Minh Vượng đánh bài cùn trong một chuyến đi lưu diễn xa. Đoạn đường vắng vẻ, xe của đoàn tự dưng dở chứng đứng im. Không có cách nào khác, Minh Vượng và mọi người đành vác loa, bật đài hết công suất rồi đứng ra giữa đường nhảy múa. Gặp được các “vị cứu tinh” đi ngang qua, Minh Vượng không ngần ngại gọi loa thông báo “nhờ mọi người xuống ủn giúp Minh Vượng chiếc xe”.
Vân Dung: "Khổ nhưng vui"
Từng nhiều lần đến Lào Cai, nhưng đau nhừ xương thì phải kể những lần đoàn lên Mèo Vạc, Đồng Văn. Đèo dốc quanh co, núi cao chất ngất, chú ngựa sắt của chị còn đuối sức không thể đi tiếp chứ đừng nói con người. Có những bản đi ôtô không được, chuyển sang xe ôm rồi xe ngựa cũng không xong, cuối cùng cả đoàn phải đi bộ mất hơn 3 km mới vào tới nơi. Diễn xong quay ra huyện nghỉ ngơi thì cũng đã gần 4h sáng.
Ấy vậy mà khi bán vé, cả đoàn được trận cười chảy nước mắt. Giá vé ban đầu 10 nghìn đồng hạ dần xuống 8 nghìn đồng, 5 nghìn đồng, 2 nghìn đồng, 1 nghìn đồng, cuối cùng còn 5 trăm đồng mà vẫn không ai mua. Dân bản kéo nhau đứng vây kín ở bên ngoài, chẳng ai nhúc nhích. Bỗng nhiêu sau đó một giọng nói cất lên: "Không bán vé thì chúng tôi mới vào".
Còn có những hôm vé đã được phát đi thì trời mưa bão rất lớn. Vậy mà khi nói với bà con trả vé lại, không ai đồng ý, họ cứ ngồi lỳ ở nơi diễn. Cuối cùng tất cả căng áo mưa ra che, 4 người cầm 4 góc ngồi xem. Diễn viên mặc áo mưa để diễn, nhưng diễn xong vẫn ướt như chuột.
Một lần Thảo Vân, Công Lý, Vân Dung và Quang Thắng diễn ở Hà Tây. Khán giả chen chúc nhau đông quá khiến sân khấu không còn chỗ đứng. Lúc ở dưới nhốn nháo, mọi người sợ quá hô nhau chạy. Kết quả Vân Dung ngã vào chuồng heo, còn Quang Thắng cắm đầu bụi chuối.
Nghệ sĩ Vân Dung. Ảnh: Điện Ảnh Kịch Trường. |
Văn Hiệp chạy sô
Nghệ sĩ Văn Hiệp tuổi đã cao, sức cũng gần cạn vậy mà chạy sô vẫn còn hăm hở lắm. Ông bảo, già rồi, con cái cũng đã lớn, làm bạn với sân khấu, với vai diễn cũng là niềm vui khuây khỏa tuổi già của ông. Ông kể lại: có lần đi diễn dưới Hải Phòng, đang lúi húi chui vào một góc để thoả cơn nhớ thuốc lào, tự dưng ở đâu có chàng thanh niên cao lớn đến mời ông đi uống bia. Vừa từ chối, ông đã bị “xốc” thẳng đến quán bia gần đó.
Vì hâm mộ Văn Hiệp quá, chàng thanh niên phải bán cả nhẫn để chiêu đãi ông. Nhiều lần đi diễn về ông cứ phải trốn như đi trốn trại. Ông thanh minh lý do vì mình tuổi cao sức yếu, cả buổi diễn đã mệt nếu ra ngoài chỉ cần vài cái bắt tay thôi cũng đủ ốm. Ông bảo mình chỉ cần những cử chỉ nhỏ cũng đủ thấy vui lắm rồi.
Văn Hiệp vừa kể vừa tự hào, có lần đi diễn ở nông thôn, khi vừa kết thúc có người chạy lên tặng bó hoa rồi nói thầm: “Trong hoa có tiền, bác cầm khéo không rơi nhé”. Rồi một lần có thằng bé ăn xin đang định xin tiền thì nhận ra Văn Hiệp, nó liền bảo: “Bác đợi cháu một lát nhé”. Lúc sau nó chạy lại cầm đưa cho ông một gói thuốc lào. "Cử chỉ rất nhỏ nhưng nó đủ làm tôi nhớ mãi và thấy thật hạnh phúc".
Kỷ niệm nhớ đời của "bầu sô" Quang Thắng
Lần đầu tiên trong đời Quang Thắng làm bầu sô, cũng là lần cuối cùng. Một người bạn thân nói khó nhờ anh làm giúp chương trình cho tập thể cán bộ công nhân viên của một công ty dưới Quảng Ninh. Nể quá anh đành nhận lời, nhưng không hiểu sao vận bầu sô của Quang Thắng lại đen đến vậy.
Giới thiệu sẽ có sự xuất hiện của một diễn viên nổi tiếng, vậy mà hẹn đến từ 7h, rồi 8h, 9h, 9h30, 10h đêm, Quang Thắng vẫn không thấy tăm hơi diễn viên đó đâu, điện thoại thì không liên lạc được.
Nghệ sĩ Quang Thắng. Ảnh: Điện Ảnh Kịch Trường. |
Khổ nỗi khán giả quá nhiệt tình, họ vẫn chờ cho đến khi hết những nhân vật đã giới thiệu mới thôi. Không còn cách nào khác, Quang Thắng đành cố gắng “còn nước còn tát”. Cũng may lúc đó điện thoại của cô diễn viên đã liên lạc được.
Khi nghe thấy chỉ còn 1 km nữa là cô tới, Quang Thắng sốt ruột không chịu được nên chạy một mạch ra đón. Nhưng chạy đến hơn 3 km vẫn chẳng thấy tăm hơi đâu. Chạy thêm cây số nữa, anh mới gặp được “vị cứu tinh” trễ giờ. Trở về, không ai nhận ra Quang Thắng: đầu tóc dựng ngược, mặt mũi, quần áo đen tuyền một màu than.
(Theo Điện Ảnh Kịch Trường)