CJD là viết tắt của Creutzfeldt - Jakob, một căn bệnh đã được phát hiện từ lâu (1910) nhưng rất hiếm gặp, lại thường chỉ xảy ra ở người cao tuổi nên ít được chú ý. Nhưng từ những năm 1990, bệnh này đã xảy ra cả ở những người trẻ tuổi và ngày càng nhiều.
Đây là một bệnh nan y, hiện chưa được tìm hiểu kỹ và chưa có thuốc chữa. Việc chẩn đoán bệnh cũng khó khăn, thậm chí nhiều khi người ta chỉ có thể xác định được qua phẫu thuật não của tử thi. Tuy nhiên, nếu chú ý theo dõi, ta vẫn có thể nghĩ đến bệnh này qua một số triệu chứng.
Biểu hiện thường gặp là dễ quên, rối loạn thị giác, mất dần khả năng giao tiếp, trầm cảm, dễ xúc động, hoang tưởng và chết ở trạng thái mất trí. Bệnh cảnh trên phản ánh não bị tổn thương do sự xuất hiện nhiều lỗ hổng.
CJD rất dễ bị nhầm với Alzheimer, một căn bệnh lú lẫn của người cao tuổi hiện còn nhiều điểm chưa thật rõ. Trong bệnh Alzheimer, trí nhớ của người bệnh cũng bị giảm sút nhanh chóng, khả năng nhận biết ngày một kém, tiến tới quên hết mọi chuyện và mất khả năng nhận biết. Bệnh Alzheimer chỉ xảy ra ở người cao tuổi, diễn biến kéo dài nhiều năm trong khi ở bệnh CJD thời kỳ bộc lộ triệu chứng chỉ trong mấy tháng. Thời gian ủ bệnh của CJD rất dài, có thể 15-25 năm, nhưng khi bệnh phát, chỉ 4-10 tháng sau bệnh nhân đã chết, không thuốc gì chữa được.
Mối liên quan giữa bệnh bò điên và bệnh "xốp não" ở người
Bệnh "bò điên" (Bovine Spongiform Encephalopathie, viết tắt là BSE) phát sinh từ nước Anh vào cuối thế kỷ 20, hiện cũng đã thấy xuất hiện ở một số nước khác. Mối lo bị lây bệnh từ thịt bò điên ám ảnh người tiêu dùng ngày một tăng, nhất là từ khi các nhà khoa học công bố đã phát hiện thấy sự liên quan giữa bệnh bò điên với bệnh CJD ở người.
Năm 1986, đã có gần 16 vạn con bò mắc bệnh bị giết, nhưng thịt của chúng vẫn được chế biến thành thịt hộp bán khắp nơi, mãi đến năm 1989 chính phủ Anh mới ra lệnh cấm hẳn. Vấn đề bò điên tạm lắng xuống cho đến năm 1994, khi dịch bò điên lại xuất hiện lớn hơn với 4,5 triệu con bò bị bệnh cùng với sự gia tăng bệnh "xốp não" CJD ở người tại Anh và một số nước Tây Âu.
Trước đây, các nhà khoa học Anh nói rằng bệnh bò điên không lây sang người. Nhưng công bố này không được người tiêu dùng chấp nhận vì trong thực tế, ở những nơi tiêu thụ thịt bò Anh đã có người mắc bệnh não nguy hiểm giống những con bò điên nước Anh. Sau khi các nhà khoa học xác nhận có sự liên quan giữa bệnh bò điên với bệnh CJD ở người và phát hiện 12 ca tử vong do CJD của thanh niên Anh, người dân châu Âu đã phát hoảng. Họ đấu tranh mạnh mẽ đòi các nhà cầm quyền không để thịt bò Anh quốc vượt biển Manche vào lục địa. Trước sự phản đối quyết liệt của người tiêu dùng, không chỉ các nước EU mà gần như cả châu Âu đã quyết định không nhập thịt bò của nước Anh cho đến khi giải quyết xong bệnh dịch. Sau vụ này, nhiều người dân châu Âu đâm ra sợ thịt bò, thậm chí có người còn tuyên bố sẽ đoạn tuyệt với thịt bò!
BS Hương Liên, Sức Khỏe & Đời Sống