Đạo diễn - họa sĩ Ngô Mạnh Lân qua đời ở tuổi 87 chiều 15/9, khép lại một đời cống hiến cho làng phim hoạt hình, hội họa. Người thân cho biết dù bị sốc, vợ ông - nghệ sĩ Ngọc Lan - nén đau thương để con cháu bớt lo lắng. Đạo diễn Đinh Tiến Vũ (cháu ngoại ông) nói: "Bên nhau sáu thập kỷ, tình yêu của ông bà khó diễn tả hết bằng lời. Những ngày cuối, bà vẫn lo cho ông từng món ăn, cốc sữa, mà phải do bà tự nấu, tự pha mới yên tâm. Nhiều lần ông nắm chặt tay, bà lại khóc...".
Vợ chồng nghệ sĩ Ngô Mạnh Lân - Ngọc Lan đến với nhau khi cả hai mới chạm ngõ nghệ thuật. Năm 19 tuổi, nghệ sĩ Ngọc Lan - khi đó nổi lên với vai Nhàn trong phim điện ảnh Lửa trung tuyến (đạo diễn Phạm Văn Khoa) - sang Liên Xô (cũ) dự Liên hoan phim quốc tế Moskva 1961. Nơi xứ người, bà lần đầu gặp ông - vốn là du học sinh khoa Đạo diễn hoạt hình tại Đại học Quốc gia Điện ảnh Liên Xô. Duyên số run rủi, ông được chọn làm thông dịch viên cho đoàn phim từ quê nhà sang. Trước đó, ông đã có cảm tình với Ngọc Lan qua nhân vật Nhàn - thôn nữ duyên dáng, xông pha trước bom đạn. Gặp nhau, ông để ý cô diễn viên vóc dáng nhỏ nhắn mà nhanh nhẹn nhất đoàn. "Lúc ấy, tôi chẳng có ấn tượng với anh ấy vì hơi lạnh lùng, khó tính", bà hồi tưởng trong một cuộc phỏng vấn.
Vài ngày sau, các nghệ sĩ Việt Nam thăm thú Moskva, ông được trưởng đoàn "giao trách nhiệm" đưa bà đến các di tích, thắng cảnh nổi tiếng của thành phố. Trước cửa cung điện Kremlin, bà bị bụi bay vào mắt, phải nhờ ông thổi. Khi đi xem phim, vì không biết tiếng Nga, bà nhờ ông dịch. Cái nắm tay đầu tiên trong rạp giúp họ nhận ra tình cảm đang ươm mầm nảy nở. Ông từng nói: "Nắm tay cô ấy, tôi ngạc nhiên vì nghe nói sống ở thôn quê, hay đi cấy, đi hái mà sao tay mềm đến thế". Mồ côi từ năm 15, 16 tuổi, lần đầu ông cảm nhận được hạnh phúc đôi lứa.
Một cột mốc sau đó khiến cả hai xích lại gần nhau hơn. Lúc đoàn chuẩn bị về nước, bà đột ngột bị ốm, phải nằm lại một bệnh viện xa Moskva 10 km, cách ly trong phòng kính. Sáng hôm ấy, bà nghĩ bụng chắc ông đã theo đoàn về. Bất chợt, ông xuất hiện bên ngoài cửa sổ phòng bệnh. Bà xúc động khi biết ông hủy vé để ở lại cùng bà. Dù chỉ được nhìn nhau qua cửa kính, mỗi sáng, ông đều bắt tàu điện đến để động viên bà. Về Việt Nam, một năm sau, một đám cưới đơn giản diễn ra. Ngày về chung một nhà, bà chỉ mặc bộ áo dài, trên bàn đôi ấm trà, vài đĩa bánh phu thê. Thiệp cưới chỉ in đôi dòng chữ thông báo ngày giờ, địa điểm lễ thành hôn, nhưng vẫn được giữ trong cuốn album gia đình đến nay.
Lấy nhau về, hạnh phúc của đôi nghệ sĩ càng được gắn chặt bởi năm tháng đồng cam cộng khổ. Khi con gái đầu lòng mới 10 tháng tuổi, bà phải xa nhà đi đóng phim, để con lại cho chồng chăm. Ban ngày, ông bận rộn với công việc đạo diễn, khi về phải xếp hàng lấy lương thực. Bà trở về, ông lại được cử đi học Phó tiến sĩ ở Nga vài năm. Ở nhà, mỗi chiều sau khi hết làm ở xưởng phim, bà lại lọc cọc đạp xe về chăm bốn con. Suốt 5 năm, bà đi cuốn thuốc lá sợi giao cho các cửa hàng tạp hóa, nhận cắt may quần áo, giao sỉ cho cửa hàng mậu dịch... kiếm thêm thu nhập.
Đôi nghệ sĩ đối đãi nhau bằng sự ngưỡng mộ, tôn trọng dù thỉnh thoảng ông vẫn ghen tuông. Ngày xưa không có điện thoại nên mỗi lần đi đâu, bà thường nói: "Anh ơi, em đi đến trưa về nhé". Hôm nào, chẳng may về muộn, ông hay giận dỗi. Biết tính chồng, bà càng ân cần hơn để ông nguôi. Bà từng nói, vì hiểu và thương chồng, chuyện hàn gắn mâu thuẫn rất dễ dàng. Ngọc Lan luôn nể phục sự đức độ và bề dày kiến thức của chồng. Với bà, ông như cuốn từ điển, hay cho bà những câu trả lời chính xác. "Có chồng ở bên, tôi luôn tự tin", bà từng cho biết.
60 năm chung sống, bà thường ví hạnh phúc vợ chồng như một cái cây, phải tưới tắm, chăm bón hàng ngày, bằng không sẽ mau héo rũ. Mỗi sáng, khi ông tập thể dục về, bà vào bếp chuẩn bị món ông yêu thích cho buổi cơm trưa, có khi là chén chè sen thanh ngọt. Với ông, như thế đã là hạnh phúc. Trái ngọt của đôi nghệ sĩ là những người con, người cháu kế tục truyền thống nghệ thuật của bố mẹ. Con gái đầu là tiến sĩ Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam. Con trai út - họa sĩ Ngô Đức Lâm - nối nghiệp bố, hiện giảng dạy ở trường Mỹ thuật công nghiệp. Cháu ngoại - đạo diễn trẻ Đinh Tiến Vũ - gây chú ý với các tác phẩm Cuộc đời của Yến, Truyền thuyết về Quán Tiên...
Tuổi xế chiều, tình cảm vợ chồng được bà hun đúc qua những tập thơ. Tháng 6/2020, bà ra mắt tập Nặng tình trong chương trình Mãi mãi một tình yêu ở Hà Nội, ông chống gậy đến thưởng thức những vần thơ mới của vợ. Khi ôn lại chuyện tình, bà nhớ đến cái nắm tay trong rạp phim thuở nào qua bài Ngày ấy:
"Dâng trào cảm xúc bất ngờ
Tay trong tay nắm tình cờ trao nhau
Duyên trời sắp đặt từ đâu
Khi về đất mẹ một câu hẹn hò...".
Bà mãn nguyện khi ở tuổi già, tình yêu ông dành cho vợ vẫn đong đầy qua từng nét vẽ:
"Sắp tròn cái tuổi 85
Mở thêm triển lãm "Nét đằm thời gian"...
...Cười hiền chỉ nói một câu
Say nghề yêu nghiệp bao lâu chẳng nề
Riêng em vui đến bất ngờ
Bên anh vẫn thấy như là khi xưa
Nửa già thế kỷ kề bên
Xem tranh em lại thấy càng thêm yêu...".
Những vần thơ bà ký thác về mối tình 60 năm đã được phổ nhạc thành ca khúc Moskva thời hoa niên (nhạc sĩ Nguyễn Lê Tâm). Trong buổi ra mắt tập thơ này, chị Ngô Phương Lan, con gái cố nghệ sĩ, từng cho biết: "Bố mẹ tôi truyền cho các con sự trung thực, ngay thẳng và làm việc gì cũng làm với cái tâm của mình. Công việc, sự nghiệp tự thân đi trên đôi chân mình, gây dựng bằng đôi tay mình. Với bố mẹ tôi, mọi thứ cũng có sự hữu duyên thiên định và tôi thấy ông bà luôn vui vẻ, thỏa mãn với những gì mình đã có".
Tam Kỳ