Lái xe chở gia đình từ TP HCM đi Huế và ngược lại, tôi thực hiện nhiều lần, nhưng kỳ nghỉ lễ 30/4 dài ngày vừa qua quả thật đáng nhớ. Với lịch trình chuẩn bị từ trước nên cứ thoải mái ôm vô-lăng lên đường. Do thời gian lái xe suốt toàn tuyến đường gần 2.500 km nên có nhiều chuyện muốn tản mạn đôi điều.
Chuyện cao tốc
Lần này mình chọn tuyến cao tốc Long Thành – Dầu Giây để tránh tuyến quốc lộ 1A đông đúc khi chạy ngang qua Biên Hòa. Sau chặng đường nhàng nhàng trong phố, cuối cùng cũng tới đường dẫn lên cao tốc.
Với tốc độ trung bình khoảng 110 km/h trên cao tốc chỉ mất đúng 1,5 giờ để dừng chân ăn sáng tại Long Khánh. Nếu như qua quốc lộ 1A thì thời gian trung bình phải mất tầm 3 giờ cho toàn tuyến, mất nhiều thời gian vì dòng xe phải xếp hàng, chờ đợi qua các ngã tư khác nhau.
Với mấy chục km đường cao tốc mới đẹp, chạy giữa cánh rừng cao su cho ta cảm giác phấn khích. Với tốc độ cao nhất 120 km/h, cả người và xe như thăng hoa. Dừng chân tại trạm thu phí, mình “đứng hình” khoảng vài giây khi cô gái hỏi xin tý rác trên xe nếu có!
Đúng là cao tốc, tốn 100.000 đồng cho 2 trạm thu phí tính ra cũng thấy xứng đáng dù rằng những 2.000 đồng/km, cao gấp đôi so với cao tốc HCM - Trung Lương.
Chuyến về cũng khá thú vị vì ngày cuối cùng của lễ nên xe gia đình từ các tỉnh miền ngoài đổ về khá đông. Có lẽ do bị “kìm hãm” khi chạy trên quốc lộ hay sao mà vào cao tốc, các xe đều tăng tốc lên 100-120 km/h. Đường cao tốc 2 làn xe mỗi chiều nên vấn để vượt xe không quá khó. Khái niệm vượt phải không tồn tại trên cung đường này mà suốt thời gian qua mọi người vẫn tranh luận.
Quan sát, xi-nhan, chuyển làn, ổn định hướng rồi tăng tốc và thế là “em ơi vút lên một tiếng đàn”! Bỏ lại sau lưng em Civic, anh Camry, nhỏ Focus, mình cảm thấy khoái khi tưởng tượng rằng tài xế trố mắt ngạc nhiên nhìn chiếc xe cỏ 1.5 lướt qua nhẹ nhàng.
Tốc độ 120 km/h với 3 xe trên là chuyện nhỏ, tuy nhiên dám chạy và chạy suốt tuyến cao tốc thì là chuyện khác với mỗi bác tài đang điều khiển chúng. Chạy xe trên phố “trắng đen lẫn lộn” trừ ngoại thất bên ngoài để phân biệt, chứ lên cao tốc hoặc chạy tuyến dài trên đường trường thì có thể phân biệt đẳng cấp rõ ràng.
Nếu so sánh theo xuất xứ thì xe Đức, xe Mỹ thể hiện ưu thế rõ rệt, chạy đầm, an toàn và rất mượt mà khi tăng tốc nhất là ở tốc độ cao. Xe nhập cũng tỏ ưu thế rõ rệt, riêng mấy anh lắp ráp trong nước dù là Mỹ, Nhật hay Hàn thì “đuối” hẳn.
Nếu so sánh theo dạng mới và cũ thì rõ ràng xe mới luôn ở tốc độ cao vì một phần muốn thể hiện sức mạnh, một phần vì an tâm với sự an toàn của xe. Còn xe cũ thì chạy tốc độ vừa phải có lẽ một phần vì không thích thể hiện nhưng nhiều hơn là không an tâm về tính an toàn với “cơ bắp” đang bị lão hóa theo thời gian khi chạy với tốc độ cao liên tục.
Xe nào cũng là xe, cũng làm từ sắt, thép, nhôm, nhựa, nỉ... mà ra. Chúng có một đặc điểm chung là có thời hạn sử dụng giống nhau trong cùng một môi trường và hoàn cảnh. Còn lại thì "của bền tại người" vậy thôi.
Thế giới ngày càng phẳng thì công nghệ lại càng gần nhau hơn. Tiện nghi và đổi mới càng nhiều thì hạn sử dụng của chủ xe lại càng ngắn lại do lỗi mốt hay công nghệ như điện thoại smartphone hiện nay. Mua một xe cũ tầm 5-7 năm trở lên dù là của Đức, Mỹ, Nhật, Hàn lọai nào đi chăng nữa thì cũng sẽ chẳng bao giờ bằng xe mới cả trừ phi bạn muốn "lái máy bay bà già" và làm anh “nô bộc trẻ”.
Nói tóm lại có điều kiện thì cứ xe Đức mà mua, còn lại thì Mỹ, Nhật hay Hàn đều tốt cả. Xe Đức, Mỹ chạy đầm vì xác nặng nhưng hơi tốn xăng. Xe Nhật lại nhẹ, bền, tiết kiệm nhiên liệu, mua đi bán lại giá tốt, sửa chữa thuận tiện, phụ tùng đầy đủ chỉ có điều giá cao so với đối thủ cùng loại dù là Mỹ hay Hàn.
Xe Hàn thì đẹp, mẫu mã đa dạng, option đầy đủ và giá rẻ hơn từ 100-200 triệu cùng loại so với Nhật, chỉ có điều thương hiệu chưa phổ biến. Bạn thích loại nào thì mua loại đó chạy trong vòng 10 năm thì khỏi lăn tăn. Xe trên 10 năm thì nên đổi vì công nghệ, vì mẫu mà và quan trọng là vì sự an toàn khi đi đường dài. Xe cũ dù tốt mấy thì cũng chẳng bao giờ an toàn bằng xe mới nhé!
>> Đọc tiếp 'Chuyện quốc lộ 1A'
Ngô Vĩnh Yên