Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc Cienco 4, cho hay đơn vị đã có kinh nghiệm tham gia nhiều công trình giao thông lớn nên cam kết huy động đủ nguồn lực và đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Trong hồ sơ ứng tuyển, Cienco 4 cho biết đã tham gia một số gói thầu như thi công 3.048 m đường cất hạ cánh, 951 m đường lăn trị giá 1.283 tỷ đồng tại sân bay Cam Ranh; gói thầu thi công đường lăn và sân đỗ máy bay, lắp đặt hệ thống chiếu sáng sân bay Phú Quốc trị giá 874 tỷ đồng...
Theo ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long, đơn vị đã nhận được đề nghị sửa chữa đường băng của Cienco 4 và một số doanh nghiệp giao thông khác, Ban quản lý dự án đang kiểm tra năng lực của các nhà thầu để trình Bộ Giao thông Vận tải quyết định.
Đại diện Cục trưởng Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, nhà thầu tham gia dự án đường băng Tân Sơn Nhất, Nội Bài phải đáp ứng điều kiện về năng lực theo quy định. Ngoài ra, nhà thầu phải có kinh nghiệp thi công các gói thầu về đường cất hạ cánh, hoàn thành tối thiểu một hợp đồng xây dựng sân bay cấp đặc biệt hoặc 2 công trình sân bay cấp I, với giá trị của hợp đồng lớn hơn 50% giá trị gói thầu đang xét.
Dự kiến, danh sách nhà thầu xây lắp tham gia 2 dự án nâng cấp đường băng sẽ được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt trước ngày 5/6, công tác giao thầu sẽ hoàn thành trước ngày 15/6.
Từ năm 2017, chỉ số mặt đường băng 25R/07L tại Tân Sơn Nhất là 48 - mức độ xấu. Theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), chỉ số 40-55 là cần phải cải tạo, nâng cấp. Đường băng 1B (11R/29L) tại Nội Bài cũng thường xuyên bị bong bật, vỡ nứt...
Dự kiến việc sửa chữa đường băng tại sân bay Nội Bài cần 2.296 tỷ đồng, còn ở Tân Sơn Nhất là 2.058 tỷ đồng, đều từ vốn ngân sách.
Đầu tuần qua, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm về việc tổ chức quản lý và được giao thầu, từ giai đoạn lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng cho đến giai đoạn hoàn thành, do tính cấp bách của các dự án sửa chữa, nâng cấp đường băng Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Việc giao thầu giúp Bộ Giao thông Vận tải rút ngắn thời gian chọn nhà thầu thi công. Thay vì khởi công vào tháng 12 như các dự án thông thường, hai dự án này có thể khởi công vào cuối tháng 6 và hoàn thành sau 18-21 tháng.
Theo Bộ Giao thông Vân tải, thời điểm khởi công cuối tháng 6 là cần thiết vì tần suất khai thác các chuyến bay tại 2 cảng hàng không trên đang thấp do ảnh hưởng của Covid-19. Sau khi hết dịch, nhu cầu đi lại tăng theo, việc đóng cửa đường cất hạ cánh để thực hiện cải tạo, nâng cấp sẽ càng thêm khó khăn.