Mùa 1995, có sáu đội bóng phải đi vòng đấu chung kết ngược được tổ chức ở Đà Nẵng. Năm đội, trong đó có Bình Định, từ chối ra sân nhằm yêu cầu ban tổ chức phải điều tra tiêu cực. Vào phút chót, một trong năm đội là Thể Công đã chấp nhận thi đấu, qua đó được trụ hạng. Bình Định cùng Quảng Nam – Đà Nẵng, Sông Bé, Long An ngậm ngùi xuống hạng Nhất.
Đó là lần đầu tiên mà bóng đá đất võ phải xuống hạng. Họ là một trong những đội bóng đầu tiên được thành lập chỉ vài ngày sau khi Thống nhất đất nước. Ở giải vô địch quốc gia đầu tiên năm 1980, Công Nhân Nghĩa Bình là một trong 18 đội bóng tham dự, và họ chính là đội duy nhất của giải đấu ngày đó vẫn còn xuất hiện ở V-League hiện tại. Đến năm 1989, khi Nghĩa Bình tách thành hai tỉnh: Quãng Ngãi và Bình Định, đội bóng có "hộ khẩu" ở thành phố Quy Nhơn, cho đến biến cố năm 1989.
Sở dĩ phải nhắc đến sự kiện năm 1995, vì có một sự trùng hợp rất thú vị giữa Thể Công và Bình Định. Mùa 1998, khi Bình Định vừa quay trở lại với đỉnh cao (khi đó gọi là Giải đội mạnh toàn quốc), đó cũng là năm cuối cùng mà Thể Công vô địch quốc gia. Cùng năm đó, Bình Định, lần thứ hai xuống hạng. Đến mùa 2008, Bình Định lần thứ ba rời sân chơi đỉnh cao thì một năm sau đó, Thể Công chính thức "xóa sổ". Rồi đến năm 2020, khi các "hậu duệ Thể Công" là Viettel đoạt chức vô địch quốc gia, cũng là thời điểm Bình Định thăng hạng V-League. Người đưa họ trở lại với đỉnh cao, thật trùng hợp, lại là người của Thể Công trước đây: HLV Nguyễn Đức Thắng.
Một chút hồi ức về quá khứ để thấy phía sau một TopenLand Bình Định hiện nay là lịch sử rất đỗi tự hào, và cũng là một phần để lý giải vì sao đội bóng chủ sân Quy Nhơn lại có thể chơi thứ bóng đá đậm chất từng trải, cứ như thể họ quen hít thở không khí đỉnh cao lâu lắm rồi vậy. Không có quá khứ, hiện tại luôn chỉ là một bức tranh mờ nhạt. Lịch sử của bóng đá Bình Định thậm chí còn chứng kiến nhiều câu chuyện bi tráng. Ngoài ba lần phải xuống hạng, Bình Định cũng là đội bóng duy nhất của V-League rơi xuống tận cùng đáy sâu, khi vào năm 2014, chỉ vì không có tiền để đăng ký giải hạng Nhì, họ phải xuống đá tại giải hạng Ba, tức là giải đấu thấp nhất trong hệ thống bóng đá thuộc quản lý của LĐBĐ Việt Nam.
Nhưng cái trường đoạn bi kịch ấy, đã tạo nên thứ chất liệu rất đặc biệt để xây dựng nên các tượng đài trong bóng đá, mà chúng ta hay gọi là "truyền thống". CLB Hà Nội hùng mạnh nhất V-League vốn là đội bóng khởi đầu từ giải hạng Ba. ĐKVĐ Viettel cũng khởi đầu từ giải hạng Ba. Nhưng cả hai đội bóng nói trên, về lý thuyết đều được xây dựng mới, đương nhiên phải bắt đầu từ dưới đi lên. Nói như vậy để thấy "sức chịu đựng" và niềm đam mê bóng đá của người Bình Định lớn đến thế nào. 12 năm trời đằng đẵng, vượt qua phong ba, họ cũng đã có những ngày tháng đẹp ở vùng trời V-League. Đó là sự đền đáp của truyền thống.
Truyền thống cũng chính là lý do Tập đoàn Hưng Thịnh, với Chủ tịch là người Bình Định, ngay từ đầu đã quyết liệt trong việc mời gọi những người con Bình Định quay về với đội bóng. Từ huyền thoại Dương Ngọc Hùng, Nguyễn Văn Cường, Bùi Đoàn Quang Huy đến những người có tên tuổi Hồ Tấn Tài, Dương Thanh Hào. Cái duyên với bóng đá Thể Công cũng được tiếp nối với những cầu thủ được mượn từ Viettel. Trong tay HLV Nguyễn Đức Thắng không có quá nhiều ngôi sao, nhưng so với một đội bóng vừa thăng hạng, thì dàn cầu thủ dưới quyền của ông đủ chất lượng cho một cuộc hành trình dài, trước khi chờ đợi bóng đá Bình Định hồi sinh thực sự từ hệ thống đào tạo.
Nhưng đấy cũng chính là một dấu hỏi cho tương lai. Những bài học của Quảng Nam, An Giang, Đồng Tháp hay Đồng Nai, Cần Thơ, Kiên Giang, Khánh Hòa ... vẫn còn đấy. Khó khăn luôn ở phía trước những đội bóng tân binh, bao gồm các đội bóng "nhà giàu" như tại làng cầu TP HCM. Những đội "khách quen" của V-League đều có điểm chung là sở hữu được hệ thống đào tạo trẻ tốt, để có thể bổ sung lực lượng ngay cả khi gặp vấn đề về tài chính, không thể mua cầu thủ.
Hiện tại, khoảng cách giữa Topenland Bình Định và đội bét bảng Hà Tĩnh cũng chỉ là sáu điểm, nếu để thua trong cuộc đối đầu trực tiếp hôm nay 7/4, thì chỉ còn ba điểm. Vị trí và các thông số chuyên môn của đội chủ sân Quy Nhơn hiện nay vì vậy chưa thể an toàn. Với ba trận thắng sau bảy vòng, cơ hội vào tốp 6 tranh chức vô địch của họ đương nhiên không lớn khi cần phải thắng ít nhất ba trận nữa trong khi chỉ còn đúng ba trận sân nhà (gặp Viettel, Thanh Hóa, Than Quảng Ninh). Điều này buộc HLV Nguyễn Đức Thắng phải tính đến chuyện gom điểm an toàn để trong trường hợp rơi vào nhóm 8 đội trụ hạng thì cũng không phải khốn đốn.
Là người từng lèo lái đội Hà Nội B, đi từ hạng nhất lên V-League rồi trở thành Sài Gòn FC có danh có phận, HLV Nguyễn Đức Thắng có lẽ sẽ biết phải làm gì tốt nhất cho TopenLand Bình Định ở giai đoạn then chốt mùa giải này.
Mai Thương