Làm phim về động vật, các đạo diễn thường tìm hiểu khá kỹ về nguồn "diễn viên". Chẳng hạn ở Gia Lâm - Hà Nội có bán rất nhiều dế, giá cả hợp lý lại đẹp mã. Tuy nhiên, đôi khi sự lựa chọn cuối cùng lại nằm ngoài dự tính. Đạo diễn Trương Dũng từng hai lần ngậm ngùi vì... con thú. Hình dung ban đầu của anh khi làm phim Gấu cổ trắng là nhất thiết phải là một chú gấu đẹp và... to để gây ấn tượng. Sau nhiều lần cất công tìm kiếm không thành, anh đành bằng lòng với "diễn viên" chỉ... nhỉnh hơn chú chó nhỏ! Lẽ ra con heo mọi trong phim Chuyện của lính phải là heo rừng "xịn". Cả đoàn làm phim đã suýt ăn mừng vì mượn được một con heo rừng rất ưng ý tại một đồn biên phòng. Nhưng do con heo hôi quá, ai đó trong đoàn nảy ra sáng kiến: xịt cho cu cậu chút nước hoa để át mùi. Ai dè con heo lại không quen với cảnh thơm tho, bị dị ứng và… chết ngạt! Bất đắc dĩ, đạo diễn phải nhờ đến tài "phù phép" của nhân viên hoá trang để biến heo nhà thành heo rừng.
![]() |
Chú heo trong phim "Chuyện của lính". |
Chú khỉ Tề Thiên dù có chăm chỉ đến mấy nhưng cứ đúng 11h trưa là ngủ, 4h30 chiều là nhảy tót lên ôtô đòi về. May ra chỉ có đạo diễn Quang Đại là thuyết phục được khỉ ta quay lại làm thêm mấy đúp nữa.
Diễn viên Thanh Thuý có lần bị mắng oan vì không nín được cười khi đang diễn một cảnh thương tâm, đầy xúc động. Bởi "bạn diễn" - con chó Phèn - cứ gà gật, không sao ngẩng đầu lên được... Nghe cô phân trần: "Nó cứ ngủ hoài!", đạo diễn mới thông cảm. Cũng tại hôm đó quay khuya quá, chú chó được nằm trên mảnh sân quen thuộc, lại có một bàn tay dịu dàng vỗ về nên quên cả vai trò diễn viên của mình.
Đoàn làm phim Gấu cổ trắng có lần phải chuyển máy móc, thiết bị xuống một con thác để quay. Tuy vất vả nhưng mọi việc diễn ra khá trôi chảy cho đến khi phải chuyển gấu xuống. Được chừng nửa đường, chú gấu đã sinh lười, cứ ôm riết lấy một gốc cây không chịu đi. Mọi người dùng kế, lấy mật ong dụ. Quả nhiên, gấu ta ăn mật xong là buông ngay gốc cây ra và… lăn ra ngủ đến tận chiều. Chủ nhiệm phim được phen "méo mặt" vì tiếc... thời gian.
Đạo diễn Hoàng Trần Doãn khi quay Chú dế nhỏ tội nghiệp đã có sẵn vài "diễn viên"... khá bắt mắt. Phần diễn xuất của các chú dế cũng không có gì quá phức tạp: chỉ việc phát huy đúng sở trường "đấu đá". Song điều đạo diễn không lường trước được là bộ phim quay vào tháng 8, tháng 9 - thời điểm dế làm tổ, chỉ ra ngoài trời chừng 15-20 phút là chết. Vì diễn viên... đoản mệnh quá nên quân số ban đầu chỉ có dăm ba con dế, sau tăng đến cả trăm con được ních đầy trong các hộp nhựa. Thành thử, chú dế trong phim lúc to lúc nhỏ khá thất thường!
Không thể áp đặt một lối diễn xuất, một kịch bản chặt chẽ cho những diễn viên động vật, ngay cả với khỉ - vốn thừa khả năng bắt chước. Vì thế các đạo diễn thường bỏ nhiều thời gian, công sức để tìm hiểu bản năng của từng "diễn viên" để đưa được những hình ảnh tự nhiên nhất lên phim. Đạo diễn Trương Dũng đã làm 3 phim với các con thú và kinh nghiệm của anh là: dùng thức ăn mà động vật đó ưa thích hoặc bản năng để đưa chúng vào vai. Chẳng hạn mật ong có thể khiến cho chú gấu thể hiện rất đạt cảnh cố thoát ra khỏi cửa sổ để tìm về với bố. Muốn yêu cầu chú chó "diễn" cảnh đào hang chuột, thì làm một hang giả, chôn kèm theo một khúc cá thật thơm kiểu gì chú ta cũng tích cực đào. Với chú heo mọi thì cứ cho nhịn thật đói thì bảo gì cũng nghe. Có điều, vì heo vốn là giống phàm ăn nên để cho nó diễn cho ra cảnh chán ăn thì đạo diễn phải hiểu được tính nết mà bôi vào máng ăn ít dầu luyn. Với những cảnh khó, đạo diễn phải can thiệp sâu hơn như cho khỉ uống rượu để có dáng đi loạng choạng. Hoặc để có hình ảnh như ý, đoàn làm phim Con chó Phèn cũng phải dùng tới 2 con chó, một con chuyên để quay những cảnh chạy nhảy, một con chỉ đóng lúc nằm, ngồi.
(Theo VTV)