Chị thở dài, đã định không nhấc máy, nhưng tiếng chuông cứ như xói vào tai. Ở đầu dây bên kia, Quân dịu dàng với cái giọng hơi the thé: Em yêu, đêm nay em mặc váy ngủ màu gì? Anh rất nhớ em, nhớ muốn phát điên, một tháng xa nhau mà ngỡ như cả năm trời. Chiều nay anh về, có rất nhiều quà cho hai mẹ con, hai mẹ con em sẽ bất ngờ lắm...
Quân còn nói nữa nhưng chị bảo: Sao mà anh hay nhắc chuyện quà thế nhỉ, mệt quá, rồi cúp máy... Bất giác, chị cảm thấy rất ngột ngạt, đầu đau nhức. Khó chịu thật, quái quỷ. Trời oi nồng như sắp giông, không khí cứ đặc quánh lại. Trằn trọc mãi không ngủ lại được, trời vừa hửng sáng chị gọi điện cho mẹ, trong lòng rất muốn tâm sự với mẹ điều gì đó, nhưng không hiểu sao khi nghe tiếng mẹ, chị lại lặng người đi rồi nói, giọng như người hụt hơi: Chiều nay chồng con về, chút nữa con đến đón cháu nghe mẹ. Mẹ chị lo lắng hỏi: Có chuyện gì không con? Sao nghe giọng con yếu thế? Chị vội vàng: Con không sao đâu mẹ... Nói rồi chị thấy ân hận, hình như là mình sao thật rồi... Quái thật, chẳng có gì mà mắt cay thế. Thật vớ vẩn quá. Chị thấy rất thèm một ly chanh đá không đường, nhưng trong tủ chẳng còn trái chanh nào. Chị chép miệng, một sở thích giản dị như thế mà đôi khi vẫn không thể đáp ứng. Mỗi lần thấy chị uống chanh đá, chồng chị lại bảo em dại, uống cái thứ nước ấy làm gì, có bổ béo gì đâu, nếu mà đem phân tích thành phần thì có đến bảy ngày cũng chẳng tìm thấy chất bổ dưỡng. Chị thì chẳng cần quan tâm đến bổ dưỡng hay không bổ dưỡng, thấy thích thì uống. Có lần chị bực bội, bảo: Cân nhắc như anh mệt quá, anh không thể sống không tính toán cho thoải mái hơn hay sao... Quân cười bảo: Ừ, thôi, tuỳ em, mỗi người một tính thật. Ngay trong chuyện ăn uống cũng vậy, chị thấy thích ăn, còn Quân thì khác, ăn gì anh cũng cân nhắc, tính toán đến sự cân bằng hàm lượng dinh dưỡng, rồi thì ăn như thế nào cho phù hợp với từng khung cảnh, cho thể hiện bản sắc văn hoá như cách Quân hay nói. Có một điều khiến chị rất bực là cái gì chồng chị cũng dễ dàng quy ra giá trị vật chất để cân nhắc rất nhanh sự hơn thiệt, được mất. Anh thường bảo làm bất cứ việc gì, dù nhỏ, điều cần quan tâm trước tiên là mình sẽ được lợi ích gì từ công việc ấy. Quân không bao giờ làm những việc mà không mang lại lợi ích thực tế cho mình, cho dù những việc ấy cũng chẳng hại gì cho anh... Dù mỗi người mỗi tính nhưng vợ chồng chị hiếm khi cự cãi vì Quân luôn có ý thức nín nhịn vợ, còn chị thì không thích căng thẳng...
Chị định đến nhà mẹ đón con từ sáng nhưng vừa dắt xe ra cổng lại phải quay vào vì có điện thoại. Giọng chú Chín khao khao như kiệt sức: Thằng Quân sắp về chưa con? Chú mong nó quá... Liên vội nói: Chú yên tâm đi chú, chiều nay anh Quân về, sáng mai vợ chồng con tới chú ngay, đừng lo quá nghe chú. Chú Chín là người đã cưu mang Quân suốt những năm anh còn hàn vi, chính chú đã giới thiệu và gửi gắm Quân cho ba Liên. Chú chỉ có một người con trai duy nhất là Thủy, bằng tuổi Quân, chơi với Quân rất thân, bây giờ đang làm giám đốc một công ty trực thuộc Tổng công ty của Quân. Gần đây chị nghe phong thanh tin Thuỷ được dự kiến chọn giữ chức Tổng giám đốc trong khoá tới, thay cho chồng chị sẽ được rút về Bộ. Dù Quân ở Tổng công ty hay về Bộ, chị nghĩ cũng tốt thôi, mà có khi về Bộ còn tốt hơn vì Tổng công ty gần đây cũng có vài ba chuyện lùm xùm. Nhưng cụ thể như thế nào thì chị không rõ lắm. Đánh đùng một cái Thuỷ bị tố cáo dính dáng đến chuyện tiêu cực gì đó. Chú Chín lo quá tìm Quân để mong có sự giúp đỡ nhưng đúng lúc đó Quân lại đi công tác nước ngoài suốt một tháng. Chú Chín bị bệnh tim, chị thương chú quá, chỉ sợ chú có mệnh hệ gì...
An ủi chú Chín mãi, chị đến nhà mẹ đã quá 12 giờ trưa nhưng mẹ và Hương, con gái chị vẫn chờ cơm. Mùi canh cua đồng thơm ngậy khiến chị thấy đói ngấu. Húp một muỗng canh, chị hít hà: Ngon quá, lâu lắm con mới được ăn. Con thèm canh cua mà không có thời gian để nấu... Con Hương hóm hỉnh bảo: Vậy mẹ cố ăn cho nhiều. Ba về mẹ càng không có dịp ăn canh cua đâu, ba ghét món này lắm. Mà buồn cười mẹ nhỉ, mẹ là người thành phố lại thích ăn món quê, còn ba gốc ở quê nhưng chỉ thích những món quý tộc... Liên bối rối. Chị chưa biết trả lời con như thế nào thì con Hương đã lại hỏi: Mẹ có yêu ba không hả mẹ? Mẹ cái Hằng bạn con bảo ngày xưa nhiều người mê mẹ lắm... Tự nhiên Liên thấy miệng nghẹn đắng, chị lén nhìn mẹ nhưng mẹ đang cúi xuống nên chị không thấy được ánh mắt của bà. Quả là Quân rất thích ăn ngon, nhất là những món sơn hào hải vị có tên gọi thật cầu kỳ. Điều ấy không có gì là xấu, không có gì đáng chê trách vì trên đời ai chẳng muốn ăn ngon mặc đẹp, sống sung sướng. Có lần Quân nói với chị rằng ngày nhỏ Quân rất khổ, làm việc quần quật cả ngày mà chỉ được ăn cơm độn khoai với dưa và muối trắng, cũng chẳng được ăn no. Chị đã rớt nước mắt vì thương chồng. Chị không hề mặc cảm vì chồng chị có một thời ấu thơ lam lũ, vất vả. Chị cảm thấy khâm phục anh vì anh là một con người có nghị lực, đã phấn đấu học hành vươn lên từ một hoàn cảnh khó khăn chừng ấy, đó là điều không phải bất cứ ai cũng làm được. Chị yêu anh một phần cũng vì cái lẽ ấy. Ở Quân có nhiều điều đáng quý mà ở những chàng trai khác không có được và chính những điều ấy làm chị một thời say mê anh. Nhưng càng ngày, chị càng thấy anh đổi khác, khác từ cách nói năng, đi đứng đến cả chuyện ăn mặc hàng ngày. Nhiều lúc chị tự hỏi phải chăng những nhận xét ngày xưa của mẹ về Quân là đúng?...
***
Việc Liên yêu và lấy Quân khiến cả cơ quan bất ngờ. Liên xinh đẹp và tinh tế, lại là con gái rượu của ông Vụ trưởng. Chừng ấy điểm mạnh khiến cho Liên trở thành một cô gái rất "có giá". Nhiều chàng trai con nhà gia thế, có học vấn, có địa vị tự nguyện đến trồng cây si, săn đón Liên và tìm đủ dịp để nói những lời có cánh. Thế nhưng không hiểu sao Liên chẳng hề rung động trước những vệ tinh đang xoay xung quanh mình, lại đi nhận lời yêu Quân - một anh chàng nhà quê đặc. Trong nhà, mẹ Liên là người phản đối nhiều nhất. Bà bảo người quê người phố, đẹp xấu gì cũng không quan trọng, nhưng bà thấy Quân "tướng hầu" không xứng với Liên. Lấy Quân, sau này Liên chỉ có khổ, không phải khổ vì vật chất mà là cái khổ về tinh thần. Bà bảo, lấy Quân, Liên sẽ suốt đời phải cô đơn vì không bao giờ có thể chia sẻ hay tâm sự với chồng... Nhưng ba Liên thì lại bảo: Thằng đó không có hãm tài đâu, rồi sau này nó sẽ làm nên sự nghiệp cho bà coi. Ba Liên nói có cơ sở vì Quân làm việc dưới quyền ông. Ngay từ ngày đầu làm việc với Quân, ông đã thấy Quân là một người đa mưu túc kế. Quân có khả năng đoán định tình hình chính xác và ứng phó nhanh. Cái vẻ bề ngoài quê kệch hoá ra lại chính là lợi thế vì nó khiến cho đối phương dễ chủ quan mà không đề phòng gì cả. Với những người làm chính trị hay làm ăn kinh tế thì đó là một điều rất quan trọng... Nghe ba mẹ phân tích, Liên chỉ cười. Trái tim có lý lẽ riêng của nó. Liên không thấy có cảm tình với những người con trai thành phố đang như vệ tinh xoay quanh. Là người nhạy cảm, Liên hiểu rằng đôi khi người ta săn đón chị không phải vì bản thân chị mà vì những gì họ sẽ đạt được nếu như trở thành con rể của Vụ trưởng. Liên thấy sợ sự hào nhoáng, sợ sự nhiệt tình có phần quá quắt của những chàng trai đang xum xoe xung quanh mình. Còn Quân thì khác. Mỗi khi giáp mặt Liên, anh đều giữ thái độ chừng mực, có phần hơi rụt rè. Trong khi Liên cảm thấy rất mệt và chán ngán bởi những người con trai áo cổ cồn là cứng vây quanh mình thì Quân xuất hiện như là một đối tượng. Nói chuyện với Quân, chị thấy thư thái nhẹ nhàng, những câu chuyện chân chất thật thà của anh chàng nhà quê không khiến chị phải cảnh giác như đối với bọn coi trai thành phố tóc bóng như bôi mỡ. Có lần Quân cùng Liên và một đám bạn bè rủ nhau ra quán uống nước, Liên hỏi anh uống gì, Quân ngồi im rồi bất ngờ bảo: "Cho cái nồi ngồi trên cái cốc". Cả bọn ngớ ra, chỉ có cô chủ quán là tinh ý, cô che miệng cười rồi mang ra cho Quân một... ly cà phê pha phin. Hiểu ra, cả bọn cười nghiêng ngả vì cái anh chàng Quân nhà quê một cục. Liên cũng cười như nắc nẻ nhưng khác với mọi người, cô cảm thấy Quân hóm hỉnh, hay hay. Tự nhiên sau lần ấy Liên có cảm tình với Quân. Liên thấy Quân không rỗng tuếch như những anh chàng khác. Quân có khiếu kể chuyện và những câu chuyện của Quân khiến cho Liên thấy thích thú. Dần dần Liên thấy thích Quân, thích cả cái dáng vẻ quê mùa thô kệch. Mẹ Liên bảo thích chưa phải là yêu. Giữa thích và yêu là một khoảng cách xa vời lắm. Cần phải cân nhắc kỹ con ạ. Nó là kẻ đa mưu túc kế, nó hiểu con, chắc gì cái vẻ ngờ nghệch lại không phải là cái vẻ bề ngoài nó cố tình tạo ra để thu hút con. Mẹ lo cho con lắm, lấy nó con sẽ khổ cả đời vì con sẽ không thể nào tìm thấy sự hoà hợp về tâm hồn, con sẽ không thể nào chia sẻ được lòng con với nó đâu. Lúc ấy, Liên chỉ cười. Mẹ lo xa quá, hạnh phúc hay không là do ở mình chứ mẹ. Từ lâu chị biết rằng mẹ chị không hạnh phúc. Cuộc sống trong gia đình chị luôn có cái vẻ ngoài êm thấm, chưa bao giờ cha mẹ chị to tiếng. Nhưng chị hiểu đó là sự êm ấm giả tạo giấu những cơn sóng ngầm. Mẹ chị rất đẹp, nhưng đó là một vẻ đẹp u buồn, rất hiếm khi chị thấy mẹ cười, nhất là khi có ba chị ở nhà. Hình như giữa ba và mẹ có một khoảng cách lớn lắm mà ngày ấy chị không thể hiểu được. Có một lần chị hỏi mẹ hạnh phúc là gì, mẹ chỉ bảo hạnh phúc là thứ hiếm hoi và mơ hồ lắm con ạ. Chị lại hỏi mẹ sống với ba có hạnh phúc không, mẹ chị không trả lời thẳng mà bảo: Hạnh phúc chỉ có khi người ta hiểu và chia sẻ được với nhau... Nhưng ngày ấy, chị chỉ là một cô gái mới lớn. chị không thể hiểu hết những điều mẹ nói. Không sao con ạ, sau này khi con trưởng thành hơn, con sẽ tự hiểu thôi, mẹ chị bảo. Có thể là mẹ không hạnh phúc, nhưng mình không phải là mẹ và Quân cũng không phải là ba, chị thầm nghĩ. Biết không ngăn được con gái, mẹ chị đành chép miệng bảo thôi thì tuỳ, nhưng mắt bà rân rấn nước, mẹ nói với con bằng tất cả sự linh cảm của một người mẹ và sự từng trải, chiêm nghiệm một đời của người đàn bà đấy, con ạ. Từ hôm ấy trở đi, bà không nói gì đến chuyện này nữa. Sau này, cứ mỗi lần nhớ lại những giọt nước mắt của mẹ ngày ấy, Liên lại cảm thấy lòng mình đau nhói...