"Khi từ khi VAR xuất hiện, tôi hoảng sợ mỗi khi phải đưa ra quyết định trên sân", kênh No Tippy Tappy Football dẫn lời Clattenburg hôm 17/2. "Tôi từng có thể đưa ra quyết định trong vòng một giây, nhưng mất khả năng này khi có VAR. Nhìn các trọng tài hiện tại, tôi cũng thấy họ sợ hãi khi đưa ra quyết định. Và nếu trọng tài chính không cắt còi, VAR cũng không can thiệp".
Clattenburg lấy ví dụ ở trận Chelsea hoà West Ham 1-1 ở vòng 23 Ngoại hạng Anh hôm 11/2, khi tiền vệ Tomas Soucek dùng tay chắn cú sút của Conor Gallagher trong cấm địa chủ nhà, nhưng trọng tài lẫn VAR đều không can thiệp để cho đội khách hưởng phạt đền. Ông cho rằng trọng tài chính không thổi phạt Soucek, vì thế VAR cũng chẳng để Chelsea hưởng phạt đền.
"VAR có thể nghĩ rằng trọng tài có quyền cao hơn nên họ ngại can thiệp và thay đổi quyết định", ông Clattenburg nói thêm. "Nếu ban đầu trọng tài chính thổi còi, VAR có thể sẽ ủng hộ quyết định và phạt đền West Ham. Không như thời của tôi, các trọng tài hiện ngại thổi còi hơn".
Clattenburg làm trọng tài ở Ngoại hạng Anh giai đoạn 2004-2017, từng cầm còi tại chung kết Champions League và Euro 2016. Sau khi rời Anh, ông làm việc ở Saudi Arabia, Trung Quốc và Ai Cập.
Trong một bài viết cho Daily Mail tháng 11/2022, Clattenburg cũng cho rằng các trọng tài ở Ngoại hạng Anh đang phụ thuộc quá nhiều vào VAR, và ông muốn họ chủ động hơn trong các tình huống trên sân.
VAR trở thành tâm điểm ở Ngoại hạng Anh vòng 23, khi trưởng ban trọng tài Howard Webb thừa nhận các cộng sự của ông đã mắc sai lầm khiến Brighton và Arsenal rơi điểm ở hai trận khác nhau. Ở Europa League tối 16/2, HLV Erik ten Hag lẫn Xavi đều phàn nàn rằng các trọng tài bỏ lỡ phạt đền của Man Utd và Barca.
Theo thống kê của Sun tháng 1/2022, tất cả 49 lần VAR can thiệp và gọi trọng tài ra ngoài đường biên xem lại tình huống ở Ngoại hạng Anh, người cầm còi đều thay đổi quyết định ban đầu.
Theo luật bóng đá, quyết định trong các tình huống cuối cùng luôn thuộc về trọng tài chính.
Hoàng An