởng.
"Tôi không thể hiểu được hoạt động của đội ngũ hỗ trợ bà Clinton. Bạn phải thẳng thắn nói với mọi người điều gì xảy ra ngay lập tức", Ari Fleischer, thư ký báo chí Nhà Trắng dưới thời cựu tổng thống George W. Bush, nói. Nếu bạn làm điều đó, thì những việc này chẳng phải vấn đề lớn. Chúng chỉ trở thành vấn đề lớn nếu bạn không xử lý một cách trung thực".
Bà Clinton từng gặp một số vấn đề sức khỏe. Tháng 12/2012, bà bị chấn động não và ngất tại nhà. Tháng 1/2013, bác sĩ phát hiện bà bị tụ máu não. Một năm sau, bà khẳng định trong một cuộc phỏng vấn rằng bà đã bình phục hoàn toàn. Tháng 7/2015, bác sĩ riêng của bà đưa ra tuyên bố, nói rằng bà khỏe mạnh và hoàn toàn đủ điều kiện thể chất để trở thành tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên, trong vài năm qua, đã có nhiều thuyết âm mưu xoay quanh sức khỏe của bà trỗi dậy. Nhiều người phe bảo thủ suy đoán rằng bà vẫn có vấn đề về não, sau khi xuất hiện các video và hình ảnh cho thấy bà lắc đầu mạnh giống như bị co giật và cần người đỡ khi lên cầu thang.
Tận dụng cơ hội khi truyền thông bảo thủ liên tục lan truyền những thuyết âm mưu này, ông Trump hồi giữa tháng 8 đã nói: "Hillary Clinton thiếu sức khỏe thể chất và tinh thần để đối đầu với nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS), và tất cả đối thủ của chúng ta - không chỉ trong cuộc chiến chống khủng bố, mà cả trong thương mại và mọi thách thức khác".
Theo news.com.au, giáo sư Simon Jackman, giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Sydney, cho rằng đội ngũ của ông Trump sẽ sử dụng diễn biến mới nhất về sức khỏe của bà Clinton để "chính thống hóa" lập luận rằng bà đang che giấu điều gì đó. "Quả bóng đã trở lại sân nhà của ông Trump", ông Jackman nói.
Tom Switzer, cũng là chuyên gia tại Đại học Sydney, cho rằng hai sự kiện cuối tuần qua là trở ngại lớn cho bà Clinton. Ngoài vấn đề sức khỏe, bà Clinton còn gây tranh cãi vào hôm 9/9 khi nói rằng "một nửa số người ủng hộ ông Trump là đáng chỉ trích". Bà Clinton sau đó bày tỏ hối tiếc vì phát ngôn này.
Ông Switzer nói rằng các sự cố đã trao lợi thế cho các thuyết âm mưu cánh hữu về sức khỏe của bà Clinton.
"Vụ việc xảy ra khi bà bị ho liên tục tuần trước và sau khi bà bị chấn động não và tụ máu não khi còn là ngoại trưởng", ông nói.
Ông chỉ ra rằng đảng Dân chủ từng đặt ra nghi ngờ vì vấn đề sức khỏe của ông George W. Bush vào năm 2002, vì ông bị ngất sau khi nghẹn bánh. "Bà Clinton bây giờ là mục tiêu phản đòn của đảng Cộng hòa", ông đánh giá
Chiến thuật im lặng
Trong khi đó, Jennifer Lawless, giáo sư tại Đại học Mỹ ở Washington nhận xét căn bệnh đột ngột của bà Clinton là không phải là bước ngoặt trong cuộc đua vào Nhà Trắng: "Điều bà Clinton cần làm trong vài ngày tới là chứng minh sinh lực. Bà ấy phải có mặt ở nhiều sự kiện và tỏ ra năng động, mạnh mẽ", Lawless bình luận.
Tuy sự cố mới nhất mở cho ông Trump cánh cửa mới để tấn công đối thủ, ông vẫn im lặng. Tài khoản Twitter của tỷ phú chưa có bất cứ bài đăng nào về vấn đề này.
Một vài chiến lược gia cho rằng ông Trump, người thường xuyên gây tranh cãi vì sự thẳng thắn của mình, nên tiếp tục im lặng để tất cả sự tập trung của truyền thông chỉ hướng về những ngày cuối tuần trắc trở của bà Clinton. Họ cho rằng bản thân các sự cố đã đủ sốc và ông không cần phải nói gì thêm.
"Đội ngũ của bà Clinton không chuẩn bị trước cho khủng hoảng", Rob Stutzman, một chiến lược gia đảng Cộng hòa tại California, nhận xét. "Cứ kệ cho họ vật lộn giải quyết là đủ rồi".
Một số người cảnh báo nếu ông Trump cố gắng khai thác bệnh tình của bà Clinton, ông có thể hiện lên là người thô lỗ hoặc đưa bà Clinton vào thế nạn nhân và nhận được sự cảm thông của mọi người. Các chuyên gia cho rằng hai ứng viên, một người 68 và một người 70 tuổi, không nên sử dụng vấn đề sức khỏe của nhau như một cái búa công kích.
"Nếu đội ngũ của ông Trump cố gắng khai thác vấn đề sức khỏe của bà Clinton, họ có nguy cơ gậy ông đập lưng ông", chiến lược gia đảng Cộng hòa Jai Chabria, nhận xét.
Xem thêm: Thuyết âm mưu về sức khỏe của Hillary Clinton
Phương Vũ