Cô gái 25 tuổi đang trong giai đoạn cách ly bắt buộc 14 ngày ở Trường quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô (Sơn Tây) cùng hơn 800 người trở về từ tâm dịch Đà Nẵng, cách nhà chỉ 5 km. Hoạt muốn gọi điện thoại để gặp bố, nhưng sợ ông đang ngủ, đành thôi. Cô trằn trọc, rồi thiếp đi sau hai đêm liên tiếp mất ngủ khi nghe tin bố trở nặng vì ung thư phổi, bệnh viện đã trả về.
Nhưng chỉ hai tiếng sau tin nhắn ấy, rạng sáng 16/8, bố Hoạt, ông Đỗ Văn Thụy qua đời ở tuổi 53. Hầu như mọi người ở tầng ba khu cách ly đều tỉnh giấc vì tiếng khóc của cô gái mất cha.
Hoạt xin cán bộ phụ trách được về chịu tang, nhưng quy định không thể làm khác. 16h cùng ngày, Ban giám hiệu Trường quân sự lập một bàn thờ trên tầng 5 để Hoạt thắp hương cúng bố ba ngày. Nhà trường cũng cử đoàn mang vòng hoa, đến viếng tại nhà riêng ở xã Kim Sơn.
Hoạt nhớ chỉ còn một tháng nữa là sinh nhật bố bước sang tuổi 54. "Bệnh ung thư phổi diễn tiến quá nhanh, đau đớn nhất là tôi không được ở bên ông những phút cuối cùng", cô vẫn khóc khi nói về biến cố gia đình. Chiều hôm trước, gọi điện về thấy sắc mặt bố rất kém, cô muốn xin về nhà nhưng ông gạt đi "Ở lại cách ly đủ ngày, an toàn rồi về. Bố vẫn ổn, đừng lo". Cô gái không biết, đó là lần cuối cùng được nhìn thấy cha.
Cuối tháng 3, ông Thụy thấy mệt, sụt gần 3 kg sau khi sửa sang lại căn bếp. Cùng thời điểm, Hoạt trở về nước sau ba năm học thạc sĩ tại Đại học Rennens I (Pháp). Cô về đúng lúc Hà Nội ghi nhận "ca bệnh số 17" ở Trúc Bạch và châu Âu chao đảo bởi sự chủ quan trước Covid-19. Cô buộc phải cách ly tại nhà hơn nửa tháng, dưới sự giám sát của chính quyền địa phương.
Cuối tháng 6, thấy sức khoẻ của bố ổn định, Hoạt quay lại Đà Nẵng thực tập trong một công ty về công nghệ. Hơn một tháng sau, cô nhận được tin nhắn của mẹ: "Bố con yếu" khi đang mắc kẹt trong Đà Nẵng vì dịch tái bùng phát. Không có con đường chính thức nào rời Đà Nẵng vào thời điểm đó, cô gái đành chờ chuyến bay "giải cứu" vào ngày 12/8.
Những ngày chịu tang bố trong khu cách ly, Hoạt thấy may mắn khi đã về đến quê nhà. Nếu còn trong Đà Nẵng, cô không biết sẽ phải chịu đựng nỗi đau một mình ra sao. Nhiều người trong khu cách ly biết tin đã đến phúng viếng, chia buồn. Những người phụ nữ cùng phòng 306 viết bài khấn, hướng dẫn Hoạt đọc mỗi lần thắp hương. Mỗi bữa, cậu bé Lâm, 7 tuổi, ở cùng phòng cách ly mang thức ăn lên "cho chị Hoạt cúng bố", rồi hai chị em ăn cơm với nhau.
Covid-19 khiến nhiều gia đình "sinh ly tử biệt", không được nhìn nhau lần cuối, nhưng đại dịch cũng là lúc nhiều người nhận ra mình cần dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, người thân.
Khu cách ly nằm bên cánh đồng, xa dân cư. Khoảng sân rộng hơn 4.000 m2 giữa hai dãy nhà năm tầng biến thành công viên thu nhỏ mỗi buổi chiều và tối.
Kết thúc công việc trên máy tính sau 17h, anh Nguyễn Xuân Tập (Bắc Ninh) dẫn hai cậu con trai Bách (7 tuổi) và Tôm (4 tuổi) đi bắt cào cào, muồm muỗm quanh bãi cỏ trong khu cách ly. Trò này bọn trẻ chưa từng được chơi trong mùa hè trước. Tiên Du nơi chúng sống, các khu công nghiệp đã mọc lên thay thế gần hết các cánh đồng.
Hai con trai nhà Tập nhanh chóng có thêm bạn mới là Bin, 6 tuổi và Su, 5 tuổi ở cùng phòng. Lũ trẻ thường kéo nhau xuống sân chơi đuổi bắt, mặt mũi đỏ bừng sau lớp khẩu trang và chỉ chịu trở về tắm rửa, ăn cơm sau nhiều lần bố mẹ giục.
"Tất nhiên sẽ không thoải mái bằng ở nhà, còn lại mọi thứ khá ổn", anh Tập nói về điều kiện ăn ở trong khu cách ly.
Người đàn ông 34 tuổi, quản lý sản xuất một công ty ở khu công nghiệp Tiên Du cũng có nhiều thời gian cho bản thân. Để bọn trẻ tự chơi với nhau, anh quay sang đánh bóng, đá cầu với đám thanh niên khu cách ly. Vợ Tập kinh doanh hải sản ở Hà Nội, sáng đi tối về, thời gian này cũng rời xa những con số, toàn tâm chăm sóc con gái út 16 tháng tuổi.
Một tháng mắc kẹt vì dịch bệnh, cũng là lúc bố mẹ anh ở bên nhau nhiều nhất trong mười năm qua. Ông bà đều trên 60 tuổi, quê gốc Thái Bình. Hai con trai lập nghiệp và sống ở Bắc Ninh. Mười năm trước, mẹ Tập lên Tiên Du ở với vợ chồng anh, trông cháu cho các con đi làm, để mình ông ở quê chăm lo vườn tược. Năm 2018, ông cũng lên ở với gia đình con trai cả trên TP Bắc Ninh. Cách vài tuần, ông bà mới được gặp nhau khi hai gia đình con trai tụ họp.
Những buổi chiều thấy bố mẹ đeo khẩu trang, đi dạo quanh sân, Tập nghĩ sẽ bàn với anh trai, cố gắng họp mặt gia đình nhiều hơn để ông bà được ở bên nhau. Bởi dẫu gì "con chăm cha cũng không bằng bà chăm ông".
Chuyến du lịch bốn ngày của đại gia đình 11 người đã bất đắc dĩ kéo dài một tháng. Cùng nhau vượt qua đại dịch lần thứ hai, với họ "không hẳn là kỷ niệm vui, nhưng cũng không quá tệ. Điều quan trọng nhất là cả nhà vẫn an toàn". Kết thúc kỳ cách ly, vợ chồng anh cũng vừa kịp chuẩn bị quần áo, sách vở cho hai đứa trẻ vào năm học mới.
Tập cũng như nhiều du khách khác, nói rằng chắc chắn sẽ quay trở lại Đà Nẵng khi hết dịch. Những ngày mắc kẹt, anh đã nhận được quá nhiều sự giúp đỡ của người dân phố biển, từ chủ khách sạn cho ở miễn phí, đến các nhân viên du lịch hướng dẫn mọi thủ tục để cả gia đình rời khỏi tâm dịch.
Những ngày cuối trong kỳ cách ly, Hoạt xuống sân đi bộ mỗi buổi chiều. Trong tháng Vu Lan, có thêm chiếc băng tang màu đen gài trên ngực áo. Cô không khóc nữa, vì sợ nghĩ nhiều sút cân, mẹ sẽ đau lòng. Chiều 26/8, rời khu cách ly, Hoạt ra thẳng mộ thắp hương cho bố. Điều cô nuối tiếc nhất là không được đưa bố sang Pháp, chứng kiến lễ tốt nghiệp, nhận bằng của con gái vào cuối năm nay.
Ảnh: 'Mùa hè đặc biệt' trong khu cách ly
Hoàng Phương