Vốn là một F0 phải nằm viện 28 ngày rồi tự cách ly tại nhà thêm 14 ngày, người đàn ông 34 tuổi đang sống và làm việc tại TP HCM trở lại bệnh viện dã chiến số 4 tại Vĩnh Lộc, Bình Chánh với một tâm thế khác hẳn. Thay vì lo âu bởi đã nhiễm bệnh, giờ đây, anh muốn được góp sức mình để hỗ trợ các y bác sĩ và bệnh nhân Covid-19 mau chiến thắng bệnh tật.
Khoác trên mình bộ quần áo bảo hộ chuyên dụng màu xanh, trang bị khẩu trang, găng tay, kính chống giọt bắn, hàng ngày anh Nguyễn Hồng Kỳ làm việc tại phòng hồi sức cấp cứu, chăm sóc những bệnh nhân nặng, phải thở máy và không có người nhà bên cạnh. Anh giúp họ ăn uống, vệ sinh cơ thể, có khi còn massage, gội đầu cho các bệnh nhân để giảm bớt đau nhức, căng thẳng.
Từng là F0 nên anh hiểu rất rõ những gì mà bệnh nhân trải qua. Anh từng lặng người tưởng như không thở nổi khi chứng kiến các y bác sĩ cùng bệnh nhân chiến đấu ở ranh giới sinh tử và vỡ òa niềm vui khi nguy hiểm đi qua. "Tôi muốn lan toả tinh thần lạc quan đến các bệnh nhân dù nhẹ hay nặng, muốn khuyên mọi người hãy giữ vững tinh thần lạc quan, xem đây như một căn bệnh trên mức bình thường một xíu để có thể vượt qua".
Cũng có mong muốn lan tỏa tinh thần lạc quan, nhân ái và yêu thương để sớm chiến thắng dịch bệnh, anh Hà Ngọc Trường, một F0 đã khỏi bệnh lại trở thành tình nguyện viên tại bệnh viện dã chiến Củ Chi. Vượt qua nỗi đau mất mẹ vì Covid-19, anh tâm niệm "Người mất thì cũng mất rồi, mình may mắn còn sống thì cố làm những điều tốt, nếu giúp được ai thì cứ giúp. Mọi người đừng nản lòng, hãy cố gắng vượt qua, điều quan trọng nhất là tình yêu thương đối với người khác".
Nhắc tới màu xanh nơi tuyến đầu, không thể không nhắc tới những nhân viên y tế đang ngày đêm căng mình chống dịch. Gửi con cho chị gái chăm
sóc, nữ điều dưỡng Bùi Linh vào làm việc tại bệnh viện dã chiến ở Thủ Đức với tinh thần lạc quan dịch bệnh sẽ sớm bị đẩy lùi, để cuộc sống sớm
trở lại bình thường, con trai sẽ được đi học, những người thân của cô sẽ được quay trở lại làm việc.
Bác sĩ Võ Tấn Lực, đang công tác tại khoa Cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, mỗi ngày đứng trước ranh giới sinh tử của bệnh nhân, anh không cho phép mình bỏ cuộc. "Công việc của chúng tôi là thu hẹp vùng đỏ, đẩy lùi dịch bệnh", anh chia sẻ. Nguồn năng lượng để anh vượt qua những sự vất vả của công tác chống dịch chính là hy vọng về những vùng xanh khỏe mạnh sẽ sớm phủ khắp đất nước, để mọi người lại được về với cuộc sống bình thường, và anh lại được quây quần với gia đình yêu thương.
Các y bác sĩ hay những tình nguyện viên như anh Hồng Kỳ, Ngọc Trường thực sự là chỗ dựa tinh thần, là niềm tin để các bệnh nhân Covid-19 chiến thắng dịch bệnh, trở về với gia đình. Nơi tuyến đầu ngày đêm đối mặt với sinh tử, họ chính là những "điểm xanh" mang đến những niềm tin, hy vọng về một ngày mai khỏe mạnh, vượt qua dịch bệnh và trở về với cuộc sống bình thường.
Vào giai đoạn cao điểm, tình hình dịch bệnh tại TP HCM diễn biến phức tạp, lực lượng bộ đội đã được tăng cường để hỗ trợ người dân chống dịch. Sự xuất hiện của màu xanh áo lính đã khiến người dân cảm thấy vững tin và yên tâm hơn. Chiến sĩ Đặng Văn Hiếu, thực hiện nhiệm vụ chốt gác trên đường cảm thấy rất vui khi được người dân đón tiếp nhiệt tình. "Thỉnh thoảng bà con mang khẩu trang, mang chai nước ra tặng khiến tôi rất cảm động", chiến sĩ Hiếu chia sẻ.
Nhiều đồng đội của Hiếu lại thực hiện những một nhiệm vụ khác, có phần "mới lạ" so với những gì các anh đã được rèn luyện và đào tạo, đó là đi chợ hộ. Tuy còn nhiều bỡ ngỡ nhưng các chiến sĩ ai cũng cảm thấy rất vui khi có thể hỗ trợ được bà con phần nào trong thời điểm khó khăn này.
Đi chợ hộ cho người dân ở Bình Thạnh, trung úy Trần Đình Hùng (thuộc sư đoàn 5) cho biết việc giao hàng cho người dân ở TP HCM khá vất vả do phải đi vào nhiều hẻm nhỏ, địa chỉ khó tìm, nhiều nhà có nuôi chó nên cũng hơi e dè. "Nhưng thấy họ ngóng chờ mình tới thì vui lắm", trung úy Hùng bộc bạch.
Các anh bộ đội vốn quen với những bài tập thao trường nay lại rất cẩn thận tỉ mẩn trong công tác đi chợ hộ người dân trong mùa dịch.
Từ những ngày đầu dịch bệnh khởi phát, đây đó khắp các con phố, ngõ hẻm, các khu phong tỏa đều xuất hiện "màu áo xanh" của những đoàn viên, thanh niên tình nguyện. Họ không quản ngại bất cứ công tác nào, từ việc hỗ trợ các công tác lấy mẫu, chích ngừa tập trung cho đến việc tích cực đem những món nhu yếu phẩm, hàng cứu trợ đến từng hộ dân khó khăn....
Tết trung thu thời Covid-19 của các em thiếu nhi trong các khu đang phong tỏa vẫn có bánh, có đèn lồng do những anh, chị đoàn viên thanh niên mang tới. Không phải chị Hằng, chú Cuội trong cổ tích, nhưng những tình nguyện viên đã mang đến cho các em nhỏ một trung thu ý nghĩa.
Với sức trẻ, sự nhiệt huyết và tinh thần cống hiến, những thanh niên tình nguyện đã luôn sát cánh, hỗ trợ, san sẻ với người dân trong những ngày chiến đấu chống dịch. "Tôi hy vọng có thể gửi một chút yêu thương này để động viên các bạn và chúng ta quyết tâm cùng nhau vượt qua đại dịch", tình nguyện viên Nguyễn Huỳnh Minh Phúc cho biết.
"Tôi và các bạn không có một ‘Mùa hè xanh’ như những năm trước, nhưng mùa hè đặc biệt năm nay chắc chắn sẽ là một phần ký ức đẹp nhất của tuổi trẻ, của một thanh xuân đã sống hết mình", một đoàn viên chia sẻ.
Trong những ngày giãn cách, nhiều người dân ở tổ dân phố 37, phường Đa Kao quận 1 có niềm vui mới là nói chuyện về bác tổ trưởng. "Nghe tiếng gõ cửa lóc cóc, mở ra thì không thấy mặt người, chỉ thấy treo cái túi đựng ổ bánh mì, biết ngay bác tổ trưởng vừa đi qua". Một cư dân kể về bác tổ trưởng tên Hùng, năm nay 65 tuổi, vốn là một giáo viên về hưu.
Hơn 30 năm làm tổ trưởng, ông Hùng cho biết chưa bao giờ gặp tình cảnh người dân trong tổ khó khăn như đợt Covid-19 bùng phát lần thứ 4 này. Ông vẫn nhớ buổi tối hôm đó, nghe công an thông báo phải phong tỏa con hẻm 14 - nơi có 20 căn nhà và hơn 120 người sinh sống vì có F0, ông lặng người đi. Mặc dù công việc của tổ trưởng là thông báo những chính sách của phường tới người dân nhưng ông Hùng vẫn sẵn sàng nhận thêm việc đi chợ hộ cho mọi người. "Mình đi chợ hộ riết mà ghiền nhưng nhìn thấy họ vui, trong lòng mình cũng tự thấy ấm lòng vì việc làm mình ý nghĩa.", ông Hùng kể.
Những ngày ở giãn cách, không thể đi chợ, nhiều người mới nhận thấy ý nghĩa của tình hàng xóm. Khi con hẻm 502 đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7 bị phong tỏa, việc mua nhu yếu phẩm khó khăn, nhiều mạnh thường quân đã chở những xe rau đến tặng cho mọi người. Nhiều gia đình nhận được đồ gửi từ quê lên, cũng không dư giả nhưng vẫn đem chia bớt cho những người hàng xóm. Chỉ là trái bí, mớ rau, hộp sữa... mà sao thật "ấm áp nghĩa tình", san sẻ cùng nhau vượt qua thời gian khó khăn. "Bình thường bận rồi mải làm ăn, không mấy khi nói chuyện với hàng xóm, những ngày như thế này, mới cảm nhận rõ tình nghĩa xóm giềng", anh Tuấn, một người dân sống trong hẻm cho biết.
Cuộc sống có phần "u ám" vì dịch bệnh bỗng tươi sáng hơn nhờ những con người thật bình dị đã mang đến một màu xanh của sự quan tâm, lạc quan
và trách nhiệm... Khi hết dịch, những tiếng gọi "bác tổ trưởng", "anh hàng xóm" chắc chắn sẽ trở nên thật thân thuộc với một tình cảm rất đặc
biệt.
Dịch bệnh buộc chúng ta giãn cách, nhưng lại giúp chúng ta "gần" nhau hơn là vì vậy. Nhiều hành động nhỏ sẽ có sức lan tỏa lớn, cùng lan tỏa thêm các "vùng xanh" của hy vọng, niềm tin rằng chúng ta sẽ thắng được dịch bệnh, hướng về một tương lai tốt đẹp, tràn đầy yêu thương.
Trẻ em là đối tượng bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch ở nhiều khía cạnh. Trong đợt Covid-19 bùng phát lần thứ 4, có khoảng 1.500 trẻ em tại TP HCM đã trở thành trẻ mồ côi, nhiều em đã không may trở thành F0, nhiều trẻ em khác phải cách ly hoặc không được bố mẹ chăm sóc do bố mẹ là F0. Riêng trẻ em có hoàn cảnh kém may mắn tại các trung tâm bảo trợ trẻ em, mái ấm, nhà mở, ngoài việc bị gián đoạn việc học tập, giảm tương tác xã hội, cũng chịu nhiều thiệt thòi vì điều kiện chăm sóc vốn đã có phần hạn chế.
Luôn hướng đến trẻ em trong các chương trình cộng đồng, một triệu ly sữa là con số được Vinamilk hỗ trợ cho hơn 10.000 trẻ em thông qua hoạt động "Cùng góp điểm xanh, cho Việt Nam khỏe mạnh" (thuộc dự án "Vùng xanh hy vọng", giai đoạn 2 của chiến dịch "Bạn khỏe mạnh, Việt Nam khỏe mạnh") mà doanh nghiệp này đang thực hiện. Mỗi em được uống sữa miễn phí liên tiếp trong 3 tháng, góp phần bổ sung dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng trong giai đoạn dịch bệnh. Trước đó, cũng thuộc chiến dịch này, Vinamilk đã góp 10 tỷ đồng để hỗ trợ vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em và chăm lo cho các trường hợp trẻ em gặp khó khăn vì ảnh hưởng của đại dịch.
Chia sẻ về điều này, bà Bùi Thị Hương, Giám đốc điều hành Nhân sự, Hành chính và Đối ngoại Vinamilk cho biết: "Trong cuộc chiến chống dịch, ít
nhiều sẽ có những thiệt thòi, khó khăn nhưng chúng tôi tin rằng mỗi người khỏe mạnh, Việt Nam sẽ khỏe mạnh và sẽ không có ai bị bỏ lại phía sau,
nhất là trẻ em, những mầm xanh quý báu của đất nước".
Mỗi người chính là "điểm xanh" để cùng nhau tạo nên những "vùng xanh hy vọng" cho một Việt Nam khỏe mạnh - đây chính là thông điệp mà dự án Vùng Xanh Hy Vọng, trong khuôn khổ của chiến dịch "Bạn khỏe mạnh, Việt Nam khỏe mạnh" muốn chuyển tải. Không chỉ nhằm lan tỏa sự tích cực, khuyến khích mọi người sống khỏe mạnh và lạc quan, chiến dịch này còn là chiếc cầu nối tấm lòng của mọi người đến với những em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn, khó khăn, mang đến cho các em một "vùng xanh" của hy vọng và yêu thương để khỏe mạnh, vươn lên.
Nội dung: Kim Anh
Thiết kế: Hằng Trịnh
Ảnh: Đình Văn, Quỳnh Trần, Hữu Khoa, VNM