Trong căn nhà ở quận Đống Đa, bà Phạm Thị Ngọc Cầm, 80 tuổi và ông Lưu Bách Chế, 85 tuổi đang chụm đầu xem lại những bức ảnh trong chuyến du xuân năm nay. Hai người già tay nắm tay, ríu rít cười nói. Thi thoảng, ông Chế vuốt lại mái tóc cho bạn gái, âu yếm nhìn bà.
"Đời tôi chưa bao giờ có cảm giác yêu sâu sắc thế", bà Cầm nói với khách tới chơi nhà.
40 năm trước, hôn nhân của bà Cầm đổ vỡ. Cô giáo dạy Văn vừa lên lớp, vừa may vá, làm kẹo, một mình nuôi ba người con trưởng thành. Ngày đó, bận với mưu sinh, bà không còn thời gian nghĩ đến bản thân.
Khi các con đã yên bề gia thất, bà mới thấy mình cô đơn, dễ buồn, mau nước mắt. Thương mẹ, các con khuyến khích bà tham gia các hoạt động thể thao, tập yoga, học nhảy để khỏe cả thể chất lẫn tinh thần, nhưng vẫn không vực dậy được tinh thần của bà Cầm. "Trong sâu thẳm tôi vẫn thấy trống trải", bà kể.
Chị Vũ Cầm Thi, 45 tuổi, con gái bà Cầm, phát hiện mẹ có những biểu hiện của bệnh trầm cảm. Chỉ một hành động nhỏ, một lời nói vô tình cũng khiến bà giận dỗi. Muốn mẹ vui, chị lập tài khoản mạng xã hội, hướng dẫn bà cách đăng bài, kết bạn. Chị cũng kích hoạt tính năng hẹn hò, đăng ảnh và viết lời giới thiệu để tìm bạn trai cho mẹ.
Bốn năm trước, trong lúc dùng điện thoại của mẹ, chị Thi thấy tài khoản của ông Lưu Bách Chế. "Bác trông rất đạo mạo, hiền lành, có vẻ hợp với mẹ nên tôi gửi kết bạn", chị Thi kể.
Bữa đó, ông Chế, nhà cách bà Cầm khoảng 5 km, đang ngồi xem điện thoại cùng con gái. Thấy có người gửi kết bạn cho bố, người con thúc giục nhận lời. Ông Chế cũng có cảm tình với người phụ nữ ôm bó hoa trong bức ảnh nhưng rụt rè chưa biết bắt chuyện thế nào. Con gái lại giục "Bố nhắn tin khen cô ấy đi". Người cha đang bối rối thì con đã cầm máy gửi tin nhắn.
Hai người già bắt đầu trò chuyện từ hôm ấy. Vài ngày sau, họ lần đầu gặp mặt, cùng uống nước, đi dạo phố. Ông Chế chụp giúp bà Cầm bức ảnh trong vườn hoa. "Tôi đã mến bà ấy ngay từ lần đầu gặp mặt", ông nói. Bà Cầm cũng quý người bạn ga lăng và hiền hậu. "Có một người bạn để tâm tình, cùng đi chơi, đi ăn cũng vui", khi đó bà chỉ nghĩ đơn giản vậy.
Ông bà nói chuyện với nhau nhiều hơn, lịch hẹn gặp cũng dày lên. "Bà muốn đi đâu, muốn ăn gì tôi cũng chiều. Tôi sẽ đưa bà đi cùng trời cuối đất", ông Chế nói khiến tim bà Cầm rung rinh. "Ở tuổi này có một người chiều chuộng, yêu thương mình nên tôi rất vui và hạnh phúc", bà Cầm thành thật.
Ông Chế ban đầu mến người bạn già vì vẻ ngoài đằm thắm, dẻo dai, hoạt bát. Nhưng càng trò chuyện, càng hiểu những hy sinh, vất vả của bà những ngày thanh xuân để nuôi ba người con thành đạt, ông thêm nể phục và muốn bù đắp cho bà. "Không phải người phụ nữ nào cũng có thể mạnh mẽ, giỏi giang và hy sinh nhiều như thế", người đàn ông góa vợ 7 năm trước, nói.
Vài tháng sau lần hẹn đầu, ông Chế lại bắt xe buýt đến nhà bà Cầm "thưa chuyện với nhà bạn gái" - là các con của bà. "Bác xin phép được yêu mẹ của các cháu!", ông nói.
Hành động của ông Chế khiến người phụ nữ Hà Nội thấy mình được trân trọng, được yêu thương thật lòng. Các con bà Cầm và các con ông Chế đều mừng khi bố mẹ tìm được người yêu, tạo mọi điều kiện để họ hẹn hò.
Ông bà gặp nhau tuần hai lần vào mỗi thứ 4 và thứ 7. Bà Cầm hào hứng hơn với các bài tập yoga dưới nước, ông Chế cũng rèn luyện đi bộ mà chẳng thấy mệt.
Bốn năm yêu, mùa hè họ đi tắm biển, đến các điểm du lịch trên rừng, mùa lạnh đi tắm khoáng, đầu xuân đi lễ chùa. Không đi được xa, ông bà la cà phố xá thử các món ngon, ăn chè, uống cà phê. Điểm đến quen thuộc của họ là các công viên, vườn hoa khắp Hà Nội. Bà Cầm yêu hoa nên đến chỗ nào có hoa đẹp đều tạo dáng để bạn trai chụp hình cho. Ông Chế miệng lúc nào cũng khen bạn gái đẹp, chiều chuộng bà.
"Phụ nữ như một bông hoa, phải nâng niu để họ hạnh phúc", ông nói và cho biết tuy có tuổi nhưng tình yêu không tuổi. Người trẻ yêu thế nào, ông bà yêu như thế.
Nhưng cũng vì giống tình yêu của người trẻ nên ông bà chẳng tránh được những nhớ nhung và cả giận hờn. Nhà cách nhau gần 5 km, nhưng Covid -19 ập đến khiến xe buýt dừng hoạt động. Nhiều ngày liền hai người nhớ nhau mà chẳng thể gặp. Không còn cách nào khác, ông Chế một mình bộ sang nhà bà Cầm.
Có lần ông Chế đến muộn, để bạn gái đợi mãi nên bị giận, dỗ mãi bà mới nguôi.
Từ ngày yêu nhau, bà Cầm và ông Chế đều khỏe hẳn ra, ăn tốt, ngủ tốt. "Mẹ vui vẻ, không còn để tâm những điều nhỏ nhặt rồi giận dỗi, tủi thân như trước", chị Thi kể.
Con trai ông Chế cũng kể với họ hàng, ngày mẹ mất, anh thấy bố đau buồn như muốn đi theo, nhưng từ ngày có bà Cầm làm bạn, ông vui vẻ, trẻ trung hơn hẳn.
Nhiều người thân, họ hàng khuyên ông bà nên làm đám cưới, về sống cùng nhau. Nhưng tuổi cao, họ vẫn muốn sống gần con cháu. "Chúng tôi vẫn phải dựa vào con và các con cũng đang cần chúng tôi giúp đỡ. Hàng ngày, ngoài sống cho bản thân, chúng tôi phụ giúp con cháu nấu cơm, rửa bát để chúng đỡ vất vả, mình cũng hoạt bát, khỏe khoắn hơn", ông phân tích.
Nhiều người già cô đơn như ông Chế và bà Cầm muốn tìm tình yêu nhưng sợ dư luận, sợ con cái phản đối. Nhưng chị Thi cho rằng nếu thương cha mẹ thật lòng người con nào cũng sẽ vượt qua được hết những toan tính, ích kỷ và không có lý do để ngăn cha mẹ yêu thêm lần nữa.
"Nếu cha mẹ hạnh phúc, các con cũng sẽ hạnh phúc, gia đình ấm êm thì xã hội sẽ tốt đẹp", chị nói.
Bà Cầm tin là người nên sống vì mình. Tuổi càng cao càng nên nghĩ đến mình nhiều hơn. Khi con cái trưởng thành, có cuộc sống riêng, người già sẽ đối diện với cô đơn, dễ trầm cảm, ảnh hưởng đến sức khỏe và tuổi thọ.
"Cho nên khi tìm được hạnh phúc đích thực hãy dang tay đón nhận, đừng nên bỏ lỡ vì bất cứ điều gì", bà nói, tay đặt vào tay bạn trai.
Phạm Nga