Một trong những cặp song sinh dính nhau được ghi nhận sớm nhất là chị em Mary và Eliza Chulkhurst (thế kỷ 16, sống tại Biddenden thuộc hạt Kent, Anh), dính liền ở xương chậu và vai. Năm 34 tuổi, một trong 2 người qua đời. Các bác sĩ đề nghị cứu sống người kia bằng cách phẫu thuật nhưng cô đã từ chối: "Vì chúng tôi đã đến cùng nhau nên sẽ ra đi cùng nhau". Cô thở hơi cuối cùng sau đó vài giờ. Hai chị em để lại cho nhà thờ tài sản khổng lồ của mình với ý nguyện dùng số tiền đó để làm ra những chiếc bánh cho người nghèo. Mấy thế kỷ trôi qua, mỗi năm người Anh vẫn dành một ngày lễ tưởng nhớ Mary - Eliza và làm ra những chiếc bánh mang hình ảnh họ.
Chang và Eng Bunker. |
Nổi tiếng nhất trong lịch sử các cặp song sinh dính liền là anh em Chang và Eng Bunker (Thái Lan), sinh năm 1811, dính liền nhau ở phần gan và ngực dưới. Họ đi lưu diễn ở nước ngoài từ năm 17 tuổi theo lời mời của một ông bầu người Mỹ, từng gặp gỡ các thành viên trong hoàng gia Anh. Chang và Eng cũng là đối tượng của nhiều cuộc nghiên cứu y học để khảo sát sự sính nhau và tính khả thi của việc phẫu thuật tách dôi.
Năm 28 tuổi, sau khi trở nên giàu có, 2 anh em quyết định giải nghệ, về làm chủ trang trại tại bang Bắc Carolina (Mỹ). Năm 33 tuổi, Chang cưới cô Adelaide Yates và Eng cưới cô Sarah Anne. Sau đó, họ trở thành cha của 21 người con. Dù không thể tách rời nhau, 2 anh em vẫn cố gắng sống những cuộc sống "riêng biệt": mỗi người có một căn nhà và gia đình riêng, cứ phải luân phiên "đổi nhà". Ngày 17/1/1874, Eng thức giấc với cảm giác lạ; nhìn sang người anh, ông nhận ra Chang đã chết. Vài giờ sau đó, Eng cũng qua đời. Các bác sĩ khám nghiệm tử thi nhận thấy Chang chết vì tắc mạch máu não; họ cho rằng Eng chết vì sợ. Ngày nay, giới y học đoán là Eng tử vong do mất máu, bởi máu của ông tuôn vào thi thể của người anh trai. Câu chuyện về cặp song sinh này là một minh chứng cho thấy, những người có cấu tạo cơ thể bất thường vẫn có thể sống một cuộc đời bình thường: có nghề nghiệp và một gia đình tốt.
Giuseppina và Santina Foglia.
Một trong các cặp song sinh đầu tiên được tách rời thành công là chị em Giuseppina và Santina Foglia, sinh năm 1959 tại Italy, dính nhau ở xương cùng cột sống. Khi cả 2 được 6 tuổi, gia đình và các bác sĩ quyết định phẫu thuật vì sự dính liền khiến gây khó khăn cho sự vận động và lớn lên, lại tác động xấu đến sự phát triển về mặt tình cảm và xã hội của họ. Có đến 24 chuyên gia được huy động và nhiều thiết bị mới được nhập về để phục vụ ca mổ. Các bác sĩ đã cắt chỗ nối giữa 2 cô bé và kẹp chặt các mạch máu chung, sau đó khôi phục các mô. Sau ca mổ, Giuseppina và Santina dần dần khỏe mạnh, nhưng họ phải tập đi trở lại.Một ca mổ đáng ghi nhận khác là trường hợp tách 2 chị em Mpho và Mphonyana Mathibela (người Nam Phi, dính đầu). Ca phẫu thuật được các bác sĩ Nam Phi thực hiện năm 1988, lúc họ 1 tuổi. Vì cả 2 có chung một số tế bào thần kinh nên họ đã không phát triển tâm thần đầy đủ sau khi điều trị.
Năm 1992, các bác sĩ Bệnh viện nhi Texas (Mỹ) đã mổ tách thành công 1 trường hợp song sinh dính gan, đó là chị em Tiesha và Iesha Turner (người Mỹ, sinh năm 1991). Từ đó đến nay, năm nào 2 chị em cũng đến ăn mừng sinh nhật với các bác sĩ. Các em có thể bơi lội, chơi đùa ở công viên, đi xe đạp và giày trượt. Tuy nhiên, các bệnh nhân này vẫn đang được bác sĩ theo dõi để thực hiện thêm vài cuộc phẫu thuật nhằm hoàn chỉnh lồng ngực.
Ganga và Jamuna Shrestha từ bệnh viện về nhà.
2 chị em Ganga và Jamuna Shrestha người Nepal là một trong những cặp song sinh dính nhau nhiều ở não đầu tiên được tách rời thành công. Ca mổ được các bác sĩ Singapore thực hiện tháng 4/2001, lúc các cháu 11 tháng tuổi. Tới nay, Ganga và Jamuna Shrestha vẫn phát triển tuy có chậm hơn so với những trẻ cùng lứa.
Laria Teresa và Maria de Jesus sau khi được tách đầu. |
Tháng 8/2002, Bệnh viện Los Angeles (Mỹ) đã khá thành công trong việc mổ tách 2 chị em người Guatemala Laria Teresa và Maria de Jesus Quiej Alvarez, sinh năm 2000, dính nhau phần đỉnh đầu. Maria de Jesus đang dần hồi phục nhưng các bác sĩ vẫn phải theo dõi sức khỏe, đặc biệt là khả năng nhiễm trùng não; còn Laria Teresa vừa qua đời cách đây ít lâu.
Một trong các ca mổ tách được dư luận chú ý nhiều nhất gần đây được thực hiện năm 1993 tại Mỹ; bệnh nhân là 2 chị em Angela và Amy Lakeberg, lúc đó 7 tháng tuổi, chung nhau một trái tim và một buồng gan. Gia đình muốn phẫu thuật tách rời 2 cháu trên cơ sở chấp nhận hy sinh một người. Angela khỏe hơn nên được chọn giữ lại. Tuy nhiên, 10 tháng sau mổ, cô bé cũng qua đời tại bệnh viện vì không chống lại nổi bệnh cúm. Sau cái chết của cháu, nhiều câu hỏi được đặt ra chung quanh cái giá về kinh tế và đạo đức của việc phẫu thuật tách đôi. Không ít người cho rằng những ca mổ loại này có phí tổn tài chính quá cao (hơn 1 triệu USD cho ca tách Angela và Amy) trong khi khả năng thành công quá thấp, bệnh nhân phải chịu nhiều đau đớn, dễ thiệt mạng hoặc phát triển không đầy đủ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng sự tốn kém và hy sinh đó là xứng đáng; giúp bệnh nhân có cơ hội được sống bình thường như những người khác. Cái chết của 2 chị em Ladan và Laleh (người Iran) sau ca mổ tách đầu ngày 8/7 mới đây cũng gây các luồng dư luận tương tự.
Đến nay, tỷ lệ thành công của các ca mổ tách đầu và các cơ quan quan trọng còn thấp (dưới 50%), nhưng các nhà y học vẫn tin rằng, trong tương lai không xa, phần lớn các cặp song sinh dính nhau ở các phần này sẽ có thể sống khỏe mạnh sau khi phẫu thuật. Và các ca phẫu thuật đã thực hiện sẽ là những viên gạch góp phần tạo nên con đường thành công sau này.
(Theo Tuổi Trẻ)