Những ngày này, Trịnh Xuân Thọ, 27 tuổi, quê Đồng Nai, đang tận hưởng niềm hạnh phúc mỗi sáng được chở vợ đi làm, cùng ăn trưa hay cùng tập gym mỗi chiều tan sở...
Năm 2011, Xuân Thọ sang Australia theo học tại một trường cao đẳng trước khi vào Đại học Kỹ thuật Sydney. Dù vừa học vừa làm, Thọ vẫn tranh thủ tham gia chương trình tình nguyện hỗ trợ tân sinh viên và cũng từ đây, anh quen với Sara Jubran - cô gái đồng môn khóa dưới người gốc Palestine có đôi mắt kiểu Trung Đông rất đẹp và cái sống mũi cao.
Sara theo đạo Hồi, luôn phải giữ khoảng cách với người khác giới nên ngoài chào hỏi, hiếm khi Thọ có cơ hội trò chuyện. Nhiều lần chứng kiến cô gái nhiệt tình tham gia các hoạt động thiện nguyện, thiện cảm của chàng trai Việt cứ lớn dần. Có năm nhóm của Sara đi làm tình nguyện ở một vùng sâu của Indonesia, dù làm việc với toàn các đồng đội nam giới, cô gái vẫn chẳng ngại ngần tham gia đủ các công việc nặng nhọc như xây nhà, đào giếng nước sạch cho người dân.
Lần khác, cả nhóm vừa xuống xe lửa, gặp một người phụ nữ đứng tuổi vô gia cư, vạ vật cùng con gái trên sân ga, Sara quyết định ngồi lại, trò chuyện, hỏi han hoàn cảnh của hai mẹ con và gọi điện đến các trung tâm cứu trợ nhờ giúp đỡ. Khi có trung tâm nhận lời tiếp nhận, cô chờ tận đến khi có người tới, đưa họ về nơi ăn ở an toàn. "Hiếm có một ai dành hơn 2 tiếng vì một người xa lạ, chẳng màng đến công việc của mình như cô ấy", Thọ hồi tưởng.
Cô gái Palestine cũng có tình cảm đặc biệt với chàng trai Việt. "Đam mê, tham vọng và quyết tâm là ba phẩm chất đầu tiên thu hút tôi với Trevor (tên tiếng Anh của Thọ). Tôi tin người đàn ông như anh ấy sẽ mang đến cho người vợ và các con những điều tốt nhất", Sara chia sẻ.
Đầu năm 2018, trên một chuyến tàu về nhà sau giờ làm, Thọ và Sara vẫn ngồi cách nhau một khoảng như thường lệ. Bất ngờ, Thọ lần đầu tiên nhìn thẳng vào đôi mắt Sara thổ lộ lòng mình. Như mọi phụ nữ Islam, Sara hơi cúi mặt, tránh ánh mắt đang nhìn mình nhưng vẫn gật đầu, nhận lời yêu của chàng trai Việt.
Yêu nhau nhưng Thọ không ngờ những chuyện tưởng như bình thường của các cặp đôi như ngồi sát nhau, nắm tay hay ôm hôn... lại là "mơ ước xa xỉ" bởi đó đều là những chuyện cấm kỵ của đạo Hồi. Cứ hai tuần họ mới gặp nhau một lần và cũng chỉ ngồi cùng bàn ăn cơm trưa. Thi thoảng hẹn nhau về cùng chuyến tàu nhưng ở giữa ghế của đôi trai gái luôn luôn là khoảng cách "rộng mênh mông". Nhiều lần, Thọ buồn bực vì không thể gặp người yêu, dù chàng cách nàng có 5 phút chạy xe. Nhớ người yêu, anh mua trà sữa đặt ở gốc cây trước nhà để cô ra lấy, còn mình thì đứng nhìn từ xa.
Ngoài không thể hẹn hò công khai, tình yêu của họ cũng gặp nhiều khó khăn do văn hóa khác nhau. Cô gái Trung Đông bộc bạch: "Khác biệt của hai nền văn hóa đã tạo ra xung đột cảm xúc giữa chúng tôi". Ví như việc Thọ vẫn mặc đồ ở nhà khi đến thăm gia đình chị gái bởi thói quen "người nhà nên xuề xòa" của người Việt. Trong khi đó, văn hóa của Sara là tới nhà ai phải mặc đàng hoàng. Hoặc người Việt chỉ lễ phép chào hỏi cha mẹ, người thân đã đủ, nhưng với Sara là phải ôm người thân, hôn lên trán.
Cả Sara và Thọ đều biết họ sẽ gặp khó khăn khi thuyết phục gia đình. Thọ là con trai một nên bố mẹ luôn mong anh về "tắm ao ta". Gia đình Sara sống ở Australia nhiều năm nhưng cha mẹ cô vẫn muốn các con lấy một người cùng đạo. Hai bạn trẻ quyết định lập kế hoạch từng bước tác động gia đình. Sara kể về Thọ với anh trai cả và đề nghị tổ chức một cuộc gặp mặt. Sau buổi gặp, người anh khen chàng trai Việt "lịch sự, đĩnh đạc". Từ hôm đó, anh cả thường đưa vợ con đi ăn với Thọ và Sara, vừa để hiểu nhau, vừa tạo điều kiện cho đôi trẻ gặp gỡ.
Trong văn hóa Palestine, đàn ông là trụ cột gia đình, có nghĩa vụ và trách nhiệm chu toàn cho vợ nhà cửa, ăn uống, trang phục... nên Thọ biết đây cũng sẽ là trách nhiệm nặng nề của anh. Khi mới ra trường, Thọ làm cho hệ cao đẳng của Đại học Kỹ thuật Sydney, thu nhập chỉ ở mức "vừa phải" nên anh quyết tâm tìm các cơ hội mới. Tháng 5/2018, chàng trai quê Đồng Nai được nhận vào vị trí Senior Officer ở bậc đại học với mức lương hàng năm trên 100.000 AUD.
Sự ổn định công việc và tài chính giúp Thọ tự tin hơn trong lần ra mắt nhà bạn gái. Đến nhà cô, ngoài chào hỏi lễ phép như người Việt, Thọ mang theo quà và luôn chú ý giữ khoảng cách với phụ nữ trong nhà. Anh "thở phào" khi thấy ai cũng niềm nở và tỏ thái độ sẵn sàng chào đón mình.
Cô gái người Palestine cũng chủ động học văn hóa Việt trước khi ra mắt gia đình bạn trai. Ngày về Đồng Nai, cô chào hỏi bằng tiếng Việt, làm quen nhanh với việc dùng đũa, ăn được cả mắm tôm, ốc. Cả nhà có mỗi ba Thọ ăn được hành muối, thế nhưng Sara lại thích món này nên cô càng "ghi điểm" trong mắt ba chồng tương lai.
Tháng 4/2019, đôi uyên ương tổ chức lễ đính hôn ở Sydney và lễ cưới vào đầu tháng 2/2020 ở Biên Hòa. Hôn lễ của họ được tổ chức theo nghi thức của cả hai nền văn hóa Việt Nam và Palestine. Cô dâu diện trang phục áo dài Việt và áo Thon của dân tộc mình. Ngoài các bài hát Việt, những bài hát Ả Rập, những điệu múa của đất nước Palestine cũng đã được trình diễn trong hôn lễ đặc biệt này.
"Tôi nhất quyết tổ chức đám cưới xen lẫn văn hóa để cả hai có thể tôn vinh sự khác biệt của mình, thông qua hai bên gia đình hiểu văn hóa của nhau và chấp nhận khác biệt", Sara chia sẻ.
Sau đám cưới, Covid-19 đã khiến chuyến du lịch tuần trăng mật của cặp vợ chồng trẻ chưa thể thực hiện được nhưng bù lại, họ được làm việc tại nhà nên có nhiều thời gian hiểu và dung hòa lối sống của nhau.
"Chúng ta, dù ở bất kỳ đâu trên thế giới này, đều có thể trở thành người một nhà, một khi cả hai tôn trọng sự khác biệt của nhau", cô dâu Việt nói.
Phan Dương