Chiếc bình cổ La Mã. |
Susan Walker, nguyên phó giám đốc bộ phận cổ vật Hy Lạp và La Mã tại Bảo tàng Anh, tin rằng hình ảnh trên chiếc bình Portland có chạm trổ thuỷ tinh chứng tỏ Cleopatra đã quyến rũ Antony, trong khi thần tình ái và Anton, con trai của anh hùng Hercules, thì đứng nhìn. Dòng họ của Marc Antony vẫn tuyên bố họ là hậu duệ của Anton.
Nếu giả thuyết của Walker là đúng, thì chiếc bình sẽ bổ sung thêm vào một số ít những hình ảnh đã được biết tới về Cleopatra trong thế giới cổ xưa. Theo Lisa Schwappach-Shirriff, tại Bảo tàng Ai Cập Rosicrucian ở San Jose, California, hiện mới xác định được 7 bức tượng của Cleopatra. Tất cả được làm bằng đá, chứ không phải thuỷ tinh.
Trong buổi thuyết trình tháng trước tại Bảo tàng Anh, Walker đã khẳng định rằng chiếc bình thể hiện hình ảnh "cơ hội cuối cùng của Antony để gìn giữ danh tiếng La Mã của mình, trước khi sự quyến rũ của nữ hoàng Ai Cập trở nên không thể cưỡng lại đối với ông".
Sau thất bại tại cuộc chiến Actium (năm 31 trước Công nguyên), Antony tìm đến chỗ ở của Cleopatra ở Alexandria, tại đó ông nghe được tin đồn về cái chết của nàng. Antony liền tự sát và theo truyền thuyết, Cleopatra sau đó cũng tự kết liễu đời mình bằng nọc độc của rắn. Hình ảnh con rắn đã được minh hoạ quanh cơ thể người đàn bà trên chiếc bình.
Bảo tàng Anh đã gọi chiếc bình Portland là tạo vật chạm trổ thuỷ tinh nổi tiếng nhất từ đời xưa. Để tạo nên những hình chạm trổ, thợ thổi thuỷ tinh đã phải hoà thuỷ tinh đen vào thuỷ tinh trắng và sau khi để nguội, mài giũa nó để cho ra các hình hài.
Với kiểu chế tác như vậy nên rất khó xác định niên đại chiếc bình. Xác định bằng carbon thì không có tác dụng bởi nó cần những mẫu vật lấy từ động thực vật. Dùng phương pháp phát quang thì cũng không thành công, bởi nó chỉ dựa trên những vật thể được nung nóng ở nhiệt độ ít nhất 350 độ C. Các phương pháp khác thì cần mẫu vật mà có thể làm hỏng chiếc bình.
Hình ảnh trên chiếc bình cũng làm đau đầu các chuyên gia trong nhiều năm. Nguồn gốc của nó vẫn chưa được xác định. Người ta chỉ biết đến bình cổ này vào năm 1601 và do một hồng y giáo chủ Italy sở hữu. Tháng 8/2003, Jerome Eisenberg, thuộc tạp chí nghệ thuật và khảo cổ Minerva, tuyên bố chiếc bình được làm từ thế kỷ 16. Eisenberg cũng tin rằng hình ảnh trên đó mang phong cách Phục Hưng hơn là La Mã.
Nhưng Schwappach-Shirriff thì ủng hộ giả thuyết của Bảo tàng Anh về thời gian xuất xứ của chiếc bình. "Nghệ thuật chạm trổ kính La Mã chỉ phổ biến ở 2 giai đoạn chính là từ năm 27 trước Công nguyên đến 68 sau Công nguyên, và một quãng trong thế kỷ 4. Chúng thường rất đắt và được coi là những món đồ xa xỉ".
Schwappach-Shirriff cho rằng giả thuyết về hình ảnh trên chiếc bình của Walker là thú vị, đặc biệt khi những nghệ sĩ cổ điển thường muốn giấu đi danh tính và ý nghĩa trong các tác phẩm của mình. Tuy nhiên, do nguồn gốc của chiếc bình không được ghi chép rõ ràng, nên chưa thể khẳng định giả thuyết này là đúng hay sai.
"Tôi chưa thể nói đó là Antony và Cleopatra, cũng như tôi có thể khẳng định đây không phải là Caesar và Octavia".
Minh Thi (theo Discovery)