Hoàn "say" đem theo cờ Tổ quốc khi đi xem World Cup 2010 ở Nam Phi. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Giới doanh nhân ở Hải Phòng chẳng lạ gì cái tên Hoàn “say”, Hoàn “pháo”, Hoàn “ảnh Bác”, vì Trần Văn Hoàn là một doanh nhân có tiếng ở đất Cảng. Nhưng trên khắp các sân cỏ Việt Nam, người ta không ngần ngại mà rằng, đó là CĐV “hâm” nhất Việt Nam.
Độ chục năm trước, cái tên Hoàn “say” mới chỉ nổi tiếng ở chảo lửa Lạch Tray. Thời đội công an Hải Phòng còn tồn tại, Hoàn đã theo chân đội đi khắp các sân cỏ cả nước. Đội này giải thể, Hải Phòng đổi tên thành Mitsustar rồi Vạn Hoa Hải Phòng. Những năm đầu đá ở V-League, đại diện Hải Phòng bết bát, quanh quẩn lo trụ hạng. Nhiều CĐV nản: Yếu thế cổ vũ làm gì, có khá hơn được đâu?
“Đây là đội bóng quê mình, cứ đi theo cho anh em có tinh thần mà đá. Cứ theo quê hương, có đi đâu mà thiệt?” - Hoàn vẫn lọ mọ đi khắp Bắc – Trung – Nam theo bóng đá Hải Phòng.
Mê Hải Phòng đồng thời yêu đội tuyển Việt Nam, Hoàn “say” chưa bỏ một trận đấu nào của đội tuyển từ 1995, năm tuyển Việt Nam giành HCB ở SEA Games 18 tổ chức tại Chiang Mai (Thái Lan). Nhưng biệt danh Hoàn “say” chỉ thực sự nổi tiếng trong làng túc cầu từ năm 2005, thời điểm mà U23 Việt Nam chơi tưng bừng ở Philippines. Lên máy bay sang Philippines, ngoài cờ tổ quốc, hành trang không thể thiếu của Hoàn “say” là tấm ảnh Bác Hồ cỡ lớn. Bao nhiêu đồ đạc gửi hành lý hết, riêng tấm ảnh Bác, Hoàn giữ khư khư suốt chuyến bay.
Ở giải ấy, U23 Việt Nam dưới tay Alfred Riedl chơi tưng bừng ở vòng bảng. Tại bán kết, đội hạ Myanmar 1-0. Thời điểm U23 Việt Nam ghi bàn, vì quá phấn khích Hoàn giơ cao ảnh Bác, nhảy từ khán đài cao vài mét xuống sân. Nhảy và vẫn giơ cao ảnh Bác trên đầu. Kết quả của giây phút thăng hoa ấy, Hoàn gẫy một chân và suýt ăn đạn của cảnh sát Philippines. Hoàn bảo, ảnh Bác Hồ là biểu tượng thiêng liêng của cả dân tộc, không thể để sứt mẻ được.
Dấu ấn của Hoàn “say” trên sân cỏ trong nước bắt đầu từ Asian Cup 2007, tổ chức tại sân Mỹ Đình. Từ Hải Phòng, ngoài tấm ảnh Bác Hồ, Hoàn “say” mua theo cả trăm quả pháo sáng, trực chỉ sân Mỹ Đình. Có vé ở khu VIP hẳn hoi nhưng Hoàn lặng lẽ ra “chợ đen” đổi lấy tấm vé hạng thường, ngồi ở khán đài B – nơi tập trung những CĐV máu lửa nhất. Gặp UAE ở trận đầu, tuyển Việt Nam thắng 2-0. Ngay sau pha ghi bàn đầu tiên của Quang Thanh, người ta thấy bên khán đài B, pháo đốt sáng cả một góc sân. Nhìn khán đài chật ních người cuồng nhiệt, pháo sáng tưng bừng, có cảm giác Mỹ Đình lúc đó như một sân bóng ở Italy! Hoàn “say” bảo, anh phấn khích với hình ảnh đó bởi đó là thời điểm mà lòng tự hào dân tộc cháy bùng. Trả giá cho phút giây ấy, Hoàn bị BTC phạt gần chục triệu đồng vì đốt pháo sáng trên sân.
Ảnh Bác Hồ được Hoàn "say" xem như báu vật thiêng liêng. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Năm 2008, Hải Phòng thăng hoa với chiếc HCĐ V-League. Mỗi lần Hải Phòng đá ở Lạch Tray là Hoàn nghỉ việc từ sáng sớm. Nghỉ để hô hào, vận động anh em đến sân, rồi tranh thủ tìm cách vào sân sớm găm pháo dưới gầm ghế hòng thoát khỏi sự kiểm soát của bảo vệ. Từ những quả pháo của Hoàn, sân Lạch Tray còn được gọi là sân “pháo sáng”, và vì thế nhiều lần dính án phạt của BTC. Không để ảnh hưởng đến đội nhà, có trận, Hoàn bỏ vài triệu đồng thuê nguyên một căn nhà cao ở sát khán đài phụ để đốt pháo với lý luận “không cho đốt trong thì đốt ngoài sân. Chẳng tổn hại gì đến đội bóng”.
Không chỉ ở Lạch Tray, Hoàn “say” còn hào phóng đến độ tặng pháo sáng cho CĐV đội bạn đốt thỏa thích. Đó là lý do pháo sáng xuất hiện ở sân Thống Nhất, ở Ninh Bình, ở Nam Định. Tại V-League và hạng Nhất, pháo sáng là vật bị cấm. Hoàn vì thế đã nhận gần chục án phạt tiền.
Theo Hoàn “say” thì: “Pháo sáng không phải đồ cấm bởi tôi mua rất dễ dàng, có hóa đơn đỏ hẳn hoi. Có pháo không khí cổ vũ vui lắm, nhiệt lắm. Tôi sẽ vẫn đến sân với pháo sáng”. Tới giờ, Hoàn là CĐV bị VFF và BTC các sân “soi” nhiều nhất. Cứ mỗi lần biết trước Hoàn “say” đến sân nào, thế nào cũng có một cú điện thoại từ VFF nhắc nhở “đến thì đừng đốt pháo nhé”.
Mê bóng đá Việt, Hoàn cũng mê cả World Cup. Hoàn “say” tự hứa sẽ dự 10 kỳ World Cup. Tới giờ anh đã có mặt ở Nhật Bản – Hàn Quốc năm 2002, Đức năm 2006 và mới nhất là Nam Phi 2010. Chuyến đi ở Nam Phi, Hoàn gây sốc khi thuê hai chuyến trực thăng đi thăm các SVĐ thi đấu World Cup 2010. Tính cả tiền mua vé xem 7 trận (giá vé chợ đen 1.000 USD mỗi trận), Hoàn chi hơn nửa tỷ đồng cho chuyến đi này.
“Người ta cứ nói tôi hâm. Ừ tôi có “đạn” ở đầu. Nhưng tôi chưa và sẽ không bao giờ hối hận vì những chuyến đi. Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm thú vị. Bóng đá tuyệt vời lắm. Nó giúp bạn quên đi mệt mỏi, lo lắng hay u sầu. Bóng đá xóa nhòa mọi khoảng cách. Có thể tưởng tượng được hai người khác màu da, bất đồng ngôn ngữ nhưng vẫn xem nhau như những người bạn thân thiết chỉ nhờ một bàn thắng. Đó là những thứ không thể mua được bằng tiền. Có đi mới thấy CĐV Việt Nam là số một. Nhiệt tình, máu lửa. Ví dụ nhé: trận Nhật Bản gặp Paraguay ở tứ kết World Cup 2010. Nước Nhật giàu mạnh là thế nhưng nhìn lên khán đài, CĐV của họ chỉ vài trăm. Thử đặt giả thiết nếu đó là Việt Nam, dám chắc có cả vạn người”. Hoàn chia sẻ về chuyến đi Nam Phi.
“Hành trang trong mỗi chuyến đi là niềm tự hào dân tộc, là niềm tin vào tuyển Việt Nam. Nhưng sau cái đận gẫy chân ở Philippines rồi sau đó phát hiện U23 Việt Nam bán độ, tôi ít niềm tin vào đội tuyển lắm. Ít tin nhưng tự nhủ, bóng đá mình cũng chỉ có vậy, phải theo thôi. Giá như khi nào tuyển cũng đá máu như AFF Cup 2008, chắc những người “hâm” như tôi sẽ rất nhiều. Đội Hải Phòng đang có nguy cơ xuống hạng Nhất. Buồn đấy nhưng cũng không sao bởi nếu xuống hạng Nhất, chúng tôi lại có dịp đi đến những miền đất mới với những khám phá, trải nghiệm mới. Tôi sẽ đi cổ vũ cho Hải Phòng, cho đội tuyển Việt Nam, cho World Cup cho tới khi nào gối mỏi, chân chùn”, Hoàn tâm sự.
Khoa Nguyễn