Ngân hàng CIMB Việt Nam và Công ty Cổ phần Kinh doanh F88 vừa ký kết hợp tác chiến lược, với mục tiêu tạo ra sản phẩm mới cho thị trường tài chính tiêu dùng cá nhân. Hai bên kỳ vọng tùy chỉnh các dịch vụ cho vay đến những khu vực mà hệ thống tài chính, ngân hàng chưa phát triển, nhờ sự kết hợp sức mạnh của mỗi đơn vị.
Theo đó, CIMB và F88 sẽ đặt ra các tiêu chí cho sản phẩm cho vay mới với mức lãi suất ưu đãi và dễ dàng tiếp cận để hỗ trợ đối tượng khách hàng có nhu cầu vay vốn như sinh viên cũng như người lao động có thu nhập thấp.
Ông Thomson Fam Siew Kat - Tổng giám đốc ngân hàng CIMB Việt Nam cho biết, mục tiêu chính của hợp tác chiến lược này là cải thiện dịch vụ tín dụng hướng đến phân khúc dưới chuẩn ngân hàng, giúp người dân thu nhập thấp có khả năng tiếp cận nguồn tín dụng tài chính dễ hơn.
"Khách hàng sẽ nhận được các khoản vay lãi suất cạnh tranh do chi phí vốn từ ngân hàng thấp hơn trong khi phạm vi tiếp cận của F88 lại rộng hơn. Cùng với F88, chúng tôi mong muốn tận dụng thế mạnh từ cả hai phía để tập trung phát triển đáp ứng yêu cầu tín dụng của các phân khúc thấp trong xã hội khi nền kinh tế đang dần phục hồi trở lại sau đại dịch", ông Thomson Fam Siew Kat nói thêm.
"Hợp tác với CIMB lần này cũng thể hiện những cam kết và nỗ lực của F88 trong việc thúc đẩy sự đổi mới, số hóa thị trường cho vay nhằm hỗ trợ người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn và đạt được những mục tiêu tài chính của mình", ông Phùng Anh Tuấn - CEO F88 chia sẻ.
Covid-19 khiến thu nhập của người dân, đặc biệt với nhóm người có thu nhập thấp suy giảm. Trong bối cảnh này, việc đẩy mạnh các hình thức cho vay tiêu dùng là giải pháp. So với các nước trong khu vực, tỷ trọng tín dụng tiêu dùng của Việt Nam chưa cao.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng đến giữa tháng 11/2021 đạt gần 2 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2020 và tăng hơn 10 lần dư nợ cuối năm 2010. Trong đó, tỷ trọng dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng đã tăng từ 8,17% lên 19,6% trong tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo một số quy định cho vay, các ngân hàng chưa thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu vay tiêu dùng của người dân. Muốn tiếp cận nguồn vốn này, người dân cần phải chứng minh năng lực tài chính hoặc có tài sản đảm bảo để thế chấp. Đây là điều kiện khó với những người có thu nhập thấp, không có công việc ổn định.
Một giải pháp khác cho bài toán vay tiêu dùng là các công ty tài chính. Những người dân cũng dè chừng trong việc tiếp cận các sản phẩm này, xuất phát từ những vấn đề thiếu minh bạch trong thủ tục. Đây là tâm lý hiển nhiên. Do đó, khi có nhu cầu, người dân cần tìm đến những tổ chức tài chính được cấp phép, hoạt động minh bạch, đồng thời tìm hiểu kỹ gói vay cũng như cân nhắc các điều khoản.
Tuệ An